Đánh tan "cục máu đông" nợ xấu, quan trọng là gỡ nút thắt chuyển dịch tài sản bảo đảm
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, sàn giao dịch nợ sẽ giúp đánh tan dần “cục máu đông” nợ xấu, nhưng để hoạt động hiệu quả thì cần tháo gỡ nút thắt về chuyển dịch tài sản bảo đảm.
Sàn giao dịch nợ Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) vừa đi vào hoạt động trong tháng 10/2021, cho dù sự ra đời có lẽ là chậm trễ nhưng muộn còn hơn không, theo ông?
Đúng vậy, bởi việc có một sàn giao dịch tại thời điểm này là rất quan trọng, vì 3 lý do. Thứ nhất, tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo của các ngân hàng rất thấp, với một vài ngân hàng trên 3%, còn phần lớn đều từ 1-2%, trong khi độ bao phủ nợ xấu rất cao, có những ngân hàng lên đến 200-300%. Nếu xét trên sổ sách, tình hình nợ xấu không đáng lo ngại.
Tuy nhiên, số liệu được Ngân hàng Nhà nước công bố cho thấy, nếu tính cả các khoản nợ không bị chuyển nợ xấu do được cơ cấu lại, miễn, giảm lãi theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN do ảnh hưởng dịch thì tỷ lệ này là 7,21% (cuối năm 2020 là 5,08%).
Thứ hai, khi cả nền kinh tế đang khó khăn do dịch như hiện tại, nợ xấu sẽ khó có thể khả quan hơn so với cách đây 1 năm và chắc chắn sẽ càng ngày càng tăng lên. Trong bối cảnh đó, việc lập ra một sàn giao dịch để xử lý nợ xấu là rất cần thiết. Từ đó, việc chuyển nhượng tài sản bảo đảm mới có thể thực hiện được một cách hiệu quả.
Thứ ba, cá nhân tôi nghĩ rằng, những khách hàng có nợ xấu tại ngân hàng sẽ khó trả nợ hơn so với trước bởi nguồn thu nhập giảm, hoạt động sản xuất - kinh doanh ngưng trệ vì ảnh hưởng dịch. Do đó, khi bị thu hồi tài sản bảo đảm, không loại trừ khả năng khách hàng sẽ phản ứng tiêu cực hơn, thậm chí chống đối lại ngân hàng.
Trên đây là những điểm mà tôi cho rằng sẽ dẫn đến khó khăn hơn trong việc xử lý nợ xấu thời gian tới, nên cần thiết triển khai càng nhanh càng tốt sàn giao dịch nợ.
Có vẻ như ông rất lạc quan về sàn giao dịch nợ sẽ giải quyết được “nhức nhối” của các tổ chức tín dụng?
Tôi có niềm tin rằng, sàn giao dịch nợ VAMC sẽ giải quyết được đáng kể “cục máu đông” nợ xấu của các tổ chức tín dụng để khơi thông dòng chảy vốn cho nền kinh tế nếu có những quy định bổ sung vào Nghị quyết 42 cũng như cần thiết phải kéo dài thời hạn của Nghị quyết.
Tính hiệu quả của sàn giao dịch nợ phụ thuộc vào khung pháp lý, trong đó cần tập trung tháo gỡ nút thắt về chuyển dịch tài sản bảo đảm. Bởi trên thực tế, những người đi mua nợ thường không hướng vào khoản nợ, mà hướng vào tài sản bảo đảm đằng sau, hay nói cách khác, mua nợ để thu giữ tài sản bảo đảm.
Cũng có những lưu ý về rủi ro pháp lý, nhưng tôi cho rằng, pháp luật về xử lý nợ ngày càng được hoàn thiện thì rủi ro trong hoạt động này cũng ngày càng giảm bớt. Còn những rủi ro về thương mại như bán giá rẻ, sau đó giá tài sản tăng lên gây thiệt thòi cho bên bán là khó tránh, bởi đây là những rủi ro thông thường trong giao dịch mua bán nợ.
Như ông vừa đề cập, sàn giao dịch nợ hoạt động hiệu quả hay không phụ thuộc vào pháp lý chuyển dịch tài sản bảo đảm. Ông có thể nêu rõ hơn vấn đề này?
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 7 - Nghị quyết 42: “Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của bên bảo đảm, bên giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện, trong đó có Điểm b là tại hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về việc bên bảo đảm đồng ý cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi xảy ra trường hợp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật”. Tôi cho rằng, điều này là không cần thiết và nên bỏ, bởi đã có hợp đồng bảo đảm thì đương nhiên hai bên đã thỏa thuận với nhau là tài sản bảo đảm có thể được xử lý và thu giữ.
Tiếp theo là Điều 7 và các khoản 5, 6, 7 liên quan đến việc chính quyền địa phương, cơ quan công an có trách nhiệm hỗ trợ bên cho vay thu giữ tài sản bảo đảm và bảo đảm an ninh trật tự. Trên thực tế, dường như các cơ quan chức năng cũng không mặn mà lắm do vẫn gặp phải sự chống đối. Hơn nữa, đây là vấn đề tranh chấp nên các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cũng không thể “giúp” các ngân hàng thu giữ tài sản bảo đảm. Cần phải có quy định chặt chẽ hơn nhằm thúc đẩy chính quyền địa phương, cơ quan công an vào cuộc một cách mạnh mẽ hơn nữa trong việc thu giữ tài sản bảo đảm vì đó là quyền lợi chính đáng của người cho vay.
Cũng ở Điều 7, Khoản 6 có nêu rằng: “Tổ chức tín dụng chỉ được ủy quyền thu giữ tài sản bảo đảm cho công ty quản lý nợ và khai thác tài sản thuộc tổ chức tín dụng đó; tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu chỉ được ủy quyền thu giữ tài sản bảo đảm cho tổ chức tín dụng bán nợ, công ty quản lý nợ và khai thác tài sản thuộc tổ chức tín dụng bán nợ”.
Tôi đề nghị bổ sung thêm thành: “Tổ chức tín dụng chỉ được ủy quyền thu giữ tài sản bảo đảm cho công ty quản lý nợ và khai thác tài sản thuộc tổ chức tín dụng đó; tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu chỉ được ủy quyền thu giữ tài sản bảo đảm cho tổ chức tín dụng bán nợ, công ty quản lý nợ và khai thác tài sản thuộc tổ chức tín dụng bán nợ và bên thứ ba có chức năng thu giữ tài sản bảo đảm”, nghĩa là không chỉ có công ty quản lý nợ và khai thác tài sản của các ngân hàng, mà có thể ủy quyền thu giữ cho cả các công ty có giấy phép chức năng thu giữ tài sản bảo đảm.
Thêm nữa, Khoản 2 và Khoản 3 - Điều 8 về áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm tại tòa án cũng chưa rõ ràng, nên luật mới cần phải quy định rõ hơn. Còn những thủ tục rút gọn tại Bộ luật Tố tụng dân sự nhiều khi còn chung chung, không giúp được các toà án, cho nên việc có một điều luật rõ ràng hơn là rất cần thiết.
Vẫn còn nhiều tranh cãi liên quan đến thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm, chuyển nhượng tài sản bảo đảm. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?
Tại Điều 12 về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm, số tiền thu được từ xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, sau khi trừ chi phí bảo quản, thu giữ và chi phí xử lý tài sản bảo đảm được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ được bảo đảm cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu trước khi thực hiện nghĩa vụ thuế, nghĩa vụ khác không có bảo đảm của bên bảo đảm.
Thế nhưng tôi đề nghị, tiền thu được phải thực hiện nghĩa vụ thuế trước khi thực hiện các nghĩa vụ bảo đảm khác. Theo tôi, nếu Nhà nước thực hiện thu thuế trước thì sẽ vào cuộc nhanh chóng hơn và đó cũng là quyền lợi của cả xã hội. Khi một tài sản bảo đảm có nghĩa vụ trả thuế thì điều đầu tiên là cần ưu tiên trả lại tiền thuế cho xã hội. Đây là quan điểm của cá nhân tôi và chắc nhiều người sẽ không đồng ý.
Còn Điều 15 về chuyển nhượng tài sản bảo đảm cần quy định rõ hơn cho các cơ quan có thẩm quyền đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản như các công ty công chứng tiến hành nhanh chóng hơn các thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản. Trong quá khứ, các tổ chức công chứng nhiều khi không hiểu và không thực hiện các thủ tục trên, do đó, Nghị quyết 42 cần có những quy định cụ thể hơn.
Thêm vào đó, cần có quy định mới về đấu giá bởi quy định này tại Việt Nam còn nhiều phức tạp, dẫn đến việc xử lý tài sản bảo đảm còn rất chậm. Cụ thể, ở Việt Nam, khi giá khởi điểm hai bên không đồng thuận sẽ phải tổ chức đấu giá lần thứ 2, lần thứ 3, trong khi ở Mỹ không có giá khởi điểm. Các ngân hàng sẽ nhờ một công ty đấu giá chuyên nghiệp tổ chức đấu giá và thông báo rộng rãi cho khách hàng.
Đối với những người tham gia đấu giá, riêng ngân hàng phải đấu giá với giá ít nhất 1 USD trên giá trị khoản nợ và người tham gia đấu giá trả giá cao hơn ngân hàng thì sẽ sở hữu tài sản đó và trả số tiền đấu giá cho ngân hàng. Ngân hàng sẽ dùng số tiền đó để xử lý nợ xấu, tất toán nợ xấu và phần còn lại có thể trả lại cho khách hàng sau khi trừ đi các chi phí pháp lý, hành chính. Còn nếu ngân hàng trả giá cao nhất trong số tất cả những người tham gia đấu giá thì ngân hàng sẽ lấy tài sản bảo đảm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận