Đánh thuế bất động sản: Tỉnh táo trước các bài học đã có
Việc đánh thuế bất động sản không phải là vấn đề mới, song đừng hy vọng đây là công cụ chặn đầu cơ, ngăn thị trường bất động sản phát triển nóng bởi đây không phải là giải pháp mấu chốt.
TS HỒ QUỐC TUẤN - giảng viên cao cấp chuyên ngành tài chính - kế toán, Đại học Bristol (Anh) - chia sẻ với Tuổi Trẻ sau khi Bộ Tài chính đề nghị các bộ ngành, địa phương góp ý về việc bổ sung đánh thuế đối với nhà, nghiên cứu xây dựng Luật thuế tài sản.
Ông nói:
- Thực tế cho thấy ở nhiều quốc gia phát triển, việc đóng thuế tài sản không đồng nghĩa với việc chặn được tình trạng đầu cơ và giá nhà tăng phi mã.
Muốn hạ nhiệt đầu cơ nhà thì yếu tố cốt yếu là phải tăng nguồn cung, giãn dân ở những đô thị đông đúc, mà muốn làm được điều này thì phải cố gắng đầu tư hạ tầng nhanh hơn, nhiều hơn để người dân có thể sống được ở nơi khác mà cũng có thể đi làm ở trung tâm.
Thuế cao, nhà đất vẫn đội giá
* Nhiều người kỳ vọng Việt Nam đánh thuế tài sản, nhà ở sẽ giảm được đầu cơ, từ đó giảm giá bất động sản. Khả năng thực tế ra sao?
- Trung Quốc đã áp dụng, nhiều nước khác như Hàn Quốc, Anh, Mỹ... cũng có thuế này. Chúng ta cần có kỳ vọng hợp lý đối với chính sách này. Chẳng hạn, nếu nói đánh thuế bất động sản, đánh thuế căn nhà thứ 2, thứ 3 để chặn đầu cơ thì đó là mục tiêu khó đạt được.
Ví dụ ở Anh đánh rất nhiều thứ thuế, trong đó có thuế bất động sản họ đánh cao mỗi năm. Khi mua căn nhà thứ 2 họ cũng đánh thuế cao hơn căn nhà thứ nhất tới 3 - 5 lần (hiện người mua nhà đầu tiên không cần đóng thuế giao dịch - thuế trước bạ nếu mua nhà dưới 300.000 bảng Anh. Nhưng mua từ căn thứ 2 có thể phải đóng thuế suất lũy tiến từ 5-12%).
Tuy nhiên, thực tế người dân vẫn mua nhà để đầu tư bởi họ hoàn toàn có thể giữ dài hạn, tiền thuế tăng thêm sẽ cộng vào giá bán cuối cùng. Miễn kỳ vọng giá nhà cứ tăng, họ vẫn mua bởi đằng nào cũng lời.
Gần đây nhất, Vancouver (Canada) áp thuế chống đầu cơ bất động sản trong 3 năm với thuế suất rất cao. Đến năm 2021 họ xét lại thì giá nhà bình quân đã tăng hơn 22%, tức mức tăng nhanh nhất của một thập kỷ.
Một nghiên cứu gần đây của Đại học University College London (Anh) cho thấy việc áp dụng thuế bất động sản tại thành phố Trùng Khánh và Thượng Hải không có tác dụng chặn được đầu cơ, mà thực tế còn xuất hiện đầu cơ nhiều hơn.
* Theo ông, tại sao đánh thuế cao nhưng người dân vẫn không "chùn tay" đầu cơ?
- Lý do là cầu vượt cung. Đây là vấn đề của các đô thị lớn bởi nó luôn thu hút người dân đến làm việc. Người nào có tiền, họ trả được thuế và họ nhìn thấy được nhu cầu mua nhà còn rất lớn, họ cứ mua. Họ xem đây là khoản đầu tư dài hạn và tất cả các loại thuế sẽ cộng dồn vào giá bán cuối cùng nên họ không thiệt.
Phải xác định mục đích đánh thuế
* Vậy theo ông, cần nhìn nhận đánh thuế bất động sản như thế nào là phù hợp và cần những lưu ý gì?
- Tôi nghĩ là thuế bất động sản phụ thuộc vào mục đích đánh. Thuế có thể đơn giản chỉ là cần tăng nguồn thu để tạo công bằng. Song phải lưu ý thuế bất động sản có hiệu ứng phụ, nếu không lường trước được sẽ gây ra hệ lụy là đột nhiên thu nhập của một bộ phận người dân bị co lại. Họ sẽ giảm chi tiêu, như vậy tổn thất chung của nền kinh tế lớn hơn lợi ích mang lại từ thuế.
Do đó, tôi cho rằng thuế phải được xây dựng một cách khoa học, cần có những đánh giá tác động đến chi tiêu xã hội.
Ở Trung Quốc đã có bài học rất rõ, thuế này đã tác động lên thị trường nhà và dẫn đến là chi tiêu của người dân Trung Quốc co hẹp lại. Điều này là một trong những lý do dẫn đến tăng trưởng nền kinh tế hiện nay ở nước này thấp nhất trong nhiều thập kỷ.
Câu chuyện Trung Quốc là một cảnh báo, do đó nếu áp thuế và các biện pháp hạn chế giá nhà đưa ra vào thời điểm không phù hợp sẽ tổn hại tăng trưởng kinh tế chung. Khi kinh tế bị đè xuống, tìm cách đẩy lên lại rất khó, việc bơm tiền mấy tháng nay của Trung Quốc cũng không kéo nền kinh tế đi lên.
* Ngoài thời điểm, chúng ta cần bàn đến những tác động, thậm chí là hệ lụy đối với Việt Nam ra sao?
- Theo tôi, thời điểm này khó đánh thuế bất động sản. Việc đánh thuế sẽ tác động mạnh đến khả năng chi tiêu lên nền kinh tế. Điều quan trọng là cơ quan đề xuất phải có trách nhiệm đưa ra những đánh giá rủi ro, tác động nền kinh tế nói chung.
Nếu tăng trưởng 5% đổ lại trong khi lạm phát 5-6% thì đánh thêm một loại thuế có thể dẫn đến rủi ro kéo nền kinh tế đi xuống, đẩy hệ lụy cho toàn bộ thị trường, phát triển doanh nghiệp. Và kinh tế suy giảm thì lại tạo rủi ro cho các ngân hàng vì một số khoản cho vay khó đòi.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận