Danh mục cổ phiếu của ‘cá mập’ ngập sắc đỏ nhưng niềm tin vẫn đong đầy
Đa phần các khoản đầu tư lớn của những quỹ ngoại hàng đầu đều chìm trong sắc đỏ giữa mùa dịch Covid-19. Dù vậy, bức tranh dài hạn của cổ phiếu Việt vẫn “hồng hào” trong mắt họ.
Tháng 02/2020, VN-Index giảm 5.81%. Tuy vậy, các quỹ đầu tư vẫn tỏ ra lạc quan và đưa ra quan điểm có thể mua vào thêm khi định giá cổ phiếu lùi về vùng hấp dẫn.
Hai quỹ đầu tư lớn đã công bố báo cáo tình hình đầu tư tháng 2, PYN Elite và VEIL – Dragon Capital, đều có thành tích vượt thị trường trong tháng vừa qua.
Trong tháng 2, cổ phiếu FPT và nhóm ngành ngân hàng là cứu cánh cho danh mục đầu tư của nhóm quỹ ngoại đang quản lý tổng tài sản hàng tỷ USD.
Vietnam Holding
Vietnam Holding quản lý khối tài sản 133.2 triệu USD (tương đương gần 3,064 tỷ đồng) tính đến đầu tháng 02/2020. Trong đó, 9 khoản đầu tư lớn nhất (ngoại trừ ABA Cooltrans) chiếm gần 69% tài sản của Quỹ.
Trong giai đoạn tháng 2 vừa qua, 8/9 khoản đầu tư cổ phiếu đại chúng lớn nhất của Vietnam Holding đều chịu kết quả sụt giảm trên thị trường chứng khoán. Khoản đầu tư duy nhất tăng giá là FPT, nhưng mức tăng chỉ 0.73%. Những con số này cho thấy một khả năng rằng Vietnam Holding sẽ tiếp tục trải qua một tháng 2 sụt giảm NAV/Share (giá trị tài sản ròng/chứng chỉ quỹ, mức giảm trong tháng 1 là 5.6%).
Tính đến thời điểm đầu tháng 2, lĩnh vực mà Vietnam Holding ưa thích nhất là bán lẻ với hai khoản đầu tư lớn vào MWG và PNJ. Bán lẻ là một trong những ngành chịu tác động đáng kể từ dịch Covid-19.
Dù vậy, Quỹ này cho biết sự tự tin sẽ trở lại khi dịch bệnh được kiềm chế và qua đi. Một mẫu hình phục hồi hình “V” có thể xuất hiện khi Covid-19 chấm dứt tương tự như những gì đã diễn ra khi dịch SARS 2003 kết thúc, theo Vietnam Holding.
Thành tích của các khoản đầu tư lớn nhất Vietnam Holding
Tundra Vietnam Fund
Tundra Vietnam quản lý 38.5 triệu USD (tương đương 886 tỷ đồng). 10 khoản đầu tư lớn nhất chiếm 50.4% danh mục. Trong năm 2020, Quỹ này có khởi đầu năm kém nhất trong lịch sử hoạt động với mức giảm NAV/Share là 4.9% trong tháng 1 và nhiều khả năng thành tích tiêu cực cũng sẽ tiếp diễn trong tháng 2.
Thành tích của các khoản đầu tư lớn nhất Tundra Vietnam
Tundra từng đưa ra quan điểm rằng cổ phiếu FPT bị giảm vào những ngày sau kỳ nghỉ Tết (30-31/01) phần nào là do tâm lý sợ hãi vì Covid-19. Theo đó, khi nỗi sợ lắng xuống thì cổ phiếu sẽ quay trở về mức giá trước đó. Đến thời điểm này, Tundra đã đúng khi FPT tăng giá gần 6% trong tháng vừa qua, tiệm cận vùng giá trước kỳ nghỉ Tết.
PYN Elite Fund
PYN Elite vừa công bố báo cáo tháng 2 với việc NAV/Share sụt 2.79%. Trong hai năm gần đây, thành tích của PYN Elite tương đối ảm đạm. Trong một giai đoạn dài hơi kể từ khi chuyển sang đầu tư tại Việt Nam thì Quỹ này vẫn chưa có lại ánh hào quang như quá khứ, giai đoạn hoạt động tại thị trường chứng khoán Thái Lan.
Tính đến cuối tháng 02/2020, PYN Elite quản lý khối tài sản 395 triệu EUR (gần 10,000 tỷ đồng). Ngoại trừ ngành ngân hàng, tất cả các khoản đầu tư lớn khác của PYN Elite đều có thành tích tiêu cực trong tháng 2.
Thành tích của các khoản đầu tư lớn nhất PYN Elite
Một sự thay đổi đáng chú ý trong danh mục đầu tư của PYN Elite là khoản đầu tư vào ACV. Quỹ này có lẽ đã nhân cơ hội mua rẻ cổ phiếu (ACV giảm 20.83% trong tháng 2) của một doanh nghiệp gần như độc quyền lĩnh vực cảng hàng không tại Việt Nam.
Theo PYN Elite, định giá của thị trường chứng khoán Việt Nam vốn đã hấp dẫn trước cả khi dịch bệnh xảy đến. Các mức định giá của cổ phiếu Việt xét trên góc nhìn P/E là rất rẻ so với tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế và của lợi nhuận làm ra bởi doanh nghiệp. PYN cho rằng sự suy yếu trên thị trường chứng khoán Việt chỉ là tạm thời và giờ là lúc nắm lấy lợi thế.
VOF – VinaCapital
VOF, quỹ lớn nhất thuộc VinaCapital, quản lý lượng tài sản lên đến hơn 882 triệu USD (xấp xỉ 20,300 tỷ đồng) tính đến đầu tháng 02/2020. Trong đó, khoảng 59.2% tài sản của VOF là các cổ phiếu niêm yết. Phần lớn còn lại là vốn cổ phần chưa niêm yết và tư nhân, do đó một phần những ảnh hưởng của Covid-19 vẫn chưa lượng hóa vào những bước dịch chuyển NAV của Quỹ.
Trong giai đoạn hậu dịch bệnh, VinaCapital mong rằng Chính phủ Việt Nam sẽ triển khai những chính sách kích thích nền kinh tế. Trong đó, tăng chi tiêu cho đầu tư hạ tầng là lựa chọn được Quỹ đề xuất.
VinaCapital cho biết có thể thực hiện các thương vụ mua nếu các mức định giá giảm về vùng hấp dẫn, so sánh với tương quan về rủi ro dịch bệnh có thể kéo dài. Trên góc nhìn dài hạn, Quỹ này cho rằng Việt Nam thậm chí sẽ hưởng lợi khi các hoạt động đa dạng hóa sản xuất, dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc sẽ diễn ra còn nhanh hơn nữa sau những rủi ro có thể nhìn thấy từ dịch bệnh.
Thành tích của các khoản đầu tư lớn nhất VOF – VinaCapital
VEIL – Dragon Capital
VEIL đang quản lý lượng tài sản lên đến hơn 1.4 tỷ USD, và được biết đến là quỹ đầu tư chủ động lớn nhất đang hoạt động tại Việt Nam. Trong tháng 2 vừa qua (31/01-27/02), NAV/ccq của VEIL – Dragon Capital giảm 1.08%.
VIC tuột khỏi danh sách 10 khoản đầu tư lớn nhất của VEIL, thay thế vào đó là VPB. Cổ phiếu VPB đã tăng đến 21.16% chỉ trong vòng một tháng, thành tích này càng nổi bật khi xảy đến ngay trong thời điểm thị trường chứng khoán biến động tiêu cực.
Các khoản đầu tư lớn vào ngành bán lẻ (MWG), bất động sản (VHM, KDH, VIC) của VEIL đều chịu cảnh sụt giảm trong tháng 2 vừa qua.
Thành tích của các khoản đầu tư lớn nhất VEIL – Dragon Capital
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận