menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Thanh Nga

Dấu hiệu "tăng nhiệt" trong căng thẳng thương mại Mỹ - Trung

Cuộc chiến Mỹ - Trung được dự đoán sẽ trở nên căng thẳng hơn khi đối đầu thương mại đang có dấu hiệu "tăng nhiệt".

Mỹ đang xem xét gia tăng sức ép thương mại với Trung Quốc bằng các biện pháp thuế quan

Người phụ trách các vấn đề quốc tế thuộc Phòng Thương mại Mỹ Myron Brilliant cho biết, chính quyền Tổng thống Joe Biden đang cân nhắc biện pháp thuế quan mới với hàng hóa Trung Quốc, nếu đàm phán thương mại hiện nay không thành công.

Thậm chí, người này cũng cho biết thêm, các phương án khác cũng đang được tính đến, bao gồm sử dụng “Điều khoản 301” trong Đạo luật Thương mại năm 1974 để áp các mức thuế mới và các điều khoản tương tự; hoặc phối hợp chặt chẽ hơn với các đồng minh để gây sức ép với Trung Quốc nhằm tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các công ty xuyên quốc gia.

"Phòng Thương mại Mỹ ủng hộ chính quyền Tổng thống Biden đàm phán với giới chức Trung Quốc về việc tuân thủ cam kết trong khuôn khổ thỏa thuận thương mại “Giai đoạn 1” được thực hiện từ năm 2020", ông Brilliant nhấn mạnh.

Được biết, theo thỏa thuận thương mại “Giai đoạn 1”, Trung Quốc nhất trí tăng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ của Mỹ trong hai năm 2020 và 2021 thêm ít nhất 200 tỷ USD so với mức của năm 2017. Điều này đồng nghĩa kim ngạch nhập khẩu hàng hóa Mỹ của Trung Quốc phải đạt ít nhất 502,4 tỷ USD trong 2 năm nói trên.

Tuy nhiên, các số liệu về tình hình thương mại Mỹ mới công bố gần đây cho thấy, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ Mỹ sang Trung Quốc trong 2 năm qua ở mức 288,8 tỷ USD, chỉ đạt 57% mục tiêu cam kết.

Trước đó, chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đã từng áp dụng "Điều khoản 301" để áp thuế đối với lượng hàng hóa trị giá hàng trăm tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc trong năm 2018 và 2019. Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai cũng nhiều lần nhấn mạnh rằng chính quyền Tổng thống Biden không chỉ lo ngại về vấn đề thực hiện các cam kết mua hàng của Trung Quốc, mà còn cả chính sách kinh tế lấy nhà nước làm trung tâm của Bắc Kinh.

Theo thỏa thuận, Trung Quốc cũng đã cam kết chống lại hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ Mỹ và mở cửa thị trường nội địa cho các nhà cung cấp dịch vụ tài chính Mỹ.

Trên thực tế, đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn các hoạt động thương mại trên toàn cầu chỉ vài tuần sau khi thỏa thuận được ký kết, khiến Bắc Kinh khó thực thi cam kết mua hàng của mình. Tuy nhiên, ngay từ đầu, các chuyên gia đã nghi ngờ Trung Quốc có thể đáp ứng các cam kết đầy tham vọng này.

Bên cạnh đó, chuyên gia nghiên cứu cấp cao của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson Chad Bown chỉ ra, sau khoảng 18 tháng leo thang thuế quan khiến thương mại gần như bị đình trệ đối với một số nhà xuất khẩu của Mỹ, mối quan hệ với người mua Trung Quốc đã trở nên rạn nứt và phải được xây dựng lại. Thêm vào đó, thỏa thuận vẫn áp dụng thuế quan, khiến giá hàng hóa của Mỹ tăng cao.

Nông dân Mỹ, những người bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc chiến thương mại, đã chứng kiến xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc trở lại mức năm 2017, nhưng họ vẫn không đạt được mức theo cam kết của Trung Quốc. Ví dụ, sản lượng xuất khẩu đậu nành đã giảm hơn 30% so với mục tiêu.

"Với một số vấn đề căng thẳng tồn tại xung quanh mối quan hệ Mỹ -Trung trong thời gian gần đây, cả hai bên đang xem xét nhiều vấn đề khác nhau mà họ có thể làm để gia tăng áp lực lên bên kia... Mỗi bên có thể sẽ tăng thuế nhập khẩu, trong khi các công ty hàng đầu của Mỹ có thể phải đối mặt với sức nóng hơn nữa trước cuộc đua vào Quốc hội cuối năm nay, buộc phải giảm bớt hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc", ông Bown đánh giá.

Cho đến khi cuộc chiến thương mại được giải quyết, thiệt hại do chi phí cao sẽ tiếp tục gia tăng. Mức thuế cao của Hoa Kỳ vẫn áp dụng đối với 370 tỷ USD sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc. Chúng bao gồm nhiều loại hàng hóa, từ các bộ phận máy móc đến thủy sản.

Dấu hiệu "tăng nhiệt" trong căng thẳng thương mại Mỹ - Trung
Trung Quốc hiện vẫn là đối tác thương mại hàng hóa hàng đầu của Mỹ

Giới quan sát cho biết, cần dành thời gian để giải quyết những vấn đề này một cách thận trọng thông qua một loạt các cuộc gặp giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Theo Scott Paul, chủ tịch của Liên minh Sản xuất Mỹ nhấn mạnh, việc Trung Quốc không đạt được các mục tiêu là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy Mỹ phải xoay trục chiến lược của mình.

"Bất kỳ ai theo dõi sát thương mại Mỹ-Trung trong 20 năm qua đều có thể đánh giá rằng cho đến khi các vấn đề cơ bản được giải quyết, bao gồm trợ cấp lớn của chính phủ, đánh cắp trí tuệ, luật lao động và môi trường lỏng lẻo... thì xung đột thương mại giữa hai nước mới được hóa giải", ông nhận định.

Nhiều khả năng, trong thời gian tới, Trung Quốc tạm thời có thể sẽ không có hành động cụ thể nào để xoa dịu Mỹ. Một số người tin rằng các quan chức ở Bắc Kinh có thể đợi cho đến khi Tổng thống Biden làm rõ lập trường trong tranh chấp thương mại. Một thỏa thuận mới là cần thiết, nhưng để đạt được điều này, chính quyền Biden phải làm rõ những kỳ vọng của họ đối với Trung Quốc.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả