Đâu sẽ là “nước cờ” tiếp theo của Ngân hàng Nhà nước sau tuyên bố ngưng đấu thầu vàng miếng?
Trong phiên giao dịch ngày 28/5, giá vàng miếng SJC đang dao động quanh ngưỡng 88,4 – 90,5 triệu đồng/lượng.
Ghi nhận giá vàng SJC được nhà vàng niêm yết tại chiều mua vào 88,5 triệu đồng/lượng và chiều bán ra 90,0 triệu đồng/lượng. Giá vàng tăng 800.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua – bán.
Giá vàng 9999 chiều nay được DOJI niêm yết ở mức 88,4 triệu đồng/lượng mua vào và 90 triệu đồng/lượng bán ra. Giá vàng tăng 700.000 đồng/lượng chiều mua và chiều bán.
Còn tại Công ty Vàng bạc đá quý Mi Hồng, thời điểm khảo sát niêm yết giá vàng SJC ở mức 89,3 – 90,3 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Giá vàng tăng 800.000 đồng/lượng chiều mua và tăng 600.000 đồng/lượng chiều bán.
Giá vàng SJC tại Bảo Tín Minh Châu cũng được doanh nghiệp giao dịch ở mức 88,45 – 90 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Giá vàng tăng 650.000 đồng/lượng chiều mua vào và tăng 600.000 đồng/lượng chiều bán ra. Còn tại Bảo Tín Mạnh Hải đang được giao dịch ở mức 88,5 – 90 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Giá vàng giữ nguyên mức giá chiều mua vào và tăng 700.000 đồng/lượng chiều bán ra.
Giá vàng miếng SJC tiếp đà tăng mạnh xấp xỉ 1 triệu đồng/lượng, đưa giá vàng tiến lên mốc 90,5 triệu đồng/lượng chiều bán ra. Chênh lệch mua bán ghi nhận ở mức cao, dao động quanh vùng 2 triệu đồng/lượng.
TRÔNG NGÓNG “NƯỚC CỜ” TIẾP THEO
Sự biến động theo chiều hướng đi lên của giá vàng diễn ra ngay khi Ngân hàng Nhà nước tuyên bố dừng đấu thầu bán vàng miếng và sẽ triển khai phương án bình ổn thay thế trong thời gian sớm nhất, dự kiến bắt đầu từ ngày 3/6/2024.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã nối lại hoạt động đấu thầu vàng miếng SJC kể từ ngày 22/4 sau 11 năm tạm hoãn. Sau một tháng, nhà điều hành đã tổ chức 9 phiên đấu thầu vàng miếng SJC. Với 6 phiên đấu thầu thành công, tổng khối lượng vàng miếng SJC đã được các thành viên trúng thầu là 48.500 lượng (tức 485 lô), tương đương hơn 1,8 tấn vàng đã được các thành viên dự thầu (gồm các công ty kinh doanh vàng và các tổ chức tín dụng) mua vào, từ đó cung ứng ra thị trường.
Theo suy đoán của nhiều chuyên gia, việc đấu thầu vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước “sớm nở chóng tàn” là điều dễ dự báo khi các phiên đều diễn ra trong tình trạng “ế ẩm”, thậm chí có tới 3 lần thất bại do không đủ số lượng doanh nghiệp bỏ phiếu.
Đáng nói là mục đích Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng là giải pháp tăng nguồn cung để trung hòa nhu cầu thị trường, từ đó “hạ nhiệt” giá vàng. Thế nhưng, thực tế, sau mỗi phiên đấu thầu, giá vàng lại tăng mạnh mẽ. So với thời điểm trước đầu thầu, giá vàng miếng SJC hiện tại cao hơn gần 1 triệu đồng/lượng.
Trước đó, nhiều chuyên gia tài chính phân tích việc lấy giá thị trường trong nước làm giá tham chiếu cho các phiên đấu thầu là chưa phù hợp, khó có thể kéo giá trong nước đi xuống như mục tiêu. Để việc đầu thấu đạt mục tiêu, Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu để lấy giá vàng thế giới, cộng với các loại thuế, chi phí cho ra giá tham chiếu.
Song song với đó, mức độ chênh lệch giá giữa thị trường trong nước và thế giới vẫn chưa được giải quyết, có lúc lên tới 20 triệu đồng/lượng. Điều này dường như đang chứng minh Ngân hàng Nhà nước đã thất bại trong việc điều hòa cung cầu thị trường vàng.
Trong thời gian qua cũng có nhiều doanh nghiệp, rồi đến các hiệp hội kinh doanh vàng liên tục đề xuất các giải pháp nhằm “cứu rỗi” thị trường là tăng cường nhập khẩu và nới rộng các quy định về nhập khẩu vàng nhằm tăng cung cho thị trường. Tuy nhiên, đây cũng là một đề xuất gây tranh cãi bởi nếu nhập khẩu vàng, đồng nghĩa với việc Ngân hàng Nhà nước phải chi ra một phần dự trữ ngoại hối .
TS Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia
TS Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cho rằng các công ty kinh doanh vàng ở Việt Nam khá lớn, có đủ khả năng vừa nhập khẩu vàng nguyên liệu và xuất khẩu vàng trang sức. Do đó nên cấp phép cho các doanh nghiệp này nhập khẩu và xuất khẩu vàng. Nhà nước nên quản lý bằng thuế.
Việc nhập khẩu vàng có thể ảnh hưởng đến nguồn dự trữ ngoại hối, tuy nhiên theo ông Nghĩa điều này không đáng ngại. Ông dẫn thống kê của Hội đồng Vàng Thế giới, nhu cầu vàng trong nước khoảng 50 tấn/năm, tương đương khoảng 3 tỷ USD - bằng một nửa xuất khẩu rau quả và chưa bằng 1/5 lượng kiều hối gửi về Việt Nam hàng năm.
Trong buổi họp báo kinh tế - xã hội tại TP.HCM, bà Lê Thúy Hằng, Tổng giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) cũng bày tỏ mong muốn Nhà nước, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cho phép doanh nghiệp được nhập khẩu vàng, bởi các doanh nghiệp đang không có nguyên liệu để sản xuất vàng nữ trang.
"Chủ trương Chính phủ sắp tới thanh tra, kiểm tra thị trường vàng rất đúng để thị trường vàng phát triển công bằng, minh bạch. Mua bán vàng phải có hóa đơn. Nhưng nhiều năm nay, các doanh nghiệp không được cấp phép nhập vàng theo đường chính ngạch. Vì vậy, cần cho phép doanh nghiệp nhập vàng để có nguồn nguyên liệu sản xuất vàng nữ trang. Câu chuyện vàng lậu hiện nay rất nhức nhối", bà Hằng nói.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính ngân hàng
Trong khi đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính ngân hàng khuyến cáo, để bình ổn thị trường vàng trong cơn nóng sốt hiện nay, cần phải giải quyết những vấn đề sau.
Thứ nhất, nguồn cung chưa đủ để đáp ứng sức cầu, chính vì thế thị trường không tin tưởng với 68.000 lượng vàng đẩy ra thị trường có thể giải tỏa “cơn khát”. Do đó, thị trường “làm ngơ” trước các phiên đấu thầu vàng của Ngân hàng Nhà nước. Như thế, giải quyết nguồn cung là vấn đề quan trọng.
“Cho đến bây giờ, Ngân hàng Nhà nước là đơn vị duy nhất có thể nhập khẩu vàng, nhưng từ nhiều năm nay không nhập khẩu thêm vàng. Do đó, ở nút chặn Ngân hàng Nhà nước làm cho “van” cung cấp nguồn vàng bị chặn lại, chính vì thế cách giải quyết là cho phép nhà kinh doanh vàng được nhập khẩu vàng dưới sự kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước”, vị chuyên gia này cho hay.
Thứ hai, Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng phải được sửa đổi. Yếu tố đầu tiên liên quan đến Nghị định này là thương hiệu vàng quốc gia SJC cần được hủy bỏ, để cho tất cả sản phẩm vàng trên thị trường được cạnh tranh công bằng với nhau. Thêm vào đó là Ngân hàng Nhà nước nên trao vai trò được nhập khẩu vàng cho các nhà kinh doanh vàng. Cuối cùng là nên thành lập sàn vàng để các giao dịch vàng được minh bạch.
“BÀN TAY” NÀO ĐANG THEO TÚNG THỊ TRƯỜNG VÀNG?
Giới đầu tư hiện nay đang trông ngóng vào “nước cờ” tiếp theo của Ngân hàng Nhà nước. Song nhiều người cũng bày tỏ sự hoài nghi liệu có "bàn tay" đang thao túng thị trường vàng trong nước hay không?.
Trao đổi với giới báo chí, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Hùng Linh cho rằng khi muốn kiểm soát thị trường vàng và giảm chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới, không nên quá vội vàng trong việc nhập khẩu, đấu thầu vàng để kéo giá vàng xuống mà việc trước mắt cần làm là tăng tính minh bạch của thị trường.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Hùng Linh
Ông dẫn chứng khi nhìn lại thời điểm năm 2013, Ngân hàng Nhà nước đã bán ra 74 tấn vàng theo hình thức đấu thầu để bình ổn thị trường nhưng năm 2014, 2015 chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới vẫn còn tồn tại khoảng 10 - 20%. Mãi cho đến giai đoạn 2016 - 2019, giá vàng mới dần đi vào ổn định nhưng giá trong nước gần như đi ngang, chênh lệch giá vàng được được kéo dần vẫn bằng 0.
Theo ông Linh, cần phải tìm ra nguyên nhân thực sự vì sao có sự chênh lệch giá vàng như hiện tại. Có hai luồng ý kiến về vấn đề này, có người cho rằng là do cung-cầu nhưng thực tế không hẳn là vậy.
“Năm 2020 - 2021 kênh chứng khoán, bất động sản mới là kênh hút tiền. Về logic người ta bán vàng mua chứng khoán, bất động sản chứ không làm điều ngược lại”, ông Linh nói.
Một luồng ý kiến thứ hai cho rằng giá vàng tăng khiến độ rộng chênh lệch giá giữa hai thị trường bị nới ra. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2019 -2020, giá vàng thế giới tăng mạnh 55% và vàng trong nước cũng tăng tương ứng và chênh lệch giữa hai thị trường không đáng kể.
Vậy trên thị trường ai là người quyết định giá vàng? Ông Linh cho rằng giá vàng hàng ngày do một số tổ chức quyết định không hẳn do cung - cầu. Những tổ chức, doanh nghiệp quyết định giá vàng được ví như “nhà cái”. Chênh lệch giá mua - bán sẽ tạo ra lợi nhuận cho những “nhà cái” còn chênh lệch vàng trong nước và thế giới lớn sẽ tạo ra khoảng trống cho buôn lậu vàng.
Do đó, ông cho rằng việc Chính phủ yêu cầu ngân hàng trung ương thanh tra thị trường vàng, đẩy mạnh việc xuất hoá đơn điện tử là điều rất đúng và trúng. Việt Nam cần minh bạch thị trường trước, sau đó mới tính đến việc sửa nghị định, nhập khẩu vàng.
"Chúng ta sẽ tốn nguồn lực rất lớn để nhập khẩu vàng nhưng không thể đạt ngay mục tiêu là giảm chênh lệch giá giữa hai thị trường gần như bằng 0. Ngoài ra, vàng không có giá trị tăng trưởng kinh tế, đơn thuần là để tích trữ. Vậy chúng ta có cần thiết để bình ổn không?”, vị chuyên gia này cho hay.
Về vấn đề này, mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa tổ chức công bố thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng, thời gian thanh tra là 45 ngày.
Theo đó, đối tượng thanh tra bao gồm: TPBank, Eximbank, Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji, Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu.
Nội dung thanh tra bao gồm chấp hành quy định về kinh doanh vàng; phòng, chống rửa tiền; chế độ kế toán, lập và sử dụng hóa đơn. Thời kỳ thanh tra từ ngày 1/1/2020 đến ngày 15/5/2024, khi cần thiết có thể thanh tra trước hoặc sau thời kỳ nêu trên.
Đoàn thanh tra được thành lập bao gồm đại diện Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Tài chính và Bộ Công Thương.
Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng cho hay trường hợp cần thiết có thể mở rộng danh sách đơn vị được thanh tra. Ông yêu cầu đoàn thanh tra làm rõ hành vi vi phạm (nếu có), kiến nghị xử lý theo quy định. Trường hợp đoàn phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm, xem xét chuyển sang cơ quan điều tra.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận