Đầu tư xây dựng dự án thành phần Hậu Giang - Cà Mau thuộc dự án cao tốc Bắc-Nam
Cùng thời điểm khởi công với 11 dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025, ngày 1/1, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đã tổ chức Lễ khởi công Dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau tại vị trí nút giao IC11 (giao giữa tuyến cao tốc với đường Láng Trâm - Thới Bình), thuộc địa bàn xã Thới Bình, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau.
Dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt tại Quyết định số 912/QĐ-BGTVT, ngày 13/7/2022 với tổng chiều dài trên 73 km (điểm đầu kết nối vào điểm cuối Dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang thuộc huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang; điểm cuối giao với đường Hành lang ven biển phía Nam thuộc huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) với tổng mức đầu tư hơn 17.152 tỷ đồng.
Cụ thể, dự án đi qua địa bàn 4 tỉnh: Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau; trong đó; đoạn qua Hậu Giang dài 26,6 1km; đoạn qua Bạc Liêu dài 7,7 km; đoạn qua Kiên Giang dài 17,04 km; đoạn qua Cà Mau dài 21,9 km.
Với vận tốc thiết kế 100 km/h, dự án thực hiện đầu tư với quy mô 4 làn xe hạn chế, nền đường rộng 17m, mặt đường và dải phân cách rộng 16m, thực hiện giải phóng mặt bằng theo quy mô quy hoạch.
Bên cạnh đó, đoạn qua tỉnh Cà Mau xây dựng hoàn chỉnh 2 nút giao khác mức liên thông: IC10 giao với Quốc lộ 63 và IC12 giao với đường Hành lang ven biển phía Nam); riêng nút giao IC11 giao với đường Láng Trâm - Thới Bình (vị trí tổ chức lễ khởi công) được quy hoạch nút giao khác mức, trong Dự án trước mắt chỉ thực hiện giải phóng mặt bằng với phạm vi theo quy hoạch, chưa đầu tư các đường nối.
Riêng đoạn tuyến nối có tổng chiều dài là 16,6 km, thuộc địa bàn các huyện Thới Bình, Trần Văn Thời, Cái Nước và thành phố Cà Mau (trong đó, thực hiện giải phóng mặt bằng 10,1 km đoạn tuyến làm mới theo quy hoạch đường Hành lang ven biển phía Nam giai đoạn 2, còn lại 6,5 km thực hiện mở rộng trên phạm vi đã giải phóng mặt bằng của đường Hành lang ven biển phía Nam hiện hữu).
Thực hiện Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 11/02/2022 của Chính phủ, thời gian qua, UBND Cà Mau đã phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư) triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao đối với Dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau.
Bên cạnh đó, tỉnh đã ban hành các Kế hoạch chi tiết để thực hiện giải phóng mặt bằng và di dời hạ tầng kỹ thuật; công tác giải phóng mặt bằng đã được cơ quan chuyên môn và địa phương tập trung triển khai quyết liệt.
Kết quả thực hiện giải phóng mặt bằng, đến nay, Cà Mau đã bàn giao trên 99 ha diện tích mặt bằng sạch, đạt tỷ lệ 70,83% diện tích giải phóng mặt bằng tuyến cao tốc.
Nhiều người dân bày tỏ sự phấn khởi khi có tuyến cao tốc đi qua và tin rằng kinh tế Cà Mau sẽ “chuyển mình” mạnh mẽ bởi khi đưa vào khai thác việc giao thương, trao đổi hàng hóa của người dân sẽ trở nên dễ dàng hơn và thúc đẩy phát triển liên kết vùng…
Có mặt tại buổi lễ khởi công, anh Đặng Văn Khắp (ngụ xã Thới Bình, huyện Thới Bình) bảy tỏ phấn khởi, việc khởi công dự án thành phần của tuyến cao tốc Bắc - Nam đã biến mơ ước từ lâu của người dân trở thành sự thật. “Việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân miền Tây cũng vì thế được nhanh chóng thuận lợi, tiết kiệm chi phí hơn. Người dân rất kỳ vọng khi hoàn thành, tuyến cao tốc sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển toàn diện, mạnh mẽ hơn nữa không chỉ đối với tỉnh Cà Mau mà còn cả miền Tây Nam Bộ”, anh Khắp chia sẻ.
Gia đình ông Nguyễn Hoàng Vũ (xã Tân Phú, huyện Thới Bình) thuộc diện được thu hồi với diện tích 1.305 m2 đất nuôi trồng thủy sản. Ý thức được tầm quan trọng không chỉ về nền kinh tế - xã hội mà còn cả chính trị của tuyến cao tốc nên khi có chủ trương của nhà nước, gia đình ông Nguyễn Hoàng Vũ không những nghiêm chỉnh chấp hành mà còn tích cực cùng địa phương vận động, tuyên truyền cho nhiều hộ dân khác có phần diện tích đất thuộc dự án hiểu.
“Chủ trương của nhà nước về việc xây dựng tuyến cao tốc rất hợp lòng dân, do đó, khi có chủ trương của chính quyền địa phương về việc bàn giao đất cho dự án, người dân nơi đây luôn chấp hành nghiêm chỉnh, đúng thời gian quy định… Bởi ai cũng hy vọng, tuyến cao tốc càng sớm hoàn thành thì đời sống của người dân cũng từ đó sớm được nâng lên”, ông Nguyễn Hoàng Vũ phấn khởi nói.
Việc tổ chức khởi công toàn bộ 12 dự án thành phần thuộc Dự án đầu tư xây dụng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025 có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đây là sự kiện lớn không chỉ của riêng ngành giao thông vận tải mà còn là sự kiện lớn của các địa phương, tạo không khí phấn khởi, tích cực thi đua lao động đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành ngay trong ngày đầu tiên của năm mới 2023.
Ngoài ra, còn thể hiện quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo quyết liệt và quyết tâm của Chính phủ cùng sự đồng lòng của nhân dân nỗ lực, phấn đấu thực hiện thành công một trong ba đột phá chiến lược đã được Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra với mục tiêu đến năm 2025 cả nước có khoảng 3.000 km đường bộ cao tốc; trong đó, cơ bản hoàn thành toàn bộ dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam từ Lạng Sơn đến Cà Mau.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận