Dấu hỏi về chất lượng báo cáo tài chính của Địa ốc Hoàng Quân
Trong báo cáo bán niên năm 2022, Công ty cổ phần Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân vừa bổ sung Công ty cổ phần Đầu tư Thành phố Vàng là đơn vị liên quan.
Bất ngờ bổ sung đơn vị liên quan
Mặc dù công bố đầy đủ báo cáo kiểm toán năm 2020 và năm 2021, nhưng Địa ốc Hoàng Quân (mã HQC) bất ngờ công bố bổ sung đơn vị liên quan là Công ty cổ phần Đầu tư Thành phố Vàng với lý do sơ suất trong quá trình tổng hợp thông tin do chung thành viên chủ chốt. Chỉ tới báo cáo bán niên năm 2022 mới lần đầu xuất hiện công ty này là đơn vị liên quan, trong đó phát sinh trả tiền mượn là 725,16 triệu đồng.
Theo tìm hiểu, Công ty cổ phần Đầu tư Thành phố Vàng được thành lập tháng 6/2020, là chủ sở hữu Dự án Golden City, gồm 5 cổ đông sáng lập, trong đó ông Trương Anh Tuấn (Chủ tịch HĐQT Địa ốc Hoàng Quân) sở hữu 50% vốn điều lệ là đại diện pháp luật. Đến tháng 5/2022, Công ty mới đổi đại diện pháp luật sang ông Nguyễn Thành Văn - cũng là đại diện nhiều công ty liên quan với Địa ốc Hoàng Quân.
Cách đây 2 năm, Địa ốc Hoàng Quân đã bán Dự án Golden City cho Công ty cổ phần Đầu tư Thành phố Vàng với giá 120 tỷ đồng. Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2022, Công ty đã thông qua phương án chào bán riêng lẻ 100 triệu cổ phần cho nhà đầu tư và cho biết sẽ dùng 650 tỷ đồng trong số 1.000 tỷ đồng thu được nhận chuyển nhượng cổ phần từ cổ đông hiện hữu, 350 tỷ đồng để bổ sung vốn cho Golden City.
Giải thích về các giao dịch bất thường tại Công ty cổ phần Đầu tư Thành phố Vàng, ông Trương Anh Tuấn khẳng định, công ty này không có mối liên hệ nào với Địa ốc Hoàng Quân. Khái niệm mua đắt - bán rẻ không đúng với hoàn cảnh của Dự án. Bên cạnh đó, việc Chính phủ đang tạo điều kiện phát triển nhà ở xã hội là thời điểm phù hợp để trở lại phân khúc thị trường này.
Lợi nhuận lao dốc
Việc thực hiện “bán rẻ - mua đắt” Dự án Golden City đặt ra cho nhà đầu tư hoài nghi nhất định về việc có hay không chuyện Địa ốc Hoàng Quân thất thoát tài sản ra bên ngoài khi hoạt động kinh doanh liên tục lao dốc và không đạt kỳ vọng.
Được biết, mỗi năm tổ chức Đại hội đồng cổ đông, ông Trương Anh Tuấn đều đưa ra hứa hẹn về bức tranh khởi sắc và quyết tâm đưa cổ phiếu về mệnh giá. Tuy nhiên, chỉ năm 2021, hưởng lợi từ sóng cổ phiếu nhỏ và vừa, cổ phiếu HQC vượt mệnh giá, nhưng nhanh chóng giảm trở lại và hiện giao dịch vùng 4.520 đồng/cổ phiếu (ngày 12/9).
Về hoạt động kinh doanh, được niêm yết năm 2010, nhưng từ năm 2011 đến 2021, Địa ốc Hoàng Quân chỉ có một năm hoàn thành kế hoạch là năm 2015, còn lại 10 năm chỉ hoàn thành trung bình 19,06% kế hoạch lợi nhuận năm. Trong 6 tháng đầu năm 2022, Công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế 14,91 tỷ đồng, tăng 620,3% so với cùng kỳ năm trước, mới hoàn thành 9% kế hoạch lợi nhuận năm 2022.
Đáng chú ý, xét hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp - chi phí tài chính - chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp), 6 tháng đầu năm 2022, lợi nhuận cốt lõi của Địa ốc Hoàng Quân tiếp tục ghi nhận lỗ 1,61 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 3,27 tỷ đồng. Công ty thoát lỗ chủ yếu do ghi nhận lãi chuyển nhượng cổ phần với giá trị 14,34 tỷ đồng so với cùng kỳ không ghi nhận. Như vậy, từ năm 2012 đến 2021, Công ty có 6 năm lỗ hoạt động kinh doanh cốt lõi, trong đó năm 2017 lỗ gần 80 tỷ đồng, năm 2018 lỗ 17,9 tỷ đồng…
Có thể thấy, Địa ốc Hoàng Quân dù được giới thiệu là “ông trùm” nhà ở xã hội, nhưng bức tranh tài chính từ khi niêm yết tới nay liên tục gây thất vọng cho giới đầu tư.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận