Đằng sau phản ứng của Fed trước nguy cơ vỡ nợ của Mỹ
Các quan chức Fed đã thảo luận về trần nợ công, nhưng điều đó không ảnh hưởng đến quyết định tăng lãi suất của ngân hàng trung ương Mỹ, theo chủ tịch Jerome Powell.
Trên một bức tường ở Manhattan, cách Quảng trường Thời đại không xa, chiếc đồng hồ báo hiệu mức nợ công của Mỹ đang hiển thị con số hơn 31 nghìn tỷ USD, cao gấp hơn 10 lần so với con số 3 nghìn tỷ USD lúc nó được lắp đặt vào năm 1989.
Sau nhiều năm chứng kiến mức nợ công leo thang nhưng chưa đủ để gây ra suy thoái kinh tế, người dân Mỹ đã dần lãng quên chiếc đồng hồ này, một phần cũng vì nó đã được chuyển từ vị trí từ một góc phố đông đúc sang một lối đi yên tĩnh. Giờ đây, họ mới bắt đầu nhớ đến nó, khi những con số gần chạm mức trần.
Trần nợ là số tiền mà Quốc hội cho phép chính phủ Mỹ vay để đáp ứng các nghĩa vụ cơ bản của mình, từ cung cấp bảo hiểm y tế đến trả lương cho quân đội. Mức trần nợ hiện tại của Mỹ là 31,4 nghìn tỷ USD (117% GDP).
Các nhà kinh tế của Nhà Trắng hôm 3/5 đã cảnh báo về “thiệt hại nghiêm trọng” đối với nền kinh tế Mỹ trong trường hợp vỡ nợ. Họ cảnh báo rằng một vụ vỡ nợ kéo dài có thể khiến 8,3 triệu người mất việc làm và thị trường chứng khoán sụt giảm 45%.
Nếu không có thỏa thuận giữa Quốc hội và Nhà Trắng, chính phủ liên bang sẽ thiếu các công cụ kế toán để tiếp tục vay và có khả năng bắt đầu vỡ nợ ngay sau ngày 1/6, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cảnh báo.
Bế tắc chính trị
Trong cuộc họp báo sau khi thông báo tăng lãi suất lên 0,25% hôm 3/5, chủ tịch Fed Jerome Powell đã được hỏi Fed sẽ làm gì nếu Mỹ rơi vào tình trạng vỡ nợ.
Ông Powell đã khẳng định, chính phủ Mỹ cần phải tự trả các khoản vay của mình, nếu không, ngân hàng trung ương có thể làm rất ít để ngăn chặn một cuộc suy thoái kinh tế.
Người phát ngôn của Chủ tịch Hạ viện Chad Gilmartin cũng tuyên bố: “Không có lý do chính đáng nào khác ngoài sơ suất chính trị khiến Mỹ không trả được nợ. Có rất nhiều nguồn thu đang chảy vào để trả lãi cho các khoản nợ đó.”
Theo tuyên bố này, việc vỡ nợ chỉ liên quan đến khoản vay của liên bang, nhưng các quan chức hành chính cảnh báo rằng các khoản thanh toán bị mất cho các nhà thầu, người nhận an sinh xã hội, nhân viên liên bang và những người khác cũng có nguy cơ gây vỡ nợ.
Tại thời điểm này, nước Mỹ sẽ phải đối mặt với tình trạng vỡ nợ quốc gia hoặc cắt giảm mạnh chi tiêu nhà nước. Một trong hai kết quả sẽ tàn phá thị trường toàn cầu. Việc vỡ nợ sẽ làm xói mòn niềm tin vào hệ thống tài chính quan trọng nhất thế giới, trong khi việc cắt giảm ngân sách lớn có thể gây ra một cuộc suy thoái sâu sắc.
Ngay cả khi Quốc hội Mỹ nâng trần nợ trước khi bất cứ điều gì nghiêm trọng xảy ra, tình huống hiện tại cũng là một lời cảnh báo về sự suy giảm sức khỏe tài chính của Mỹ.
Một dự luật do Kevin McCarthy, Chủ tịch Hạ viện thuộc Đảng Cộng hòa đề xuất, sẽ đẩy mức trần vào năm 2024, đồng thời cắt giảm hàng nghìn tỷ USD chi tiêu trong thập kỷ tới và cắt bỏ các kế hoạch chống biến đổi khí hậu.
Dự luật đã được thông qua Hạ viện của Đảng Cộng hòa vào ngày 27/4, nhưng lại không thể thông qua tại Thượng viện do đảng Dân chủ kiểm soát. Cả hai bên đang trong tình trạng bế tắc về chính trị.
Tổng thống Joe Biden đã mời các nhà lãnh đạo của cả 2 đảng dự một cuộc họp tại Nhà Trắng vào ngày 9/5 để tìm ra giải pháp. Tuy nhiên, ông cũng hy vọng họ sẽ đạt được một dự luật “sạch sẽ” (không bao gồm điều kiện nào) để nới trần nợ công.
Thế khó cho Fed
Ông Powell cho biết Fed sẽ không tham gia vào các cuộc đàm phán này. “Chúng tôi không đưa ra lời khuyên cho bên nào cả. Chúng tôi chỉ muốn chỉ ra rằng đây là vấn đề quan trọng cần phải được giải quyết.
Chủ tịch Fed cũng cho rằng việc không nới trần nợ công sẽ mang lại rủi ro chưa từng có tiền lệ và sẽ có tác động khó lường đối với nền kinh tế Mỹ.
Tuy nhiên, “đừng ai nghĩ rằng Fed có thể bảo vệ nền kinh tế, hệ thống tài chính và danh tiếng Mỹ khỏi những tác động tiềm ẩn do vỡ nợ gây ra”, ông Powell phát biểu sau khi Fed kết thúc cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày.
Trên thực tế, sau thất bại của ngân hàng Thung lũng Silicon hôm 10/3, Fed đã thực hiện các bước tương tự như những gì họ có thể làm với khoản nợ không trả được của Mỹ, đó là chấp nhận các chứng khoán bị suy giảm theo mệnh giá làm tài sản thế chấp cho các khoản vay của các ngân hàng.
Động thái này đã phá vỡ một phương châm lâu đời của ngân hàng trung ương, rằng tài sản thế chấp chỉ được chấp nhận với giá trị thấp hơn để giảm thiểu rủi ro đạo đức và tài chính khi cung cấp các khoản vay như vậy.
Tuy nhiên, nó cũng giúp hạn chế những bất ổn tài chính có thể xảy ra dựa trên giả định rằng chính phủ Mỹ cuối cùng sẽ thanh toán toàn bộ giá trị trái phiếu và tín phiếu kho bạc của mình ngay cả khi chúng được giao dịch dưới mệnh giá trong một thời gian.
Sau khi giữ chức chủ tịch Fed kể từ tháng 2/2018, ông Powell đã nhiều lần thể hiện sự sẵn sàng bỏ qua các thông lệ cũ khi ông cảm thấy cần thiết.
Đứng trước nguy cơ lạm phát bùng lên ở Mỹ vào năm 2020, ông Powell đã chuyển trọng tâm chính sách của Fed từ giá cả sang việc làm. Tuy nhiên, phán quyết này gây tranh cãi khi lạm phát bắt đầu tăng vọt vào năm 2021.
Để kiểm soát tình hình, ông lại một lần nữa điều chỉnh chính sách, đồng thời tuyên bố rằng ông sẵn sàng trả giá nếu tình trạng thất nghiệp gia tăng.
Lần này, một vụ vỡ nợ có thể đặt ông trước một quyết định khó khăn, dù phương châm của ông là “không bao giờ nói không bao giờ”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận