Đầu tư Thương mại SMC (SMC): Tăng tồn kho, lo giá giảm
Tính đến cuối tháng 6/2021, Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại SMC (SMC) có giá trị hàng tồn kho hơn 4.080 tỷ đồng, gấp gần 2,3 lần đầu năm. Tồn kho lớn đang là lợi thế có thể sẽ chuyển thành gánh nặng nếu giá thép sụt giảm.
Dòng tiền âm, tăng vay nợ
Thực hiện chiến lược gia tăng tích trữ tồn kho dẫn tới dòng tiền âm kỷ lục kể từ năm 2015, SMC tiếp tục đẩy mạnh huy động vốn từ phát hành trái phiếu để bổ sung vốn lưu động
Trong 6 tháng đầu năm 2021, dòng tiền kinh doanh của SMC âm 792,9 tỷ đồng. Tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng 6,4% so với đầu năm, tương ứng tăng 169,6 tỷ đồng, lên 2.827,4 tỷ đồng và chiếm 122,4% vốn chủ sở hữu để bù đắp một phần thâm hụt dòng tiền kinh doanh.
Dòng tiền nợ vay huy động thêm trong nửa đầu năm nay chỉ bù đắp một phần nhỏ dòng tiền kinh doanh âm, nên doanh nghiệp phải giảm thêm 692,5 tỷ đồng tiền và đầu tư tài chính để tài trợ cho việc gia tăng tồn kho, các khoản phải thu trong kỳ.
Mới đây, SMC đã huy động thành công 200 tỷ đồng trái phiếu phát hành riêng lẻ để bổ sung vốn lưu động, kỳ hạn 3 năm (2/8/2021 - 2/8/2024), với lãi suất 8,2%/năm. Tài sản bảo đảm là 9,1 triệu cổ phiếu NKG của Công ty cổ phần Thép Nam Kim thuộc sở hữu của SMC và 4 triệu cổ phiếu SMC thuộc sở hữu của cổ đông Nguyễn Cẩm Vân, mẹ bà Nguyễn Ngọc Ý Nhi, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị SMC, đồng thời là thành viên Hội đồng quản trị NKG.
Tính theo giá đóng cửa ngày 10/8, cổ phiếu SMC có giá 48.250 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu NKG có giá 39.850 đồng/cổ phiếu, tổng giá trị danh mục làm tài sản thế chấp trị giá 555,6 tỷ đồng, thấp hơn 64% so với giá trị khoản vay.
Chiến lược đầu tư hàng tồn kho và bài học cổ phiếu chu kỳ
SMC tiền thân là công ty thương mại lĩnh vực phân phối thép, những năm gần đây bắt đầu có sự dịch chuyển, gia tăng tỷ trọng gia công và sản xuất thép, nhưng tỷ trọng thép thương mại vẫn cao.
Năm 2020, tổng sản lượng tiêu thụ các sản phẩm thuộc nhóm thép dẹt gồm gia công và sản xuất thép tấm lá mạ ống của SMC đạt 675.043 tấn, chiếm 50% tổng lượng tiêu thụ, tăng so với mức 43% trong năm 2019.
SMC đã đưa nhà máy Coil Center SMC Đà Nẵng vào hoạt động từ tháng 3/2020. Năm 2021, SMC dự kiến xây dựng mới nhà máy gia công thép SMC Phú Mỹ, công suất gia công cắt chặt thép tấm lá 200.000 tấn/năm; lắp đặt mới 2 dây chuyền cuốn ống tại nhà máy sản xuất ống thép Sendo, nhằm nâng cao công suất đáp ứng nhu cầu ống chất lượng cao của hệ sản xuất; xây dựng mới nhà máy cơ khí chính xác Phú Mỹ, công suất gia công đột dập định hình sản phẩm từ 8 - 10 triệu sản phẩm/năm.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, chi phí xây dựng cơ bản dở dang tăng từ 8,7 tỷ đồng lên 116,9 tỷ đồng, trong đó có 75,3 tỷ đồng xây dựng nhà máy SMC Phú Mỹ, 35,7 tỷ đồng mua sắm tài sản cố định.
Đáng chú ý, tính tới 30/6/2021, tồn kho tại SMC bao gồm hàng hoá, thành phẩm tồn kho và nguyên vật liệu tăng 126,2% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 2.276,9 tỷ đồng, lên 4.080,8 tỷ đồng, chiếm 43,3% tổng tài sản.
Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm nay, các khoản phải thu ngắn hạn tăng 34,1%, tương ứng tăng thêm 590,4 tỷ đồng, lên 2.321,2 tỷ đồng, chiếm 24,6% tổng tài sản. Các khoản phải thu chủ yếu liên quan tới phải thu khách hàng ngắn hạn (1.966,2 tỷ đồng).
Có thể thấy, sự gia tăng tích trữ tồn kho và tài trợ tín dụng cho khách hàng mua hàng hoá đã dẫn tới dòng tiền kinh doanh âm kỷ lục trong nửa đầu năm 2021. Hai khoản mục tồn kho và các khoản phải thu ngắn hạn chiếm tới 67,9% tổng tài sản của doanh nghiệp.
Xét tương quan trong quá khứ từ năm 2013 tới nay, tình hình kinh doanh của SMC biến động tương đối mạnh qua các năm theo chu kỳ. Trong đó, khi thị trường thuận lợi, doanh nghiệp gia tăng hàng tồn kho và cung cấp tín dụng cho khách hàng nhằm tăng doanh số. Ngược lại, khi thị trường không thuận lợi, doanh nghiệp bắt đầu siết chặt quy trình bán hàng, giảm các khoản phải thu ngắn hạn và tồn kho.
Chẳng hạn, năm 2016, SMC tăng tồn kho từ 491 tỷ đồng lên 1.437 tỷ đồng, tương đương tăng 193%; lợi nhuận sau thuế đạt 368 tỷ đồng so với mức lỗ 196 tỷ đồng năm 2015. Ba năm sau đó, lợi nhuận liên tục suy giảm, đến năm 2019 còn 100 tỷ đồng và doanh nghiệp giảm dần tồn kho cũng như các khoản phải thu.
Từ năm 2020 đến nay, SMC tận dụng thị trường thuận lợi để tích trữ hàng tồn kho, trong khi các khoản phải thu tăng, dẫn tới dòng tiền âm kỷ lục. Dòng tiền mà doanh nghiệp sử dụng chủ yếu là đi vay, một phần chiếm dụng của nhà cung cấp.
Do đặc thù hoạt động thương mại là chủ yếu, việc gia tăng tích trữ tồn kho là thành phẩm đã được thực hiện trong giai đoạn 6 tháng đầu năm 2021 có thể khiến SMC gặp rủi ro nếu giá thép đảo chiều. Theo đó, tồn kho lớn đang là lợi thế sẽ chuyển thành gánh nặng, điều mà các doanh nghiệp thép từng đối mặt trong giai đoạn 2016 - 2018.
Theo dữ liệu của Investing.com, tính từ ngày 12/7 tới 9/8/2021, giá quặng sắt giảm 24,5%, xuống 165,77 USD/tấn; giá thép thanh vằn từ ngày 10/5 đến 9/8/2021 giảm 10,4%, xuống 694,5 USD/tấn.
Nguyên nhân được lý giải là do các nhà máy thép ở một số tỉnh của Trung Quốc được lệnh duy trì sản lượng như năm 2020 và hầu hết các khoản giảm thuế giá trị gia tăng có sẵn đối với thép xuất khẩu đã được xóa bỏ, đây là nỗ lực của nước này nhằm hạn chế phát thải carbon và kiểm soát giá thép.
Tại Việt Nam, giai đoạn đầu năm 2021 chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều dự án xây dựng chậm triển khai, nhưng giá thép vẫn tăng mạnh và các doanh nghiệp trong ngành được hưởng lợi.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong tháng 6/2021, giá các loại nguyên vật liệu sản xuất thép có xu hướng ổn định theo đà chững lại của giá thép khu vực và thế giới, giá thép trong nước dao động từ 16.200 - 16.500 đồng/kg, tuỳ từng chủng loại sản phẩm. VSA dự báo, hoạt động tiêu thụ thép sẽ gặp khó khăn khi bước vào mùa mưa, trong khi dịch bệnh kéo dài dẫn tới nhiều công trình tạm hoãn triển khai…
Như vậy, tồn kho lớn có thể là thách thức không nhỏ đối với SMC trong giai đoạn cuối năm nếu như giá thép tiếp tục đi xuống theo giá quặng sắt. Trường hợp giá thép tăng trở lại và duy trì ở mức cao sẽ mang lại lợi nhuận khả quan cho Công ty.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận