Đầu tư trái phiếu: Đừng ham lãi suất cao
Các chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư khi mua trái phiếu doanh nghiệp, ngoài yếu tố lãi suất, cần quan tâm đến phương án kinh doanh trong huy động vốn qua trái phiếu của doanh nghiệp, nhà tư vấn phát hành trái phiếu có uy tín và kinh nghiệm thẩm định năng lực tài chính tốt muốn phát hành trái phiếu.
Theo báo cáo thị trường trái phiếu doanh nghiệp của SSI Research, tổng giá trị trái phiếu mà các công ty bất động sản phát hành trong quý II/2021 lên tới 164.400 tỷ đồng, tăng 131% so với quý I và tăng 285% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung trong 6 tháng đầu năm thì bất động sản cũng là lĩnh vực có lượng phát hành trái phiếu đứng đầu trong khối doanh nghiệp với giá trị phát hành lên đến 92.000 tỷ đồng, chiếm 44,2% tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong thời gian này.
Mặc dù các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng hoá gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 làm đứt gẫy chuỗi cung ứng, nhưng nhiều công ty bất động sản vẫn có tốc độ tăng trưởng khá cao trong 6 tháng đầu năm và thị trường tiếp tục đón nhận thêm nhiều gương mặt mới. Theo số liệu thống kê của Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, trong nửa đầu năm 2021, lĩnh vực kinh doanh bất động sản có mức đăng ký thành lập mới tăng 44,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo đó nhu cầu vốn dài hạn cho kinh doanh cũng tăng theo. Trong khi hiện các TCTD vẫn đang kiểm soát chặt dòng vốn chảy vào các lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán… nên việc tìm vốn qua kênh trái phiếu đối với các doanh nghiệp bất động sản cũng là điều dễ hiểu.
Đáng chú ý là lãi suất trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản đẩy lên khá cao. Theo SSI Reaserch, trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản có lãi suất bình quân tới 10,36%/năm, cao hơn nhiều lãi suất tiền gửi của các ngân hàng. Cụ thể, lãi suất trái phiếu doanh nghiệp bất động sản hiện nay có mức 8,5-10,5%/năm cho năm đầu và những năm kế tiếp được tính trên cơ sở lấy lãi suất tiết kiệm ngân hàng kỳ hạn 12 tháng cộng thêm từ 3,5-5% để ra lãi suất trái phiếu.
Giới phân tích cho rằng, lãi suất trái phiếu doanh nghiệp từ năm ngoái đến nay gần như đứng ở mức trên dưới 10%/năm, nhưng do lãi suất tiền gửi giảm trong chính sách chung nên lãi suất trái phiếu doanh nghiệp ngày càng cách xa lãi suất tiền gửi. Trong khi trái phiếu doanh nghiệp bất động sản thường có kỳ hạn khá dài, nên thường phải trả lãi suất cao hơn để bù đắp rủi ro cho các nhà đầu tư.
Cũng chính bởi lãi suất trái phiếu cao hơn nhiều so với lãi suất tiền gửi nên giới chuyên môn dự báo, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ tiếp tục sôi động trong quý III. Tuy nhiên theo SSI Research, rủi ro với trái phiếu doanh nghiệp đang tăng lên, đặc biệt với lĩnh vực bất động sản và năng lượng mà nguyên nhân một phần cũng bởi nhiều trái phiếu không có tài sản đảm bảo.
Theo SSI Reaserch, trong số các trái phiếu còn lại được phát hành trong nửa đầu năm 2021, có 18,6% được bảo đảm bằng bất động sản, 11% được bảo đảm bằng tài sản, 33% được bảo đảm bằng một phần tài sản, bất động sản và một phần là cổ phiếu, 9,3% được bảo đảm hoàn toàn bằng cổ phiếu và 28% là không có tài sản bảo đảm. Đặc biệt có 29.000 tỷ đồng trái phiếu bất động sản được bảo đảm hoàn toàn bằng cổ phiếu hoặc không có tài sản bảo đảm. Còn nếu tính cả các trái phiếu bất động sản được bảo đảm một phần bằng cổ phiếu, con số này là gần 60.000 tỷ đồng, chiếm 64% tổng lượng trái phiếu bất động sản phát hành trong 6 tháng đầu năm.
Cho đến nay, các nhà đầu tư nhỏ lẻ vẫn có rất ít thông tin về doanh nghiệp, việc mua trái phiếu chủ yếu bị hấp dẫn bởi lãi suất cao. Thời gian vừa qua, Bộ Tài chính đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo về vấn đề này.
Theo đó, đầu tiên là nhà đầu tư cần phân biệt rõ phương thức phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng và phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Bên cạnh đó nhà đầu tư cần yêu cầu doanh nghiệp phát hành trái phiếu hoặc tổ chức môi giới cung cấp đầy đủ các thông tin bao gồm: trái phiếu do doanh nghiệp nào phát hành, mục đích phát hành; trái phiếu có tài sản bảo đảm hay không có tài sản bảo đảm; cam kết của doanh nghiệp phát hành đối với trái phiếu; kỳ hạn phát hành và phương thức trả nợ gốc, lãi; tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành…
Để hạn chế rủi ro cho các nhà đầu tư cá nhân, Nghị định 153/2020/NĐ-CP không cho phép các nhà đầu tư cá nhân tham gia mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ. Cụ thể, đối với trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền, đối tượng mua trái phiếu là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo quy định của pháp luật chứng khoán. Còn đối với trái phiếu chuyển đổi và trái phiếu kèm chứng quyền, đối tượng mua trái phiếu là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, nhà đầu tư chiến lược, trong đó số lượng nhà đầu tư chiến lược phải đảm bảo dưới 100 nhà đầu tư.
Nghị định cũng yêu cầu các doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải thanh toán đủ cả gốc và lãi của trái phiếu đã phát hành hoặc thanh toán đủ các khoản nợ đến hạn trong 3 năm liên tiếp trước đợt phát hành trái phiếu (nếu có); trừ trường hợp chào bán trái phiếu cho chủ nợ là tổ chức tài chính được lựa chọn. Các đợt chào bán trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ, trái phiếu kèm chứng quyền riêng lẻ phải cách nhau ít nhất 6 tháng kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán gần nhất…
Các chuyên gia cũng khuyến nghị nhà đầu tư khi mua trái phiếu doanh nghiệp, ngoài yếu tố lãi suất, cần quan tâm đến phương án kinh doanh trong huy động vốn qua trái phiếu của doanh nghiệp, nhà tư vấn phát hành trái phiếu có uy tín và kinh nghiệm thẩm định năng lực tài chính tốt muốn phát hành trái phiếu. Đặc biệt do tính chất kỳ hạn cứng của trái phiếu nên người mua phải tính toán kỹ các chi phí trong trường hợp cần bán lại cho nhà phát hành thu hồi vốn để hạn chế thua thiệt.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận