Đất dự án bị bỏ hoang làm nhà xưởng, bãi trông xe: Lỗi quy hoạch, quản lý
Hàng nghìn hécta đất cấp cho các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, căn hộ cao cấp, tòa nhà trung tâm thương mại, văn phòng trên địa bàn các quận, huyện ở Hà Nội đang bị “hô biến” thành các nhà xưởng tạm, bãi trông giữ xe, gara ôtô, gây ra nhiều hệ lụy về an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, đất đai, nhưng không có cơ quan nào xử lý.
Hàng trăm dự án bỏ hoang
Kết quả giám sát việc quản lý sử dụng đất đối với các dự án vốn ngoài ngân sách tại TP.Hà Nội, cho thấy: Tình trạng vi phạm pháp luật về đất đai của các tổ chức được giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án còn lớn. Việc lấn chiếm, để hoang hóa, sử dụng sai mục đích, lãng phí, cho thuê lại đất sai quy định vẫn diễn ra ở một số nơi gây bức xúc trong nhân dân. Số dự án chậm triển khai, để đất hoang hoá lên đến hàng trăm dự án với tổng diện tích hàng trăm triệu m2. Trong đó, có những dự án đã được thành phố kiểm tra phát hiện từ năm 2012 nhưng đến nay vẫn chưa xử lý triệt để. Một số quận, huyện có số dự án chậm, vi phạm nhiều là Hoài Đức, Mê Linh, Nam Từ Liêm, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy...
Điển hình nhất, tại khu vực đường Phạm Hùng thuộc địa bàn quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), hàng chục dự án nhà ở, nhà văn phòng, khu chung cư, thương mại… được cấp từ sau khi hoàn thiện cơ sở hạ tầng của tuyến đường này, nhưng đến nay vẫn “án binh bất động”. Nhiều dự án được quây rào tôn bỏ hoang hàng chục năm nay, cỏ mọc um tùm, còn lại đa phần các dự án mặt đường Phạm Hùng hiện đang bị “xẻ thịt” để xây dựng nhà xưởng, gara ôtô, bãi trông giữ xe… Cụ thể, lô đất giáp ranh với tòa nhà FLC Complex trên đường Phạm Hùng hiện đang bị “phá rào” để sử dụng làm chợ ôtô cũ Mỹ Đình. Hay như lô đất cạnh số 52 Phạm Hùng được sử dụng làm Showroom ôtô Thịnh Phát và làm bến xe trái phép trá hình tuyến cố định và lô đất đối diện 88 Phạm Hùng hiện là bãi trông giữ xe trái phép. Đặc biệt, tại khu vực giáp với tòa nhà Kengnam (99 Phạm Hùng), một loạt các salon ôtô “phá rào” mọc lên như: Auto Sevrvice Center, Quốc Bình Auto Corp, Salon ôtô Hà Nội, salon HC Auto…
Không chỉ trên đường Phạm Hùng, một loạt các nhà xưởng, gara ôtô, bãi trông giữ phương tiện trái phép cũng mọc lên trên địa bàn quận Cầu Giấy, điển hình như gara ôtô Đại Dương ở 56 Mạc Thái Tổ; bãi trông giữ xe qua đêm Việt Thắng; các điểm ăn uống, gara ôtô… ở A5 NO2 Nam Trung Yên, Cầu Giấy… Tất cả các điểm trên đều được dựng nhà tạm, không có các biện pháp phòng cháy chữa cháy và tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự.
Cần nghiêm túc thực hiện việc thu hồi đất đối với các dự án “treo”
Trao đổi với PV Lao Động, TS, chuyên gia Kinh tế Ngô Chí Long, cho biết: Mỗi loại đất đều có mục đích sử dụng khác nhau, khi đã được phê duyệt theo đúng quy hoạch, cần phải thực hiện nghiêm túc, nếu quá thời gian quy định mà vẫn không triển khai thì phải thu hồi, tránh lãng phí. Việc các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân được giao đất thực hiện dự án nhưng không triển khai mà cho các đơn vị, cá nhân khác thuê dựng nhà xưởng, mở gara ôtô, kinh doanh bãi trông giữ xe trái phép… là vi phạm pháp luật. Ở đây, cần phải nhấn mạnh, các đơn vị được cấp dự án nhưng không triển khai do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguồn lực tài chính. Cần nghiêm túc thực hiện việc thu hồi đất đối với các dự án “treo” để sử dụng nguồn lực đất đai sao cho hiệu quả, tránh lãng phí.
Cũng về vấn đề này, TS, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam, cho rằng: Các chủ đầu tư dự án mong muốn có những điều chỉnh hợp lý để tồn tại. Tuy nhiên, phương án thu hồi dự án còn gặp khó, đặc biệt trong đền bù, giải phóng mặt bằng và đặc biệt là sự vướng mắc của thị trường bất động sản, đầu vào và đầu ra còn nhiều bất cập, nên khó tìm được chủ đầu tư mới.
Ông Nghiêm nhấn mạnh: Qua các cuộc họp, trao đổi với cơ quan quản lý nhà nước, thấy nhiều tồn tại nhưng xử lý ra sao thì cần có sự đánh giá chính xác để tìm ra nguyên nhân, đồng thời có giải pháp đền bù, thu hồi hợp lý và mục đích thu hồi cụ thể. “Nếu cứ để tồn tại những dự án hoang như vậy thì diện mạo đô thị sẽ không đồng đều, tạo ra hiện tượng “xôi đỗ” trong đô thị, ảnh hưởng trực tiếp đến việc quản lý tài nguyên đất đai và nguồn lực phát triển kinh tế đất nước” - ông Nghiêm nói.
Theo Khoản 1 Điều 64 Luật đất đai số 45 quy định: Đất được Nhà nước giao để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong 12 tháng liên tục thì sẽ bị thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai. Tuy nhiên, chủ đầu tư dự án được phép gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận