Đâu là mức giá mục tiêu của cổ phiếu PNJ?
Nhiều chuyên gia cho rằng, dù đang điều chỉnh, nhưng cổ phiếu PNJ của CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (HOSE: PNJ) vẫn còn tiềm năng tăng điểm.
Đà tăng trưởng trở lại
Theo báo cáo tài chính quý 3/2019 của PNJ, doanh thu đạt 3.924 tỷ đồng, tăng 25% và lợi nhuận ròng đạt 208 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả kinh doanh khả quan này là do PNJ bắt đầu cho ra mắt các sản phẩm mới và tăng cường các hoạt động quảng cáo, bán hàng sau khi khắc phục sự cố ERP (hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp) từ tháng 8/2019.
Kết quả tích cực nêu trên cũng được thúc đẩy bởi mảng bán lẻ trang sức vàng tăng trưởng ấn tượng từ các cửa hàng hiện hữu. Cụ thể, tăng trưởng doanh thu của các cửa hàng PNJ phục hồi từ mức âm vào cuối quý 2/2019 lên mức 6% và 10% lần lượt trong các tháng 8 và 9/2019.
Về tình hình tăng trưởng doanh thu theo khu vực, PNJ đã đạt được kết quả khá tích cực ở khu vực TP. HCM, hiện chiếm đến 50% doanh thu bán lẻ của công ty. Trong quý 3, thị trường này chứng kiến sự tăng trưởng đạt mức 2 chữ số trong tháng 8 và tháng 9 so với mức chỉ 1 chữ số trong quý 2/2019, qua đó góp phần phục hồi đà tăng trưởng doanh số toàn khu vực Đông Nam Bộ. Trong khi cùng thời điểm, miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên vẫn duy trì được đà tăng 2 chữ số từ đầu năm nay.
PNJ hiện vẫn quyết tâm hoành thành mục tiêu lợi nhuận năm 2019 tăng 23% so với cùng kỳ. Điều này đồng nghĩa với việc PNJ cần đạt mức tăng trưởng 41% trong quý 4/2019. Mục tiêu trên sẽ được thúc đẩy bởi kế hoạch giới thiệu hàng loạt bộ sưu tập mới, cũng như gia tăng các các chiến dịch hỗ trợ bán hàng trong mùa cao điểm từ tháng 11 đến Tết Nguyên đán; đẩy nhanh mở mới 15 cửa hàng trong quý 4/2019.
Ông Nguyễn Trí Vinh - Chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định, mảng trang sức vàng của PNJ tăng trưởng tích cực dựa trên sự gia tăng số lượng từ tầng lớp trung và thu nhập cao, sẽ kích thích nhu cầu mua sắm các mặt hàng tiêu dùng không thiết yếu như các loại trang sức cao cấp. Mặt khác, việc gia tăng thị phần của PNJ trong bối cảnh ngành trang sức tại Việt Nam còn rất phân mảnh là vô cùng triển vọng.
Ngoài ra, PNJ đang tiếp tục đẩy mạnh mảng kinh doanh đồng hồ. HiệnPNJđã có 22 cửa hàngPNJWatch – chuyên bán đồng hồ và dành một tầng riêng biệt của cửa hàng flagshipPNJNext cho mặt hàng này tính đến quý 3/2019.PNJcũng đang từng bước làm việc với các thương hiệu đồng hồ để phân phối trực tiếp. Doanh thu mảng này tăng trưởng 300% trong 6 tháng đầu năm 2019. Dự kiến doanh số bán lẻ đồng hồ sẽ đạt 200 – 300 tỷ đồng trong năm 2021.
Thách thức tiềm ẩn
Được biết, giá trị hàng tồn kho của PNJ tăng vọt 43% lên mức 5.893 tỷ đồng tính đến cuối quý 3/2019, điều này được cho là nằm trong kế hoạch, nhằm đáp ứng mục tiêu lợi nhuận cũng như kế hoạch mở rộng chuỗi cửa hàng trước khi kết thúc năm 2019.
Tuy vậy, gia tăng tích trữ hàng tồn kho khiến dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của PNJ ghi nhận âm hơn 308 tỷ đồng trong quý 3, dẫn đến việc công ty phải vay nợ để bù đắp vào hoạt động.
Theo thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2019, các khoản vay ngắn hạn của PNJ được thế chấp bằng hàng tồn kho bao gồm vay Ngân hàng TNHH CTBC (Trung Quốc, 92 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (707 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (198 tỷ đồng) và Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (196,6 tỷ đồng, bảo đảm bằng hàng tồn kho và một bất động sản).
Tại cuối quý 3, nợ phải trả của PNJ tăng 44% lên mức hơn 3.505 tỷ đồng, trong đó nợ vay ngắn hạn tăng 57% lên mức 2.266 tỷ đồng. Điều này tạo ra áp lực vay nợ khá lớn đối với PNJ.
Bên cạnh đó, giới chuyên gia cho rằng, với mô hình kinh doanh bán lẻ theo chuỗi cửa hàng, PNJ cũng chịu áp lực cạnh tranh lớn từ những doanh nghiệp cùng ngành, đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài, hay sự phát triển của thương mại điện tử. Với mục tiêu 500 cửa hàng đến năm 2020, tương đương với con số mỗi năm duy trì mở mới khoảng 80 cửa hàng là một kế hoạch khá tham vọng của PNJ. Các chuyên gia tài chính e ngại sự tăng lên quá nhanh của các chi phí cố định cho các cửa hàng có thể là rủi ro lớn với công ty này, nhất là khi tốc độ tăng doanh thu trên mỗi cửa hàng thấp hơn tốc độ tăng số lượng cửa hàng. Như vậy, các cửa hàng mở mới sẽ cần thời gian lâu hơn để hoàn vốn và tối ưu doanh thu.
Ngoài ra, nguồn cung nguyên liệu vàng của PNJ đang chịu ảnh hưởng từ chính sách siết chặt quản lý thị trường vàng của NHNN. Theo đó, từ nhiều năm nay, NHNN chưa cấp phép cho bất kỳ doanh nghiệp nào được nhập khẩu vàng nguyên liệu, buộc các doanh nghiệp phải mua vàng trôi nổi trên thị trường để phục vụ sản xuất.
Trong vòng 1 năm qua, cổ phiếu PNJ đã tăng khoảng gần 17%, nhưng trong 1 quý qua cổ phiếu này lại giảm nhẹ gần 2%, với khối lượng giao dịch gần 493.000 đơn vị/phiên. Hiện cổ phiếu PNJ vẫn đang có xu hướng điều chỉnh, củng cố quanh mức 80.000đ/cp.
Ông Nguyễn Trí Vinh cho biết, dù cổ phiếu PNJ đang điều chỉnh ngắn hạn, nhưng triển vọng vẫn còn khá lớn. Theo đó, mức giá mục tiêu của PNJ có thể sẽ là 97.100đ/cp, được tính toán theo phương pháp DCF, ứng với 16,4% lợi nhuận kỳ vọng. Từ mức giá mục tiêu trên, P/E dự báo cho năm 2019 và 2020 lần lượt là 20,2 lần và 15,9 lần. Với việc so sánh tương quan, cổ phiếu của PNJ đang giao dịch ở mức PEG là 0,65 lần, thấp hơn tại mức trung vị của các công ty cùng ngành là 1,18 lần.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận