Đâu là những cổ phiếu đã lên đỉnh lịch sử giúp VN-Index vượt mốc 1.000 điểm?
Dòng tiền luân phiên một cách nhịp nhàng giữa các cổ phiếu Bluechips là động lực chủ yếu thúc đẩy VN-Index đi lên mạnh mẽ với thanh khoản luôn dồi dào.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang trải qua giai đoạn sôi động nhất từ trước tới nay với dòng tiền ồ ạt đổ vào cả 3 sàn đẩy thanh khoản thường xuyên duy trì trên mức 10.000 tỷ đồng, bất chấp xu hướng bán ròng mạnh chưa từng thấy từ khối ngoại.
Thực tế, 2020 là một năm đầy biến động đối với TTCK dưới tác động của đại dịch Covid-19. VN-Index tạo đáy hồi cuối tháng 3 sau đó đi lên cùng sự rung lắc mạnh đặc biệt trong giai đoạn giữa 2 làn sóng Covid.
Đà tăng của thị trường có phần vững vàng hơn từ sau khi làn sóng Covid thứ 2 được kiểm soát tốt trong nước. VN-Index trải qua 1 nhịp điều chỉnh cần thiết cuối tháng 10 trước khi trở lại mốc 1.000 điểm sau hơn 1 năm.
Sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường có dấu ấn đậm nét từ nhóm cổ phiếu Bluechips. Dòng tiền luân phiên một cách nhịp nhàng giữa các cổ phiếu này là động lực chủ yếu thúc đẩy VN-Index đi lên với thanh khoản luôn dồi dào.
CỔ PHIẾU “QUỐC DÂN” HPG
Đóng góp vào sự bùng nổ về thanh khoản trên thị trường thời gian gần đây phải kể đến giao dịch đặc biệt sôi động trên cổ phiếu HPG. Cổ phiếu này thường xuyên dẫn đầu về thanh khoản trên sàn với khối lượng giao dịch lên đến hàng chục triệu đơn vị mỗi phiên.
Thực tế, từ sau khi thị trường tạo đáy hồi cuối tháng 3 và bắt đầu đảo chiều đi lên, cổ phiếu HPG đã bắt đầu ghi nhận sự đột biến về mặt thanh khoản. Giao dịch cổ phiếu này càng trở nên sôi động hơn từ sau khi Hòa Phát phát hành hơn 552 triệu cổ phiếu trả cổ tức hồi tháng 8/2020.
Cùng thời điểm, cổ phiếu HPG cũng bắt đầu bứt tốc mạnh mẽ qua đó liên tục thiết lập những mức đỉnh mới. Sau thời gian liên tục leo dốc với thanh khoản cao, HPG đạt đỉnh lịch sử 37.500 đồng/cổ phiếu trước khi điều chỉnh về 35.600 đồng/cổ phiếu. Dù vậy, mức thị giá hiện tại vẫn cao hơn 60% so với thời điểm cuối tháng 7 và gấp hơn 2,5 lần vùng đáy hồi cuối tháng 3.
Nhịp tăng mạnh của cổ phiếu HPG thời gian qua phần nào được hỗ trợ từ kết quả kinh doanh khởi sắc trong quý 3 cũng như 9 tháng đầu năm. “Đại gia” ngành thép phá đỉnh lợi nhuận trong quý 3 với 3.785 tỷ đồng, gấp đôi kết quả đạt được cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, lãi ròng của Hòa Phát cũng tăng 56% so với cùng kỳ, đạt 8.845 tỷ đồng qua đó tiến sát đích lợi nhuận cả năm 2020.
KHÔNG THỂ THIẾU CỔ PHIẾU NGÂN HÀNG
Sau giai đoạn hồi phục từ đáy, làn sóng Covid thứ 2 đã chia rẽ sâu sắc nhóm cổ phiếu ngân hàng. Nhiều cổ phiếu có dấu hiệu hụt hơi so với thị trường chung một phần do không còn nhiều dư địa tăng, một phần vì thiếu thông tin hỗ trợ. Trong bối cảnh đó, diễn biến khởi sắc của cổ phiếu CTG trở thành tâm điểm thu hút dòng tiền trở lại với nhóm ngân hàng.
Cổ phiếu CTG có sự đồng pha rõ rệt với thị trường chung trong nhịp tăng mạnh từ cuối tháng 7. Thậm chí, với độ dốc lớn hơn, cổ phiếu này đã vượt đỉnh 2 năm và tiến gần đến đỉnh lịch sử đạt được hồi đầu năm 2018 trong khi VN-Index mới trở về mức đầu đầu năm 2020. Hiện cổ phiếu này đang dừng ở mức 33.900 đồng/cổ phiếu, cao hơn tới 62% so với thời điểm đầu năm.
“Nút thắt” tăng vốn được tháo gỡ là động lực chủ yếu cho sự đi lên mạnh mẽ cổ phiếu CTG thời gian qua. Dự kiến, VietinBank sẽ phát hành 1,07 tỷ cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 28,8% tổng số cổ phần đang lưu hành qua đó nâng vốn điều lệ từ 37.234 tỷ đồng lên 47.953 tỷ đồng.
Đến thời điểm hiện tại, VietinBank đã đáp ứng toàn diện các điều kiện theo tiêu chuẩn Basel II quy định tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN và quy định về đánh giá nội bộ mức đủ vốn tại Thông tư 13/2018/TT-NHNN về cơ cấu quản trị, quy trình, quy định kiểm soát nội bộ, hệ thống công nghệ thông tin.
Việc tăng vốn điều lệ là điều kiện “đủ” để ngân hàng đảm bảo yêu cầu tỷ lệ CAR tối thiểu theo chuẩn mực Basel II là có mức vốn tự có phù hợp với quy mô tăng trưởng tổng tài sản trong đó có tăng trưởng tín dụng, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ nền kinh tế.
Căn cứ vào kế hoạch tăng vốn và kế hoạch kinh doanh năm 2020, dự kiến tổng tài sản của nhà băng này năm nay sẽ tăng trưởng từ 1% - 3%, dư nợ tín dụng tăng 4% - 8,5%, tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng thấp hơn 2%, nguồn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư tăng trưởng từ 5% - 19%, lợi nhuận hợp nhất trước thuế dự kiến đạt 10.400 tỷ đồng, ROE đạt 8% - 10%.
SỰ BỀN BỈ CỦA MWG
Bán lẻ là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19 do các biện pháp giãn cách và đóng cửa kinh tế. Phản ánh trên thị trường, cổ phiếu MWG cũng trải qua giai đoạn giảm sâu hồi đầu năm.
Sau nhịp hồi phục từ đáy cuối tháng 3, cổ phiếu MWG gần như đi ngang vùng 80.000 - 90.000 đồng/cổ phiếu trước khi “trượt chân nhẹ” do làn sóng Covid thứ 2 bùng phát. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát tốt trong nước từ cuối tháng 7, cổ phiếu này bắt đầu “miệt mài” đi lên mà gần như không trải qua nhịp điều chỉnh nào rõ rệt.
Động lực cho sự đi lên của cổ phiếu MWG cũng đến từ kết quả kinh doanh khởi sắc trở lại. Sau 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp bán lẻ đã lần đầu ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận sau thuế lũy kế dương so với cùng kỳ kể khi dịch Covid bùng phát tại Việt Nam vào tháng 3.
Trong tháng 10, MWG ghi nhận 8.750 tỷ đồng doanh thu và 305 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 10% và 7% so với cùng kỳ. Lợi nhuận lũy kế 10 tháng cũng tăng gần 1% đạt 3.283 tỷ đồng và hoàn thành đến 95% kế hoạch năm. MWG đang tiếp tục nhân rộng mô hình Điện Máy Xanh Supermini ở miền Bắc, chuỗi Bách Hóa Xanh mở rộng mô hình “5 tỷ” và đầu tư lớn hơn cho chuỗi nhà thuốc An Khang.
Đến thời điểm hiện tại, cổ phiếu MWG đã trở lại vùng giá hồi đầu năm với 116.000 đồng/cổ phiếu sau khi tăng hơn 60% trong 4 tháng qua. Diễn biến của cổ phiếu MWG mang tính dẫn dắt cho sự khởi sắc của nhóm bán lẻ thời gian gần đây. Tương tự MWG, cổ phiếu PNJ và DGW cũng lần lượt tăng 50% và 100% từ thời điểm cuối tháng 7.
Thêm vào đó, trong bối cảnh làn sóng bán tháo của nhà đầu tư nước ngoài trên diện rộng chưa có dấu hiệu dừng lại, cổ phiếu MWG vẫn thường xuyên kín room ngoại là yếu tố giúp ổn định tâm lý nhà đầu tư trong nước.
MSN NƯỚC RÚT NGOẠN MỤC
Gần như “đứng ngoài cuộc chơi” từ đầu năm, cổ phiếu MSN không chịu ảnh hưởng quá nhiều từ sự bùng phát dịch Covid-19 trong nước và cũng không tạo được bước tăng nào thực sự ấn tượng ngoài nhịp hồi ngắn ngủi từ đáy.
Tuy nhiên, cú nước rút bất ngờ từ đầu tháng 10 đã đưa MSN trở thành cổ phiếu đóng góp lớn nhất vào đà tăng của VN-Index từ sau khi vượt 900 điểm. Cổ phiếu này liên tục leo dốc với thanh khoản đột biến bất chấp khối ngoại bán ròng triền miên thời gian qua.
Sau khi tăng tới 77% trong hơn 1 tháng, cổ phiếu MSN nhanh chóng leo lên 95.600 đồng/cổ phiếu, cao nhất trong vòng 2 năm trở lại đây. Hiện tại, cổ phiếu MSN đã có dấu hiệu hạ nhiệt và điều chỉnh về 83.000 đồng/cổ phiếu tuy nhiên mức thị giá này vẫn cao hơn 50% so với thời điểm đầu năm.
Diễn biến tích cực của cổ phiếu MSN trên thị trường được hỗ trợ từ kết quả hoạt động kinh doanh có phần khả quan của chuỗi VinMart và VinMart+ sau một năm sáp nhập vào Masan.
Trong 9 tháng đầu năm, VinCommerce đóng góp 23.678 tỷ đồng doanh thu (~1 tỷ USD) và chiếm 42,5% tổng doanh thu của toàn hệ thống. Trong đó, biên EBITDA trong quý 3/2020 cải thiện 3,7% so với cùng kỳ, siêu thị mini đạt tăng trưởng LFL 8,4% so với năm trước, lượng khách siêu thị bắt đầu phục hồi với tăng trưởng LFL hóa đơn/ngày là 9,3% so với quý trước.
Theo kế hoạch chiến lược phát triển mới giai đoạn 2021 - 2025, VinCommerce đặt mục tiêu hệ thống sẽ sở hữu 300 siêu thị VinMart, 10.000 cửa hàng VinMart+ khắp 63 tỉnh thành. Trong đó, VinCommerce tham vọng bắt tay 100 đối tác chiến lược nhằm tăng cường mức đầu tư, đổi mới sản phẩm và xây dựng mô hình hợp tác Win – Win.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận