menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Đỗ Mỹ Hà

Dãy nhà lụp xụp, đường trục cáp quang lịch sử và ý chí của những người Viettel đời đầu

Giấc mơ viễn thông của Viettel ra đời với nhiệm vụ đưa người lính thoát nghèo. Sau 2 thập kỷ, nó đã thành công ngoài sức tưởng tượng, mở đường cho sự phát triển ngang tầm thế giới của ngành viễn thông Việt Nam.

Một là về, hai là ở trên này với khỉ!

Dãy nhà lụp xụp, đường trục cáp quang lịch sử và ý chí của những người Viettel đời đầu

Năm 1995, Viettel trở thành doanh nghiệp duy nhất của Việt Nam được cấp giấy phép kinh doanh đầy đủ các dịch vụ viễn thông. Thế nhưng, khi đó Công ty Điện tử Viễn thông Quân đội (tên gọi lúc đó của Viettel) lại chẳng có hoạt động kinh doanh dịch vụ nào. Công việc chính của họ vẫn là đi xây dựng cột kèo, lắp các tổng đài kỹ thuật số và thi công cho “ông lớn” mà họ được tạo ra để cạnh tranh: VNPT (lúc đó là Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam).

2 năm sau, Viettel nhận dự án lớn đầu tiên: thiết kế và thực hiện đường trục cáp quang 1A cho Bộ Tư lệnh Thông tin. Việc xây dựng đường trục này dựa trên 2 sợi cáp quang trên đường điện 500 kV Bắc Nam mà Bộ Tư lệnh Thông tin xin từ Chính phủ và nếu muốn có đường dự phòng cho quân đội thì phải có 4 sợi (2 sợi thu, 2 sợi phát). Đó cũng là lý do người Viettel buộc phải nghiên cứu thành công và triển khai công nghệ mà thế giới mới triển khai thử nghiệm trên phạm vi hẹp tại một số nơi: thu phát trên cùng một sợi.

Khi đó, phần lớn những người Viettel không hiểu gì về công nghệ truyền dẫn SDH - công nghệ thu phát trên cùng 1 sợi. Ông Lê Hoài Nam – Phó Giám đốc Viettel IDC – được chính ông Nguyễn Mạnh Hùng (hiện là Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông) giao soạn giáo án trong vòng 1 tuần với mục tiêu giúp đội ngũ Viettel và các cán bộ kỹ thuật của các quân khu, quân đoàn tham gia đào tạo hiểu được công nghệ này sau khi đào tạo. Chàng kỹ sư phần mềm tốt nghiệp đại học Bách Khoa lúc đó đã có một tuần không ăn không ngủ, trắng đêm bên chồng tài liệu.

Đào tạo xong nhân sự, khi bắt tay vào lắp đặt, đội ngũ kỹ thuật của Viettel lại gặp phải khó khăn lớn. Để có thể cấu hình và khai thác được đường trục, Viettel phải mua phần mềm của Israel với giá rất đắt. Không đủ tiền, Viettel chỉ có thể mua được 3-4 bộ phần mềm cùng thiết bị có khóa mã , trong khi có tới 21 điểm mạng cần triển khai đồng loạt. “Thế là tôi phải tìm cách riêng để nhân bản những cái máy đó lên, cung cấp cho đội lắp đặt”, ông Nam nhớ lại.

Để có thể hoàn thành được đường trục lịch sử, không ít lần người lính Viettel phải dầm mình trong mưa rừng, giấu card vào bụng, chịu ướt người để card không ướt, chân đất băng 4-5 km đường núi tới điểm đặt trạm. Có những đêm, họ thức trắng chờ bên bến đò, đón thiết bị để từ đó khuân vác bằng tay, chở bằng xe bò lên tuyến trục.

Hai tháng cuối cùng của dự án, Thiếu tướng Hồ Tri Liêm Tư lệnh Bộ tư lệnh Thông tin liên lạc lúc đó đã gần như dừng lại mọi công việc điều hành, để lên tuyến cùng anh em đi thông tuyến. Trong những ngày cuối cùng, ông nói với những người lính Viettel về quyết tâm của mình một cách rất tếu táo: “Các cậu làm gì thì làm, tôi đã mang quần áo theo đây rồi. Một là về, hai là ở trên này với khỉ!”.

Trước đó, trên thế giới chưa có một quốc gia nào làm đường trục cáp quang với công nghệ thu phát trên cùng một sợi. Ở Anh cũng có triển khai nhưng chỉ là thử nghiệm với một tuyến ngắn vài chục km, ở châu Á thì không có nước nào triển khai. Trong khi đó, Viettel triển khai thành công đường trục cáp quang 1A dài gần 2.000 km.

Một công ty nhỏ bé của quân đội đã vượt qua thử thách lớn đầu tiên trong chặng đường phát triển. Họ không chỉ có được sự tự tin vào chính mình mà còn là niềm cảm hứng cho những người làm viễn thông và công nghệ Việt Nam sẵn sàng đương đầu với những bài toán khó của thế giới.

“Kẻ ký sinh” vĩ đại

Dãy nhà lụp xụp, đường trục cáp quang lịch sử và ý chí của những người Viettel đời đầu

Hoàn thành đường trục 1A, người Viettel bắt đầu mơ đến viễn thông. Nhưng ngay cả người ký giấy phép kinh doanh cho Viettel, TS Mai Liêm Trực, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện trong câu chuyện kể lại cũng thừa nhận chẳng những người Viettel lúc đó không biết bắt đầu từ đâu, mà cả Tổng cục cũng chẳng biết nên cho Viettel làm cái gì.

“Khi tôi gặp những người đầu tiên trong ban giám đốc Viettel thì thấy họ rất là dễ thương. Ban chiến lược có anh Hùng (Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông hiện nay), anh Dũng (Quyền Chủ tịch Viettel hiện nay), cô Lý (Nguyễn Hải Lý hiện là Trưởng ban Đầu tư Xây dựng Tập đoàn Viettel) suốt ngày ngồi ở chỗ nhà cấp 4 trưng dụng của Viện bảo tàng Bộ Tư lệnh Thông tin, đọc sách chứ đã biết làm gì đâu. Ban đầu có 10 người, nhưng khó khăn khiến 2/3 đội bỏ đi, chỉ còn 3-4 người trụ lại”, ông Trực nhớ lại.

Dãy nhà lụp xụp, đường trục cáp quang lịch sử và ý chí của những người Viettel đời đầu

Tháng 2/2000, VoIP được lựa chọn là dấu mốc tiếp theo trên con đường phát triển của Viettel. Đó một loại hình dịch vụ viễn thông mới, được đầu tư với vốn rất thấp, nhưng có thể cung cấp dịch vụ gọi điện thoại đường dài cho người dân với chí phí hợp lý.

Viettel ban đầu lựa chọn thiết bị của Cisco để thử nghiệm, tuy nhiên, thoả thuận đổ bể ngay thời điểm quan trọng nhất. May mắn, công ty này này được sự hỗ trợ của một đối tác Singapore, cho mượn bộ thiết bị hàng trăm ngàn USD để đấu nối thử nghiệm. Bộ thiết bị đó đã được Viettel dùng cho cuộc kết nối được thực hiện trực tiếp bởi ông Mai Liêm Trực Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện ở triển lãm Vietnam Telecom tháng 8/2000.

Ngày 15/10/2000, VoIP chính thức ra đời, làm nên tên gọi lịch sử “178 - mã số tiết kiệm của bạn”. Nhưng suốt thời gian đầu, nhà mạng này vẫn bị các đối thủ nhìn với con mắt không mấy thiện cảm, dù lợi ích xã hội và kinh tế của VoIP là không thể phủ nhận.

“Giai đoạn đầu, Viettel bị coi là mạng ký sinh, sống nhờ dựa dẫm trên người khác, nhưng cũng nhờ đó mà Viettel cũng cố gắng. Lúc đó, tinh thần tự học, từ nghiên cứu rất tốt với mục tiêu trong thời gian ngắn nhất phải thông tỏ và áp dụng thực tế được”, Phó giám đốc IDC cho hay.

Bước vào kinh doanh, Viettel đối mặt với bài toán về thu cước. Phần mềm mua trước đó của Israel không tương thích với điều kiện của Việt Nam, khiến đội kỹ sư của Viettel (Lê Hoài Nam, Tạ Hồng Cương) phải sang Israel để nhận chuyển giao và thương thảo việc sửa đổi.

Tuy nhiên, Viettel lúc đó là công ty nhỏ nên đối tác không chấp nhận việc sửa đổi phần mềm. Vì vậy, nhóm đã nhận chỉ đạo của ông Nguyễn Mạnh Hùng: phải tự phát triển gấp phần mềm tính cước. Việc xây dựng thành công chương trình tính cước đã giúp Viettel thực hiện đối soát và thu cước được cùng với VNPT.

“Hồi đó được anh Hùng thưởng 100 USD, rồi nhờ chương trình tính cước đó mà thu được những đồng tiền đầu tiên. Sau này, cứ mỗi buổi sáng, VoIP đạt doanh thu 30.000 USD, rồi đến 60.000 USD”, ông Nam tiết lộ.

Viettel nhanh chóng mở rộng hoạt động của VoIP ra toàn quốc, bất chấp những khó khăn về kết nối tại các địa phương. Ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên lái xe tập đoàn, kể rằng có những thời điểm bản thân phải lái 2.100 km trong 2 ngày đêm, ăn trên xe, ngủ chợp mắt, “mang bộ thiết bị trị giá 24 tỷ đồng được anh Hùng gửi gắm từ Hà Nội vào Cần Thơ” để kịp đấu nối.

Đi cùng với không khí phấn khởi của những người Viettel, lần đầu tiên ở Việt Nam, người dân được gọi điện thoại đường dài giá rẻ (thấp hơn tới 2/3), có nhiều chương trình khuyến mại và không bị phân biệt theo vùng cước. Và đó cũng là lần đầu tiên, người Việt Nam có lựa chọn với dịch vụ viễn thông và “người khổng lồ” VNPT khi đó cũng lần đầu tiên thấy “hơi nóng” của cạnh tranh.

Những thành công ban đầu đó đã tạo nên không khí khác hẳn trong Viettel. Trước đó, Viettel có ý chí, nhưng không khí luôn có cảm giác buồn, vì muốn nhưng chưa biết làm gì để vượt lên. Giờ đây, họ làm ngày làm đêm, dù gần như phải đi năn nỉ các bưu điện tỉnh hay có lúc thức 2-3 giờ sáng để ngồi thuyết phục lãnh đạo bưu điện một số tỉnh nhằm đấu nối hệ thống tín hiệu.

Đến xem trụ sở làm việc của Viettel ở dãy nhà lụp xụp trong những ngày đó, ông Mai Liêm Trực cảm nhận được ý chí hừng hực của người Viettel. “Ngay khi đó, tôi đã có linh cảm về triển vọng của công ty này, với những con người dấn thân, có tầm nhìn, có khát vọng. Đó có lẽ là điều làm nên thành công của Viettel, trong suốt những tháng năm lịch sử ấy”.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Mã liên quan
Giá
Biểu đồ

58.50

-0.90 (-1.52%)

Biểu đồ mã IDC
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả