Đẩy mạnh thu phí từ dịch thanh toán, bảo hiểm sẽ là 'từ khoá' lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2020
Theo báo cáo triển vọng ngành ngân hàng 2020 của Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC), năm 2020 việc đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp của ngân hàng sẽ bị kiểm soát chặt hơn khi năm 2019 hơn 600.000 tỷ đồng trái phiếu đã được phát hành, chiếm 10% GDP.
Trái phiếu doanh nghiệp bị kiểm soát chặt chẽ hơn, tăng trưởng tín dụng chậm lại
Theo thống kê của BSC, tốc độ tăng trưởng của trái phiếu doanh nghiệp hiện nay ở mức cao dẫn đến việc khó kiểm soát chất lượng và quy mô, từ đó tiềm ẩn nhiều rủi ro. Năm 2019, tổng cộng trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành đạt mức hơn 600.000 tỷ đồng, chiếm hơn 10% GDP.
Ngân hàng Nhà nước thời gian vừa qua đã đưa ra nhiều thông tư, nghị định về việc tăng cường quản trị rủi ro trong hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của ngân hàng.
Cụ thể, về phía ngân hàng cần đảm bảo an toàn, chấp hành các quy định về thủ tục quy trình mua bán trái phiếu doanh nghiệp, kiểm soát chặt chẽ hoạt động đầu tư kinh doanh trái phiếu vào các lĩnh vực kinh doanh rủi ro.
Về phía doanh nghiệp, giới hạn phát hành riêng lẻ trái phiếu doanh nghiệp không vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu tại báo cáo tài chính gần nhất, khoảng thời gian tối thiểu của đợt phát hành trước và sau là 6 tháng và phải cùng điều kiện điều khoản.
Nhận định chung về cung cầu tín dụng năm 2020, BSC cho rằng, cung cầu tín dụng có xu hướng chậm lại do việc giảm tốc của nền kinh tế. BSC dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2020 chỉ ở mức 12,5%, chậm hơn mức ước tính 13% trong năm 2019.
Cung cầu tín dụng năm 2020 chậm lại do: Nền kinh tế giảm tốc, GDP tăng trưởng chậm lại. Cùng với đó, nhu cầu vay vốn dài hạn để sản xuất kinh doanh chậm lại, các ngân hàng thiếu vốn sẽ bị hạn chế cấp tín dụng (CTG, Agribank, ...).
Về nguồn cung tín dụng, với việc nới trần tỷ lệ cho vay/huy động (LDR) lên mức cho các hầu hết các ngân hàng (trừ ngân hàng nhànước), áp lực huy động sẽ giảm bớt. Theo dự báo của BSC, huy động khách hàng toàn hệ thống năm 2020 sẽ tăng trưởng ở mức 11,4%.
NIM toàn ngành 2020 được dự báo cải thiện nhẹ lên mức 3,62%
Bù lại tăng trưởng tín dụng và huy động năm 2020 thấp, theo BSC, tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) năm 2020 của toàn hệ thống sẽ được cải thiện.
Trong năm 2019, NIM toàn ngành được cải thiện lên mức 3,56% do các ngân hàng cơ cấu lại các khoản vay với lãi suất cao hơn. Xu hướng này sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2020, từ đó giúp cải thiện NIM.
Trong năm 2020, theo nhận định của BSC, NIM toàn ngành 2020 được dự báo cải thiện nhẹ lên mức 3,62% (tăng 0,06%) nhờ lãi suất cho vay và huy động sẽ tiếp tục giảm nhẹ, hỗ trợ tăng trưởng chung toàn thị trường. Một lý do nữa được BSC đưa ra là nhờ việc các ngân hàng cơ cấu lại các khoản vay sang cho vay SME và cá nhân. Cùng với đó là việc nới trần LDR giúp giảm bớt áp lực huy động trong hệ thống. Bên cạnh đó, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng có thể sẽ hạ nhiệt sau khi các ngân hàng huy động đủ nguồn bù đắp phần thiếu hụt do việc rút tiền từ kho bạc Nhà nước trong tháng 11/2019 và sẽ giữ ở mức thấp nhờ dự báo thanh khoản ổn định.
Theo BSC ước tính NIM các doanh nghiệp niêm yết sẽ cao hơn toàn ngành khoảng 0,02%, tăng trưởng nhẹ lên mức 3,64%.
Thu nhập ngoài lãi sẽ tiếp tục tăng tỷ trọng trong cơ cấu tổng thu nhập hoạt động. Hiện nay, cơ cấu thu nhập ngoài lãi đang chiếm 24,6% nhờ sự tăng trưởng ấn tượng từ thu phí dịch vụ và các phần thu hồi từ các khoản nợ xấu, kinh doanh trái phiếu và ngoại hối. BSC kỳ vọng việc tăng trưởng phí sẽ tiếp tục ở mức cao từ 20% - 25% trong năm 2020 khi các ngân hàng đẩy mạnh thu phí từ dịch vụ thanh toán, bancassurance,... Bên cạnh đó, một vài ngân hàng dự kiến sẽ ghi nhận các khoản lớn đến từ thu một lần phí bancassurance như VCB, TPB,...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận