Đầu tư hai chiều Mỹ - Trung Quốc sụt giảm rất mạnh do căng thẳng chính trị
Đầu tư từ Trung Quốc sang Mỹ giảm sâu hơn so với chiều ngược lại, chủ yếu do việc Washington siết chặt kiểm soát với doanh nghiệp Trung Quốc.
Căng thẳng chính trị đã làm suy giảm đầu tư vào ngành công nghệ hai chiều Mỹ - Trung Quốc, chính phủ của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cố gắng tách rời chuỗi cung ứng của họ, theo một báo cáo gần đây.
Theo Nikkei dẫn số liệu nghiên cứu từ tổ chức Bain, từ năm 2016 đến năm 2020, tổng đầu tư trực tiếp giữa hai nước giảm 75% xuống còn 16 tỷ USD từ mức 62 tỷ USD, trong đó riêng đầu tư ngành công nghệ giảm đến 96%.
Đầu tư từ Trung Quốc sang Mỹ giảm sâu hơn so với chiều ngược lại, chủ yếu do việc Washington siết chặt kiểm soát với doanh nghiệp Trung Quốc, điều này tạo ra nhiều bất ổn chính trị cho các doanh nghiệp, chuyên gia tại Bain & Co – bà Anne Hoeker cho hay.
Chuyên gia chuyên nghiên cứu về ngành công nghệ và bán dẫn nhận xét: “Môi trường kinh doanh Mỹ đối với các công ty Trung Quốc giờ đây không còn an toàn như trước đây, chính vì vậy, phía Trung Quốc chuyển hướng đầu từ sang châu Âu và châu Phi”.
Tổng đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ năm 2020 giảm xuống còn 7,2 tỷ USD từ mức 48,5 tỷ USD vào năm 2016. Đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc giảm 35% xuống còn 8,69 tỷ USD trong cùng thời gian trên. Mức suy giảm của đầu tư trong ngành công nghệ, bất động sản và y tế suy giảm sâu nhất, dữ liệu của trung tâm đầu tư Mỹ - Trung Quốc cho hay.
Một số nền kinh tế lớn trên thế giới đang đầu tư nhiều hơn vào công nghệ của riêng họ và tăng cường sự độc lập trong chuỗi cung ứng, bà Hoeker cho biết. Cách đây chỉ vài năm, đây không phải là vấn đề chính với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ bởi khi ấy họ chỉ quan tâm đến việc làm sao để tiếp cận được với thị trường Trung Quốc.
Bà Hoeker nói rằng những yếu tố gián đoạn do dịch COVID-19 và tình trạng thiếu sản phẩm bán dẫn tệ hại chưa từng có đã khiến cho xu thế này ngày một rõ nét hơn, sự tách rời của ngành công nghệ trở thành vấn đề lớn vượt ra ngoài quy mô cả Mỹ và Trung Quốc.
Báo cáo của Bain được công bố chưa đầy 1 tuần sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden có cuộc điện đàm thứ 2 với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 9/9. Dù rằng hai bên đã đối thoại, không có nhiều dấu hiệu cho thấy căng thẳng giữa hai bên đã cải thiện tính từ khi ông Biden nhậm chức vào tháng 1/2021.
Các hành vi thương mại và cạnh tranh công nghệ giờ đây vẫn là hai điểm gây căng thẳng chính giữa hai cường quốc của thế giới.
Phía Mỹ đã đưa vào danh sách đen 168 công ty Trung Quốc, ngoại trừ Huawei và một số công ty liên quan trong khoảng thời gian từ năm 2018 cho đến tháng 4/2021, chủ yếu doanh nghiệp trong nhóm này thuộc ngành công nghệ.
Các biện pháp siết chặt kiểm soát của Washington với doanh nghiệp công nghệ hàng đầu Trung Quốc như Huawei Technologies đã tạo động lực để phía Trung Quốc xây dựng hệ thống chuỗi cung ứng sản phẩm bán dẫn hoàn chỉnh, từ thiết kế chip đến cung cấp trang thiết bị cho hoạt động sản xuất chip.
Tình trạng thiếu chip trên toàn cầu đã khiến cho nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới buộc phải cố gắng xây dựng chuỗi cung ứng riêng, đồng thời đưa sản xuất sản phẩm bán dẫn ở nước ngoài về nội địa vì những lý do kinh tế và an ninh quốc gia.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận