Đầu tư thua lỗ và chán nản- Bạn phải làm sao?
Thua lỗ chứng khoán là điều mà ai cũng sẽ gặp phải khi tham gia thị trường này. Ngay cả những nhà đầu tư hàng đầu thế giới như Warren Buffett, Peter Lynch hay Livermore… cũng thua lỗ chứ không riêng gì bạn.
Nhiều khi đó là tiền lương cả năm dành dụm được, cũng có khi là tiền sữa của con hay tiền để hai vợ chồng mua một căn nhà mới.
Mới đầu vào thì cảm thấy kiếm tiền ở cái thị trường Uptrend này dễ ăn quá, gửi tiết kiệm một năm được 7% mà ở đây 3 ngày có khi đã được cả chục phần trăm.
Nhưng đi lâu dài mới thấy cái thị trường tài chính này nó khốc liệt thế nào. Chẳng sai khi mà từ trước đến giờ người ta thống kê lại chỉ có 5% là chiến thắng còn 95% là thất bại.
Thị trường vẫn vậy, lên hì hục bằng thang bộ và xuống bằng thang máy. Ba phiên giảm vừa rồi lấy đi rất nhiều thành quả của cả một năm đầu tư nếu không xử lý tốt.
Trong Uptrend thì cứ mua là thắng. chọn mã nào cũng ăn, ai cũng là nhà đầu tư đại tài và ai cũng nghĩ mình sẽ là người đầu tiên nhảy ra khỏi con tàu trước khi nó đắm.
Nhưng khi thị trường xuống thì đa phần nhà đầu tư đều là những người yêu cổ phiếu hơn yêu tiền, nếu cắt lỗ bây giờ thì đó là lỗ thật còn giữ tiếp thì vẫn còn cơ hội tăng giá lại. Cho đến khi tài khoản âm 30 – 50% thì thực sự chán nản và quyết định cắt lỗ thì cổ phiếu lại lên.
Những người may mắn hơn thì nhảy tàu đúng vùng đỉnh nhưng nhiều khi họ lại vội vàng quay trở lại bắt đáy và trung bình giá xuống. Về mức độ thiệt hại thì có lẽ những nhà đầu tư bắt đáy cũng không kém hơn chút nào so với những người mua đúng vùng đỉnh ở trên.
Bởi cái trò trung bình giá xuống này lại hay dùng đến Margin nên có khi đến vùng đáy thì đã bị call rồi, mà một cổ phiếu khi đã tạo đỉnh theo quan sát của mình thì nó ít khi lên lại ngay lập tức mà nó cần có thời gian cầm máu.
Nên nếu không có mức độ kiên trì và hiểu về doanh nghiệp thì rất ít nhà đầu tư có thể tiếp tục đồng hành cùng nó.
Thị trường bao đời nay vẫn thế, lớp nhà đầu tư này ra đi lại có lớp nhà đầu tư khác kế tiếp. Bạn thua lỗ thì cũng đừng chửi tại thị trường, tại nhà cái hay tại ông môi giới phím hàng lởm.
“Một người phải tin vào chính quan điểm của anh ta nếu anh ta muốn kiếm tiền được từ thị trường. Nếu tôi mua dựa trên lời khuyên của Smith, thì tôi cũng sẽ phải bán dựa trên lời khuyên của Smith.
Nhỡ đâu Smith đột nhiên biến mất?
Đây là những lời mà Livermore đã đúc rút được từ vụ phá sản lần thứ hai trong cuộc đời mình khi bị Thomas – một nhà đầu cơ khét tiếng “thôi miên” tham gia vào thị trường bông vải.
Suy cho cùng tất cả mọi người khi chơi chứng khoán cũng gặp một chữ “Sợ”
Thị trường xuống thì “Sợ mất tiền”, thị trường lên thì “Sợ mất cơ hội”.
Tiền của bạn thì bạn phải quyết định chứ không ai có thể quyết định thay bạn được cả, nếu mất tiền thì người thiệt hại nhất vẫn là chính bản thân bạn và gia đình chứ không ai cả.
Hãy luôn tự nhủ: Mình thua lỗ thì là do tầm mình chưa đủ, mình phải tự nâng mình lên nếu không muốn bị thị trường nuốt chửng. Mỗi lần thua lỗ lại là một bài học giúp mình trưởng thành hơn.
Sau đợt này bạn có thể đến công ty chứng khoán xin một bản sao kê giao dịch từ trước đến giờ.
Ngồi tĩnh lại xem mình sai ở đâu?
Chọn đã đúng cổ phiếu chưa?
Nếu chọn đúng rồi thì cách phân bổ danh mục như thế nào?
Cách đi tiền như vậy có gì sai?
Dùng margin như vậy có hợp lý không?
Tại sao mình lại mua giá này?
Tại sao mình lại bán ?
Hãy gạt đi buồn chán và ngồi đối mặt với sự thật phũ phàng. Nếu mình dám đối mặt với nó một cách nghiêm túc thì tôi nghĩ lần sau bạn sẽ không mắc lại sai lầm này.
Thị trường chứng khoán không bao giờ thiếu cơ hội, miễn là bạn còn NIỀM TIN và còn TIỀN.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận