ĐBQH: Cần sớm có bảng giá đất để phục hồi thị trường bất động sản
ĐBQH Vũ Trọng Kim cho rằng, nếu đến năm 2025 mới có bảng giá đất thì sẽ muộn so với yêu cầu của thị trường đất đai hiện nay.
Đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên
Tham gia phát biểu sáng 7/4 về một số vấn đề lớn cần xin ý kiến của dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại Hội nghị ĐBQH chuyên trách, đại biểu Vũ Trọng Kim (đoàn Nam Định) cho biết, nếu đến năm 2025 mới có bảng giá đất thì sẽ muộn so với yêu cầu của thị trường đất đai hiện nay, khi thị trường gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch.
Đai biểu đề nghị cơ quan chức năng cần thể hiện quyết tâm cao trong việc hoàn thành sớm bảng giá đất để phục hồi thị trường bất động sản.
Về bồi thường tái định cư với đất Nhà nước thu hồi, đại biểu cho rằng, cần xác định thời gian thực hiện bồi thường, tái định cư, vì đây là cội nguồn của các khiếu kiện phức tạp.
Theo đại biểu, khi tính thời gian thì thực hiện việc tính lãi cho người giao đất, để người được đến bù tích cực trong giải quyết vấn đề.
Trong tái định cư cũng phải đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng hạ tầng, văn hóa, cần có bản cam kết giữa bên sử dụng và bên giao đất để giảm thiểu các vấn đề bất đồng, khiếu kiện phức tạp, đạt được sự hài hòa lợi ích giữa hai bên.
Ngoài ra, đại biểu đề nghị nên giao phòng công chứng chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật về việc xác định giá cả khi tiến hành giao dịch trên cơ sở bảng giá tại vùng đất, thửa đất tại địa điểm đó, để nâng cao trách nhiệm của phòng công chứng, giảm tải vai trò của ngành tài nguyên, môi trường, phòng đăng ký đất đai.
Có thể liên thông thẳng từ phòng công chứng đến cơ quan thuế để rút ngắn thủ tục, đảm bảo được nguồn thu thuế cho Nhà nước.
Bảng giá đất nên xây dựng định kỳ 3 năm
Tham gia góp ý hoàn thiện dự thảo liên quan đến tài chính đất đai, Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, việc xác định giá đất, phương pháp xác định giá đất hiện nay có những điểm chưa phù hợp, chưa thể hiện sự công khai, minh bạch đã gây nên những vấn đề tiêu cực, làm ảnh hưởng đến chính sách về đất đai của Nhà nước, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân.
Do đó, những quy định mới cần được xem xét sửa đổi, bổ sung đảm bảo phù hợp, khả thi và hiệu quả nhưng cần quan tâm đến độ giãn về thời gian áp dụng quy định, cách thức xác định giá đất theo phương pháp mới. Trong đó xem xét đến việc áp dụng phương pháp hệ số để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.
Cụ thể khoản 1, Điều 154 dự thảo luật quy định: Bảng giá đất được xây dựng định kỳ hàng năm nên sửa đổi thành bảng giá đất được xây dựng định kỳ 3 năm để tránh lãng phí trong về thời gian tổ chức và các quy trình xây dựng bảng giá đất.
Đại biểu cũng đề nghị bổ sung khoản 3, Điều 154 về bảng giá đất được sử dụng làm căn cứ tính hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi thực hiện dự án liên quan đến nguyên tắc, phương pháp định giá tại khoản 3, Điều 163.
Đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung điều kiện áp dụng các phương pháp định giá và chỉnh sửa theo hướng: Chính phủ quy định phương pháp xác định giá đất, điều kiện áp dụng các phương pháp xác định giá đất, quy trình xây dựng bảng giá đất, định giá đất cụ thể; xây dựng cơ sở dữ liệu giá đất kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện.
Về thu hồi đất, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh Khoản 3, Điều 89 dự thảo về nguyên tắc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất theo hướng: Đối với các hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi đó được xem xét bồi thường bằng đất khác có giá trị, vị trí tương ứng với đất đã thu hồi, hoặc bồi thường bằng tiền và cần bổ sung quy định cụ thể về các tiêu chí xem xét hỗ trợ, mức hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất tại Điều 104 dự thảo luật.
Trong khi đó, đại biểu Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang) đề xuất nên quy định về bảng giá đất được xây dựng theo chu kỳ là 2 năm một lần. Đề nghị quy định cụ thể cách thức xử lý các vướng mắc, khó khăn trong giao đất, cho thuê đất do các công ty nông, lâm nghiệp quản lý, sử dụng tại để thực hiện chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận