Đằng sau sai phạm của Xuyên Việt Oil và ‘động thái lạ’ từ Bộ Công Thương
Trước hoạt động kinh doanh liên tục thua lỗ, Xuyên Việt Oil còn có những động thái khó hiểu trong hoạt động vay vốn, mua bán xăng dầu. Việc Bộ Công Thương rút giấy phép doanh nghiệp này vào ngày 11/8/2023 sau khi những dấu hiệu vi phạm pháp luật đã quá rõ ràng khiến nhiều người đặt nhiều câu hỏi có hay không việc bỏ lọt vi phạm trong nhiều năm?
Mua bán lòng vòng, mắc loạt vi phạm
Lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu cho rằng chỉ cần các cơ quan chức năng lần theo và làm rõ những đường đi bất thường của dòng tiền trong hoạt động kinh doanh của Xuyên Việt Oil từ năm 2019 trở lại đây, đặc biệt là giai đoạn được cấp phép làm doanh nghiệp đầu mối vào năm 2021 đến nay sẽ thấy được những vấn đề khó hiểu trong việc quản lý và thẩm định chất lượng hoạt động cũng như điều kiện cấp phép xăng dầu.
Theo vị này, nếu muốn nhìn rõ hơn bức tranh kinh doanh của Xuyên Việt Oil, chỉ cần truy theo dòng tiền doanh thu đột ngột tăng lên tới 22.300 tỷ đồng và truy xuất nguồn nhập và bán lên tới hơn 1,7 tỷ lít xăng dầu trong năm 2021 và các khoản vay - trả nợ tại 4 ngân hàng, cùng với đó là hợp đồng cầm cố 33 triệu lít dầu ở một ngân hàng lớn. Các hoạt động đó có thể phần nào làm rõ được các góc khuất trong kinh doanh xăng dầu của doanh nghiệp đầu mối có doanh thu tỷ USD này.
Những hoạt động cho vay của các ngân hàng có liên quan đến hoạt động kinh doanh xăng dầu của Xuyên Việt Oil cũng là một trong những lý do khiến ông Lê Đức Thọ - cựu bí thư một tỉnh phía Nam bị khởi tố, bắt tạm giam cách đây ít ngày.
Cùng với những lùm xùm về mua bán xăng dầu và việc được cấp lại giấy phép doanh nghiệp đầu mối xăng dầu vào cuối năm 2021, theo thông tin của Tiền Phong, câu chuyện tài chính của Xuyên Việt Oil cũng có nhiều điểm đáng ngờ nhưng dường như cơ quan quản lý là Vụ Thị trường trong nước và Bộ Công Thương không hề nắm được nếu nhìn vào số liệu tài chính của doanh nghiệp này. Tính đến thời điểm ngày 31/12/2022, tổng tài sản của Xuyên Việt Oil chỉ còn là 8.483 tỷ đồng, giảm 3.672 tỷ đồng, tương đương giảm 30,2% so với cuối năm 2021. Nợ phải trả của công ty này lên đến 9.015 tỷ đồng.
Ngoài nợ thuế hơn 1.500 tỷ đồng, đến 31/3/2023, Xuyên Việt Oil còn 219,9 tỷ đồng chưa chuyển vào Quỹ Bình ổn giá xăng dầu theo quy định. |
Thực tế, dù có doanh thu vượt hơn 10.000 tỷ đồng năm 2021 nhưng ngay từ kỳ giám sát tháng 1/2020 của cơ quan hải quan và tài chính, Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil đã có số nợ ngân sách nhà nước hơn 89,57 tỷ đồng tiền thuế bảo vệ môi trường.
Trong vòng 3 năm sau đó, số nợ thuế của công ty này tăng lên gấp gần 20 lần. Số nợ thuế cập nhật đến kỳ tháng 8/2023 của hải quan ghi nhận Xuyên Việt Oil còn nợ ngân sách nhà nước trên 1.528 tỷ đồng. Trong đó, tiền thuế bảo vệ môi trường là trên 1.244 tỷ đồng. Số thuế còn nợ này phát sinh trên tờ khai tháng, từ kỳ tháng 10/2021 đến kỳ tháng 7/2022.
Xuyên Việt Oil cũng bị chỉ đích danh về việc vẫn được cấp giấy phép kinh doanh xăng dầu đầu mối năm 2021 dù chưa đáp ứng đủ điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu (có tối thiểu 40 tổng đại lý hoặc đại lý hoặc thương nhân nhượng quyền bán lẻ xăng dầu và đáp ứng các quy định về cầu cảng, kho chứa, phương tiện vận chuyển…).
Kết quả thanh tra của chính Bộ Công Thương năm 2022 cho thấy, để đủ điều kiện về hệ thống phân phối, có 37 đại lý bán lẻ của Công ty CP Đại Đồng Xuân được Xuyên Việt Oil kê khai thuộc hệ thống của mình thông qua cơ chế công ty mẹ - con (Xuyên Việt có góp vốn trên 50% vào Công ty Đại Đồng Xuân).
Điều đáng nói, cũng chính trong ngày được Bộ Công Thương cấp giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu, Xuyên Việt Oil và Công ty CP Đại Đồng Xuân đã ký văn bản huỷ bỏ hợp đồng chuyển nhượng cổ phần và tại thời điểm hủy bỏ, “hai bên chưa thực hiện bất cứ quyền và nghĩa vụ nào của hợp đồng đã ký kết”.
Ngoài các vi phạm trên, Xuyên Việt Oil còn bị phát hiện mua xăng dầu từ công ty con của mình (Công ty cổ phần Việt Oil Group Lado) và không thực hiện xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu xăng dầu; chưa kiểm tra, giám sát chất lượng và hoạt động của các tổng đại lý, đại lý trong hệ thống.
Bên cạnh đó, kết quả kiểm tra thực tế cho thấy, hồ sơ Công ty Xuyên Việt Oil và Vụ Thị trường trong nước cung cấp không khớp. Năm 2021, công ty này không đăng ký hệ thống phân phối với Bộ Công Thương. Trong quá trình thanh tra, doanh nghiệp bị phạt hành chính tới 4 hành vi, trong đó có việc không đăng ký hệ thống phân phối; không đáp ứng điều kiện hệ thống phân phối; gian lận trong kê khai đại lý...
Bỏ lọt vi phạm?
Theo tìm hiểu của Tiền Phong, sau khi Xuyên Việt Oil của bà Mai Thị Hồng Hạnh bị rút giấy phép, những lùm xùm về hoạt động của doanh nghiệp xăng dầu có doanh thu tỷ USD này lần lượt bị phát lộ. Trong đó, thông tin gây chú ý là việc Xuyên Việt Oil từng có kế hoạch bị thanh tra năm 2021 nhưng sau đó không rõ lý do gì Thanh tra Bộ Công Thương đã rút Xuyên Việt Oil ra khỏi kế hoạch thanh kiểm tra.
Theo giải thích sau đó của Vụ Thị trường trong nước và Thanh tra Bộ Công Thương, Bộ Công Thương giải thích ngày 31/12/2020 đã ban hành quyết định về việc lập đoàn kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong kinh doanh xăng dầu năm 2021 đối với một số thương nhân kinh doanh xăng dầu, trong đó có Xuyên Việt Oil. Tuy nhiên, việc kiểm tra bị gián đoạn, không thể thực hiện do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp (từ tháng 4 đến hết 10/2021). Do đó, Bộ này không thể tổ chức các đoàn kiểm tra theo kế hoạch.
Về nghi ngờ được cấp phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu dù không đủ điều kiện, Vụ Thị trường trong nước cho biết, công ty này đã nộp hồ sơ đề nghị Bộ Công Thương xem xét, cấp lại vào tháng 11/202 và thời điểm đó, công ty đáp ứng các điều kiện để được cấp lại giấy phép theo quy định tại Nghị định 83 và Nghị định 95.
“Trong năm 2023, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định thành lập đoàn kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu đối với một số thương nhân đầu mối, trong đó có Xuyên Việt Oil, Hải Hà, Thiên Minh Đức”, đại diện Bộ Công Thương cho hay.
Cơ quan này cũng cho biết, việc thu hồi giấy phép của Xuyên Việt Oil ngày 11/8/2023 được đưa ra trên cơ sở kết quả thanh tra đối với Công ty Xuyên Việt Oil và trên cơ sở xem xét tình tiết tăng nặng việc công ty không khắc phục được các vi phạm sau thanh tra năm 2022 và vi phạm nhiều lần quy định về Quỹ Bình ổn giá theo phản ánh từ Bộ Tài chính.
Theo một chuyên gia ngành xăng dầu, tình trạng bỏ lọt sai phạm, không nắm được tình hình kinh doanh của doanh nghiệp đầu mối hoàn toàn có thể xảy ra tại Bộ Công Thương. Ngay trong Kết luận thanh tra của Bộ Công Thương cũng cho thấy, các báo cáo của các doanh nghiệp đầu mối hằng năm gửi về một số vụ, cục của Bộ này đã thể hiện có hành vi vi phạm hành chính trong kinh doanh xăng dầu; việc duy trì hệ thống theo quy định.
Tuy nhiên, một số vụ, cục tại cơ quan này với vai trò quản lý nhà nước chưa kịp thời kiểm tra, đối chiếu, rà soát các báo cáo này; chậm trễ trong việc phát hiện hành vi vi phạm, kiến nghị người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng các hình phạt theo quy định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận