Đầu tư phái sinh hàng hóa “lên ngôi”
Giao dịch hàng hóa kỳ hạn với những sản phẩm đầu tư phái sinh đa dạng, đặc biệt là các kim loại quý đang thu hút đông đảo nhà đầu tư, trong bối cảnh kênh đầu tư bất động sản và chứng khoán kém sức hấp dẫn.
Nhà đầu tư tìm kiếm kênh đầu tư thay thế
Động thái bơm thêm tiền vào nền kinh tế của nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới nhằm hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khủng hoảng của đại dịch Covid-19 đã tạo nên sự không chắc chắn về sức khỏe của hệ thống tài chính toàn cầu.
Điều này đã thúc đẩy nhu cầu tìm kiếm các loại tài sản khác như một nơi trú ẩn an toàn.
Một trong những diễn biến đáng chú ý thời gian gần đây là việc các nhà đầu tư chuyển hướng sang nắm giữ các kim loại quý như vàng, bạc, đồng hay bạch kim. Nhờ đó, giá vàng đã tăng hơn 32% so với hồi đầu năm. Diễn biến tương tự cũng xảy ra với giá bạc.
Trong khi đó, giá bạch kim so với vàng, bạc có biến động thấp hơn, nhưng 2020 cũng được coi là năm có biến động tăng cao nhất từ trước tới nay của kim loại quý này.
Không giống như giao dịch sơ cấp với kim lại quý này, với giao dịch phái sinh hàng hóa, nhà đầu tư lại không phải trực tiếp giao dịch nhận bạc hoặc bạch kim về rồi mới đem bán để hưởng chênh lệch, mà sẽ giao dịch với nhau bằng các hợp đồng tương lai, thông qua một hệ thống các sàn giao dịch quốc tế có liên thông với nhau.
Hiểu một cách đơn giản hơn, nhà đầu tư không phải mua bán tích trữ hàng, mà chỉ cần giao dịch trực tuyến trên phần mềm.
Và nếu muốn, nhà đầu tư đã có thể bán đi và ngược lại, có thể mua lại ngay sau khi bán để thu lời đầu cơ thị trường giá xuống.
Đó là điểm linh hoạt của hình thức đầu tư hàng hóa trên thị trường quốc tế và cũng chính là lý do khiến cho xu hướng chuyển dịch sang đầu tư các loại hàng hóa kim loại như bạc, bạch kim rầm rộ trong thời gian qua.
Đồng thời, khiến cho kênh đầu tư phái sinh hàng hóa trở nên hấp dẫn hơn so với các kênh như chứng khoán hay bất động sản.
Không chỉ vàng, bạc hay bạch kim, với nhiều loại hàng hóa khác như lúa mì, ngô, đậu tương, dầu đậu tương, khô đậu tương, cao su, cà phê, ca cao, đường, bông… với tỷ lệ đòn bẩy từ 1:10 đến 1:20, tùy theo một số mặt hàng (tức số tiền bỏ ra để giao dịch quyền mua hoặc quyền bán bằng 1/30 lần giá trị thật đang giao dịch của hàng hóa), giao dịch hàng hóa mang lại lợi thế không chỉ cho các nhà xuất khẩu trong việc bảo toàn doanh thu, mà tạo cơ hội cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ lướt sóng.
Thống kê của các sở giao dịch hàng hóa trên thế giới cho thấy, từ năm 2005 đến nay, giao dịch phái sinh hàng hóa luôn sôi động và liên tục tăng trưởng cao, vượt cả tốc độ tăng của thị trường chứng khoán.
Tính đến nay, thị trường hàng hóa đã chiếm 24% tổng khối lượng giao dịch của các sản phẩm phái sinh trên thế giới và riêng khu vực châu Á chiếm 56%. Đặc biệt, trong năm 2020, thị trường phái sinh hàng hóa đang tiếp tục có xu hướng lấn át so với kênh đầu tư khác.
Theo TS. Đinh Xuân Cường, Đại học Quốc gia Hà Nội, thị trường hàng hóa phái sinh phát triển song song với nhu cầu quản lý về sự thay đổi giá của các mặt hàng chủ chốt.
Theo lý thuyết tài chính hiện đại, sự ra đời của thị trường phái sinh trong một thị trường giao ngay giúp hoàn tất quá trình định giá dựa vào thị trường, phòng ngừa những rủi ro về biến động giá trên thị trường giao ngay ở mức chi phí thấp (Shamsher và cộng sự, 2007).
Cũng theo nghiên cứu này, có 19 thị trường hàng hóa phái sinh mới nổi ở châu Á. Một số nước đã phát triển thị trường này một cách tích cực với khả năng thanh khoản cao như Nhật Bản, nhưng hầu hết các thị trường mới nổi ở châu Á mới chỉ phát triển ở giai đoạn sớm.
Cửa mở tại Việt Nam, nhưng cần chính danh hơn
Tại Việt Nam, đầu tư phái sinh hàng hóa cũng đang dần được quan tâm trở lại. Việc Nghị định 51/2018/NĐ-CP ra đời, với nhiều nội dung “cởi trói” cho hoạt động của Sở Giao dịch hàng hóa, đã giúp mô hình này có thêm nhiều điều kiện phát triển.
Kể từ khi Nghị định có hiệu lực với cơ chế cho phép liên thông với các sở giao dịch hàng hóa trên thế giới, hoạt động giao dịch phái sinh hàng hóa đã tích cực hơn và thu hút sự chú ý của ngày càng nhiều nhà đầu tư cũng như các nhà xuất nhập khẩu.
Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam đã liên thông trực tiếp với các sở giao dịch hàng hóa uy tín hàng đầu trên thế giới như CME, ICE hay TOCOM… giao dịch của khách hàng cũng được đảm bảo khi các nghiệp vụ thanh toán bù trừ qua hệ thống ngân hàng quốc doanh được Nhà nước bảo hộ, không cho phép bất kỳ hoạt động trái luật nào có thể can thiệp được.
Thống kê từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, số lượng tài khoản giao dịch phái sinh hàng hóa đã tăng khá mạnh trong vòng 1 năm trở lại đây, với lượng giao dịch qua hàng hóa phái sinh lên tới 10.000 lot giao dịch bình quân mỗi ngày.
Với 21 mặt hàng thuộc 4 nhóm ngành được cấp phép giao dịch gồm nông sản, nguyên liệu công nghiệp, năng lượng và kim loại, giao dịch hàng hóa phái sinh được nhiều nhà đầu tư tham gia với sự hồ hởi hơn rất nhiều so với trước đây.
Hơn chục năm trước, giao dịch hàng hóa cũng đã bước chân vào thị trường Việt Nam cùng với quá trình hội nhập với nền kinh tế thế giới và nhu cầu xây dựng các công cụ phòng ngừa biến động giá cho các nhà xuất nhập khẩu.
Dẫu vậy, sân chơi khi đó bị bó hẹp với một số tổ chức định chế tài chính do Nhà nước chỉ định. Nhiều nhà đầu tư cá nhân tham gia đầu tư hàng hóa kỳ hạn phải thông qua một vài sàn giao dịch không chính danh.
Thời điểm đó, tỷ lệ đòn bẩy cũng rất lớn 1:100, có khi lên tới 1:1.000. Chẳng hạn nộp tiền ký quỹ 500 USD sẽ được giao dịch với quy mô 50.000 USD hoặc 500.000 USD.
Giao dịch hàng hóa kỳ hạn đã trở thành công cụ đầu tư hấp dẫn cho những nhà đầu tư với số vốn thấp nhưng tỷ lệ giao dịch ký quỹ lại có thể đạt ở mức cao.
Thực tế, đây đều là các sàn chui, hoạt động bất hợp pháp, chủ yếu là đầu cơ theo hình thức giả danh đầu tư quốc tế, nhưng thực tế nhà đầu tư chỉ giao dịch với "nhà cái ảo" do các sàn tự tạo ra tại chính Việt Nam, chứ không phải giao dịch minh bạch với thị trường hàng hóa quốc tế.
Rất nhiều giao dịch bị các chủ sàn dùng các biện pháp kỹ thuật để can thiệp, thậm chí xóa sạch lịch sử giao dịch, gây thiệt hại cho nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, theo ghi nhận của Đầu tư Chứng khoán, trong quá khứ, chỉ có những người có nhiều vốn cũng như có đủ thời gian và trình độ chuyên môn mới có thể đầu tư vào hàng hóa.
Tuy nhiên, hiện nay, việc tiếp cận thị trường hàng hóa cũng mở ra với những người không phải là chuyên gia, cho phép các nhà giao dịch trực tuyến tận dụng cả biến động giá ngắn hạn cũng như dài hạn.
Trong một năm trở lại đây, số lượng người quan tâm tới kênh đầu tư phái sinh hàng hóa gia tăng khá lớn, đồng thời cũng có không ít nhà đầu tư thành lập cả kênh youtube để chia sẻ kiến thức cũng như trao đổi kinh nghiệm. Chẳng hạn như kênh Youtube của nhà đầu tư cá nhân Nguyễn Văn Tĩnh có tới hơn 36.300 người theo dõi.
Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó tổng giám đốc Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết, giao dịch hàng hóa kỳ hạn đã trở thành công cụ đầu tư hấp dẫn vì cần ít vốn, tỷ lệ giao dịch ký quỹ ở mức cao.
Trong khi đó, biên lợi nhuận lại không bị giới hạn do giá cả hàng hóa biến động phụ thuộc theo xu hướng chung của thị trường giao dịch hàng hóa đang diễn ra thực tế trên thế giới.
"Tuy vẫn còn những e ngại nhất định khi mức độ quan tâm đến phái sinh hàng hóa chưa thể so sánh được với các kênh đầu tư tài chính truyền thống, nhưng cùng sự nhập cuộc của hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu nhà đầu tư cả cá nhân và các định chế tài chính trên thế giới đã tạo ra sức hấp dẫn của thị trường quy mô toàn cầu này", ông Quỳnh nói và cho biết thêm, khi nhà đầu tư Việt đã quen hẳn với kênh đầu tư này thì sẽ giảm bớt được việc giao dịch chui vẫn tồn tại như hiện nay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận