Đầu tư bất động sản tại châu Á - Thái Bình Dương giảm 27% do bất ổn vĩ mô
Phân khúc đầu tư bất động sản thương mại ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương sụt giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái do chu kỳ lãi suất thắt chặt và bất ổn kinh tế vĩ mô toàn cầu ảnh hưởng đến quá trình ra quyết định.
Theo dữ liệu và phân tích của công ty tư vấn bất động sản toàn cầu JLL (NYSE: JLL), vốn đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực bất động sản thương mại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đạt tổng cộng 129 tỷ USD trong cả năm 2022.
Trong quý IV/2022, hoạt động trên toàn khu vực châu Á Thái Bình Dương sụt giảm 41% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, khoản vốn đầu tư trị giá 30,7 tỷ USD được triển khai từ tháng 10 đến tháng 12 tương đương với mức tăng 12% so với quý trước, củng cố niềm tin của JLL cho rằng nhiều khả năng, hoạt động trì trệ sẽ được cải thiện vào năm 2023.
Ông Stuart Crow, Tổng giám đốc thị trường vốn khu vực châu Á Thái Bình Dương của JLL, cho hay vào năm 2022, mặc dù các nhà đầu tư xây dựng lại chiến lược triển khai ngắn hạn nhưng vẫn cam kết tuân thủ triển vọng dài hạn hơn của thị trường bất động sản châu Á Thái Bình Dương. Xác lập giá sẽ tiếp tục là chủ đề chính của các nhà đầu tư vào năm 2023 và sẽ ảnh hưởng đến các chiến lược triển khai trong nửa đầu năm 2023 khi siết chặt mức chênh lệch giữa giá mua và giá bán. May mắn là, các nhân tố bao gồm việc Trung Quốc mở cửa trở lại, sự phục hồi dự kiến ở Nhật Bản và niềm tin cho rằng châu Á Thái Bình Dương sẽ là khu vực ít bị ảnh hưởng nhất bởi bất kỳ sự suy thoái kinh tế toàn cầu nào báo hiệu sự khả quan về hoạt động mạnh mẽ vào nửa cuối năm 2023.
Singapore nổi lên như thị trường có hiệu suất hoạt động cao nhất khu vực vào năm 2022 với tổng vốn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản thương mại tăng 53% so với cùng kỳ năm ngoái. Singapore thu hút 14,2 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nhờ thị trường văn phòng hoạt động mạnh mẽ vào nửa đầu năm và giao dịch danh mục đầu tư bán lẻ một lần khá lớn vào tháng 12. Thị trường Hồng Kông ngày càng hấp dẫn sau khi nới lỏng các biện pháp giới hạn do Covid-19. Tuy nhiên, với khoản vốn đầu tư cả năm đạt 7,7 tỷ USD, thị trường đã giảm 24% so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm 2022, mặc dù sụt giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng Hàn Quốc vẫn là thị trường đầu tư sôi động nhất với giá trị giao dịch đạt 26,2 tỷ USD. Nhờ gia tăng hoạt động trong quý IV, Trung Quốc đã thu hút 24,8 tỷ USD vốn đầu tư, giảm 37% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhờ phục hồi vững chắc trong quý IV, doanh số bán hàng tại Nhật Bản tăng 24,7 tỷ USD trong năm, giảm 40% so với năm 2021. Vật lộn với sự mất kết nối giữa kỳ vọng của người mua và người bán, thị trường Úc giảm 38% so với cùng kỳ năm ngoái đạt tổng số vốn đầu tư là 20,9 tỷ USD.
Trong năm 2022, lĩnh vực khách sạn là loại bất động sản hoạt động hiệu quả nhất ở khu vực châu Á Thái Bình Dương so với năm trước. Nhờ nối lại hoạt động lữ hành và kinh doanh du lịch, thị trường này đã thu hút 10,1 tỷ USD vốn đầu tư, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Vẫn là loại bất động sản được giao dịch nhiều nhất trong khu vực, phân khúc bất động sản văn phòng đã kết thúc năm với giá trị vốn đầu tư đạt 60,5 tỷ USD, giảm 18,7% so với cùng kỳ năm ngoái do các nhà đầu tư có xu hướng kén chọn hơn khi hoạt động phân chia giữa tài sản sơ cấp và tài sản thứ cấp tiếp tục diễn ra. Giao dịch hậu cần và công nghiệp giảm 46% so với cùng kỳ năm ngoái với khoản vốn đầu tư trị giá 25,9 tỷ USD đã được triển khai. Vào năm 2022, doanh số bất động sản bán lẻ trong khu vực đạt 23 tỷ USD, giảm 39% so với cùng kỳ năm ngoái.
"Chúng tôi hy vọng vào năm 2023 dòng giao dịch sẽ được cải thiện nhờ những điểm sáng của các yếu tố cốt lõi vững chắc trên thị trường bất động sản văn phòng chọn lọc, hoạt động bán lẻ giá trị gia tăng, hoạt động mua bán theo chu kỳ và cơ hội tại các thị trường lớn hơn trong khu vực”, bà Pamela Ambler, Trưởng khối thông tin và chiến lược nhà đầu tư, thị trường vốn khu vực châu Á Thái Bình Dương của JLL nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận