ĐBQH lo ngân hàng và doanh nghiệp 'móc nối', ưu tiên doanh nghiệp 'sân sau'
Nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cảnh báo dòng tiền hỗ trợ đi sai “địa chỉ”, Chính phủ cần có cơ chế giám sát tránh trường hợp doanh nghiệp móc nối với ngân hàng, hoặc ngân hàng ưu tiên doanh nghiệp "sân sau", hay tiền đầu tư tài chính thay vì đổ vào sản xuất kinh doanh.
Sáng nay 7/1, Quốc hội thảo luận trực tuyến dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
ĐBQH Mai Văn Hải (Thanh Hoá) cho rằng, đây là chương trình có quy mô lớn nhất từ trước đến nay với dự kiến gần 350.000 tỷ đồng. Đồng tình với phương án huy động vốn nhưng ông đề nghị cần làm rõ huy động trong nước là bao nhiêu, vay nước ngoài là bao nhiêu.
Theo quan điểm của ông Hải, vay trong nước nên là chính. Bởi vay nước ngoài với những điều kiện ràng buộc không hề dễ dàng.
Với nội dung hỗ trợ cho doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh với gói gần 40.000 tỷ đồng, ĐBQH cho biết đây là gói rất quan trọng để hỗ trợ cho họ phục hồi phát triển sản xuất. Tuy nhiên, theo ông Hải việc triển khai cần có trọng tâm trọng điểm. Hỗ trợ những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề như du lịch, vận tải, nhà hàng, khách sạn, việc làm… Đồng thời đề nghị các ngân hàng thương mại cải cách thủ tục để người dân, doanh nghiệp dễ tiếp cận.
"Đề nghị NHTM cải cách thủ tục hành chính để doanh nghiệp, người dân dễ tiếp cận chính sách, nhưng cũng phải kiểm soát chặt chẽ tránh tình trạng người dân vay đầu tư tài chính,... rất nguy hiểm làm suy giảm nền kinh tế", ĐBQH nói.
ĐBQH Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) nhấn mạnh tầm quan trọng việc ổn định kinh tế vĩ mô như: Lạm phát, vay nợ công, thâm hụt ngân sách… Nếu lạm phát tăng cao, các doanh nghiệp phải chạy theo "vòng xoáy" vay nợ và lợi ích của chương trình sẽ bị suy giảm.
Cũng theo đại biểu Huy, Chính phủ cần rà soát kỹ lưỡng các đối tượng được hỗ trợ để đảm bảo khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế và khả năng trả nợ trong tương lai. Trong đó, việc hỗ trợ doanh nghiệp là một trọng tâm. Nhưng hỗ trợ thế nào là vấn đề cần được tính toán cẩn trọng.
Chính phủ cần lưu ý một số vấn đề như xem xét hỗ trợ cho doanh nghiệp, lĩnh vực, ngành nghề một cách phù hợp đáp ứng đúng nhu cầu. Tính toán khả năng, sức hấp thụ của ngành đó đến đâu, phương pháp hỗ trợ thế nào để cân đối giữa ngắn hạn trước mắt và đầu tư phát triển lâu dài.
"Cần cung cấp cho doanh nghiệp hướng đi, cách đi, cung cấp "cần câu" chứ không phải "con cá", ĐBQH nêu quan điểm.
ĐBQH Nguyễn Văn Huy cũng cảnh báo việc cần có cơ chế tránh trường hợp doanh nghiệp móc nối với ngân hàng, hoặc ngân hàng ưu tiên doanh nghiệp "sân sau", tuyệt đối tránh tình trạng doanh nghiệp vay vốn xong lại gửi ngân hàng để hưởng % chênh lệch (do lãi suất cho vay thấp hơn lãi suất tiền gửi).
Nêu quan điểm, ĐBQH Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) đề nghị áp dụng chính sách chi trực tiếp cho công tác phòng, chống dịch, nên đầu tư y tế cơ sở, tăng thu nhập cho nhân viên y tế nơi tuyến đầu.
Việc miễn giảm thuế, phí là phù hợp trong bối cảnh này, tuy nhiên ĐBQH đề nghị, cần quy định cụ thể đối tượng nào, doanh nghiệp nào.
"Chúng ta nên tập trung cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp có sức lan toả rộng", ông Hoà nói và đề nghị giám sát chặt đối tượng vay vốn, không để xảy ra tình trạng mất vốn vì đối tượng vay không có khả năng chi trả.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận