24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Thanh Thùy
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Đâu là "vaccine" cho thị trường bất động sản?

Bất chấp diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, thị trường vẫn ghi nhận mức độ quan tâm gia tăng và bất động sản vẫn nổi lên là một kênh đầu tư hấp dẫn.

Với chủ đề lớn “Vaccine cho thị trường bất động sản”, Hội nghị Bất động sản Việt Nam thường niên (VRES 2021) đã lần đầu tiên được tổ chức theo hình thức trực tuyến và kéo dài liên tục trong 5 ngày (13-17/12) cung cấp nhiều nội dung đa dạng và thiết thực về thị trường bất động sản.

Hội nghị có sự tham gia của hơn 25 diễn giả là các chuyên gia uy tín trong ngành, đã mang tới góc nhìn đa chiều cùng những phân tích sâu rộng về nhiều khía cạnh của thị trường bất động sản Việt Nam.

Khẳng định vị thế kênh đầu tư hàng đầu

Theo các chuyên gia, năm 2021 là một năm khó khăn với cả nền kinh tế – xã hội nói chung và bất động sản nói riêng bởi sự bùng phát của Covid-19 lần thứ 4 phức tạp và kéo dài. Dưới tác động của Covid-19, thị trường bất động sản đã có nhiều sự thay đổi lớn, từ hành vi, thị hiếu người mua tới chiến lược phát triển và cách thức kinh doanh của các đơn vị bất động sản.

Khảo sát và nghiên cứu của Batdongsan.com.vn về nhu cầu người mua nhà cho thấy, 95% người tham gia khảo sát coi trọng môi trường sống xanh, trong lành và tiện ích nội khu đa dạng.

Nếu trước đây, người mua nhà muốn tìm kiếm bất động sản thường dựa trên các tiêu chí như gần trung tâm, gần nơi làm việc, đông dân cư… thì nay họ coi trọng một không gian rộng và riêng tư hơn. Cùng với đó, việc chuyển dịch ra những khu vực rìa trung tâm và làn sóng ngôi nhà thứ hai cũng đang trở thành xu hướng của nhiều người mua thực và cả giới đầu tư” – theo khảo sát của Batdongsan.com.vn.

Nhìn lại thị trường bất động sản năm 2021, ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho biết, nhu cầu tìm kiếm bất động sản đã gia tăng trở lại khi nới lỏng giãn cách. Lượng quan tâm thị trường đất nền có xu hướng phục hồi tốt. Đi sâu vào từng địa bàn, Hà Nội là địa phương có lượng quan tâm lớn nhất, tập trung vào các tỉnh gần như Bắc Ninh, Thái Nguyên… khiến mặt bằng giá sẽ có sự tăng trưởng trở lại. Đáng chú ý, bất động sản công nghiệp vẫn được nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Dù thời gian qua cũng có một số nhà đầu tư trì hoãn vì dịch bệnh, tuy nhiên, đó chỉ là yếu tố ngắn hạn. Tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nói chung và trong lĩnh vực bất động sản nói riêng có nhiều yếu tố hứa hẹn sự tăng trưởng trong năm 2022.

Chia sẻ tại VRES 2021, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế nhận định, thị trường Việt Nam rất có tiềm năng vì mọi thứ còn manh nha; hơn thế, tốc độ tăng trưởng kinh tế được dự báo phục hồi nhanh trong 3 - 5 năm tới, thu nhập đầu người cũng như tiêu dùng tăng; môi trường pháp lý hoàn thiện cho bất động sản tốt…sẽ tạo đột phá lớn cho thị trường bất động sản.

“Cơ chế chính sách cho chuyển đổi số triển khai tích cực, môi trường chính trị ổn định, thị trường lao động lớn, nhiều hiệp định mới được triển khai; đặc biệt từ ngày 1/1/2022, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực, là cú huých tiếp theo cho hội nhập và cho thu hút FDI của Việt Nam”, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Ví hình ảnh thị trường bất động sản trong năm 2022 như quả bóng bay trong bộ phim Up nổi tiếng, ông Nguyễn Quốc Anh một lần nữa cho rằng, thị trường bất động sản sẽ có sự tăng trưởng tốt cả cung và cầu, thậm chí còn phục hồi tốt hơn so với giai đoạn trước, do đã kinh qua giai đoạn sống chung với dịch bệnh như sống chung với lũ.

Bà Dương Thùy Dung (CBRE), ông Lê Vũ Trường (Bất động sản An Khang) đều bày tỏ tin tưởng cao ở triển vọng của thị trường bất động sản cũng như sức hút của kênh đầu tư bất động sản hiện nay.

Những “kháng thể” quan trọng của thị trường

Ông Nguyễn Quốc Anh khẳng định, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay thì vaccine chính là "kháng thể" cho thị trường. Doanh nghiệp bất động sản, muốn có “kháng thể” tốt, đầu tiên phải tạo được tâm lý yên tâm cho đội ngũ nhân viên. Bởi, đa phần sales bất động sản có tuổi đời còn rất trẻ, chưa trải qua nhiều những “biến cố của thị trường” nên đợt dịch vừa qua có thể coi là giai đoạn “thử lửa” tâm lý để tạo “kháng thể” tốt hơn.

Bên cạnh đó, một “kháng thể” quan trọng khác mà các doanh nghiệp bất động sản đang sẵn có là sự phản ứng linh hoạt với thị trường. “Nếu như 2 đợt dịch đầu, hầu hết các doanh nghiệp đều lúng túng với phương án duy nhất là chờ đợi vaccine, thì từ đợt dịch thứ ba đến nay, với sự phủ sóng sâu rộng của vaccine, phản ứng của doanh nghiệp cũng có nhiều chuyển biến, thay đổi tích cực hơn”, ông Quốc Anh nhấn mạnh.

Loại “kháng thể” thứ ba, theo ông Quốc Anh, đó là doanh nghiệp bất động sản đã ứng dụng nhiều hơn về công nghệ, chuyển đổi số để tạo ra lợi nhuận cạnh tranh. Nếu như trước đây, việc mở bán online còn khá đơn lẻ, lạ lẫm với nhiều người thì nay, có tới hơn 90% doanh nghiệp đã mở bán online.

Còn theo TS. Cấn Văn Lực, sau các đợt dịch Covid-19 vừa qua, thị trường bất động sản đang có 4 “kháng thể” quan trọng. Thứ nhất là Đảng, Nhà nước và Quốc hội đã vào cuộc rất quyết liệt, qua đó ban hành nhiều chính sách, đặc biệt là Nghị quyết số 128-NQ/CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” đồng thời ban hành một số gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, để tăng “kháng thể” cho người lao động.

Thứ hai, bản thân các doanh nghiệp cũng đã tự đổi mới sáng tạo, quan tâm nhiều hơn tới người lao động cũng như tạo môi trường làm việc từ xa. Thứ ba, các doanh nghiệp đã biết gắn kết, tham gia vào chuỗi giá trị để vượt qua khó khăn. Cuối cùng, nhiều doanh nghiệp đã thay đổi chiến lược kinh doanh, tập trung nhiều hơn vào chuyển đổi số, chú trọng các sản phẩm dịch vụ mới thông qua mua bán hàng trực tuyến. Nhờ đó, doanh số bán hàng của các doanh nghiệp bất động sản vẫn tương đối tốt.

“Tôi tin rằng, những ‘kháng thể’ này sẽ tiếp tục giúp thị trường bất động sản phục hồi trong năm 2022”, ông Lực cho hay.

Cần luật hóa một số loại hình bất động sản mới

Về vấn đề hành lang pháp lý cho các loại hình bất động sản mới như condotel, officetel, resort villa và shophouse…, chia sẻ tại VRES 2021 ngày 14/12, ông Phạm Thanh Sơn, Chủ tịch văn phòng luật sư Nam Hà Nội cho rằng, hiện nay vấn đề quản lý pháp luật các loại hình bất động sản mới đã đảm bảo về mặt tính chất sở hữu, xác lập quyền sở hữu.

Cụ thể, về mặt chủ trương, Nhà nước đã cho phép cấp sổ đỏ, sổ hồng (giấy chứng nhận quyền sử dụng) trên các loại hình bất động sản đó. Đối với bất động sản thì xác lập quyền sở hữu là cực kỳ quan trọng, tuy nhiên, ông Sơn nhấn mạnh, để tài sản đó được đưa vào vận hành thì chưa có hướng dẫn cụ thể:

"Ví dụ như loại hình condotel, về bản chất là kinh doanh khách sạn, vậy chủ sở hữu có quyền kinh doanh khách sạn không? Có quyền được đem cho thuê không? Hiện nay đang tranh cãi nhau ở câu chuyện: Người đầu tư có được tài sản là condotel nhưng họ có được tự kinh doanh hay phải thông qua một hotel nào đó? Và theo quy định họ phải đủ chức năng liên quan đến kinh doanh về khách sạn", ông Sơn dẫn chứng.

Vì vậy, ông Sơn cho rằng, vấn đề đặt ra hiện nay là khi nhà đầu tư đã có quyền sở hữu rồi thì các hoạt động kinh doanh được quy định ra sao.

"Hiện tại chúng ta mới làm được bước một là xác lập quyền sở hữu, còn lại các bước liên quan hướng dẫn kinh doanh, kê khai thuế, nộp thuế, bảo hiểm, trách nhiệm dân sự... của những người chủ tài sản, người sử dụng và người thuê thì vẫn chưa thực hiện được”, ông Sơn chỉ rõ.

Chủ tịch văn phòng luật sư Nam Hà Nội góp ý, trong thực thi thủ tục hành chính các dự án đầu tư xây dựng có bố trí condotel, officetel, resort villa và shophouse thì các cơ quan chuyên môn về xây dựng cần lưu ý một số nội dung.

Thứ nhất, đảm bảo việc tuân thủ quy định của hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành, phải làm rõ về quy mô về diện tích sàn xây dựng, số lượng căn, chỉ tiêu dân số để xác định các chỉ tiêu, yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hoi. Thứ hai, cần đảm bảo tính thống nhất về mục đích đầu tư, mục đích sử dụng đất với chức năng của công trình.

“Đáng chú ý, việc hình thành và phát triển loại hình bất động sản này phải phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương theo từng thời kỳ”, ông Sơn lưu ý.

Ngoài ra, các cơ quan chuyên môn về xây dựng khi thực hiện công tác thẩm định dự án, thiết kế xây dựng, cấp phép xây dựng, kiểm tra công tác nghiệm thu cũng cần kiểm tra, rà soát kỹ các cơ sở pháp lý về quy hoạch xây dựng, đánh giá việc tuân thủ hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả