Dân “mỏi cổ” chờ dự án chống ngập
Liên tục trong những ngày qua, ở nhiều nơi, nhiều tuyến đường trên địa bàn TP.HCM bị ngập nặng do mưa lớn và triều cường. Điều đáng nói là trong nhiều năm qua, TP.HCM đã đầu tư và tìm nhiều giải pháp để giảm ngập, nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện nhiều.
Các chuyên gia dự báo đến cuối năm nay, TP.HCM sẽ gặp nhiều đợt triều cường cao hơn mốc kỷ lục là 1,8 m, nguyên nhân là biến đổi khí hậu và sụt lún nền đất. Theo PGS. TS. Lê Trung Chơn (Khoa Kỹ thuật địa chất và dầu khí, Đại học Bách khoa TP.HCM), có nhiều nguyên nhân tác động đến đỉnh triều cường, trong đó có tình trạng sụt lún. Nguyên nhân của điều này chủ yếu do quy hoạch và phát triển đô thị không hợp lý, nhất là tại các khu vực tập trung xây dựng trên nền đất yếu. Ngoài ra, sụt lún còn do khai thác nước ngầm, hiện tượng kiến tạo địa chất (sự nâng lên, hạ xuống các đứt gãy địa chất) và ảnh hưởng của dòng chảy, sự suy giảm phù sa...
Để hạn chế tình trạng này, từ năm 2016, dự án chống ngập do triều cường khu vực TP.HCM có xét tới yếu tố biến đổi khí hậu do giai đoạn 1 của Tập đoàn Trung Nam đã được triển khai. Dự án có vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, bao gồm xây dựng 6 cống kiểm soát triều (Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định) và khoảng 8km đê bao, chống ngập cho khoảng 6,5 triệu người. Tuy nhiên, vì nhiều lý do dự án này bị trễ hẹn như vướng mặt bằng thi công ở huyện Nhà Bè, Bình Chánh, quận 7 và quận 8. Hiện TP.HCM đã và đang chỉ đạo đẩy nhanh việc xử lý để công trình hoàn thành theo dự kiến.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan thừa nhận đỉnh triều mấy ngày qua đã khiến cho cuộc sống của người dân TP.HCM khốn đốn. Theo ông Hoan, khi công trình chống ngập 10.000 tỷ đồng trên hoàn thành thì sẽ ngăn được triều cường từ bên ngoài vào..
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cũng cho hay: “Hiện nay, các bước điều chỉnh, giải ngân vốn đã ổn. Chỉ còn vấn đề giải phóng mặt bằng đang vướng ở huyện Nhà Bè. Thành phố đã và đang chỉ đạo đẩy nhanh việc này để công trình hoàn thành đúng tiến độ vào tháng 6/2020”.
Lãnh đạo UBND TP.HCM cũng cho biết, một nguyên nhân gây vướng mắc cho dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng là do hiện đã hết thời hạn trong các phụ lục hợp đồng. Việc tái ký phụ lục hợp đồng sẽ giúp làm thông điểm nghẽn về tài chính và giúp dự án được đẩy nhanh tiến độ hơn.
Như vậy người dân TP.HCM sẽ lại tiếp tục phải căng mình ứng phó với ngập và triều cường trong khoảng thời gian dài để chờ đợi hiệu quả từ dự án chống ngập đầu tư 10.000 tỷ đồng của TP.HCM hoàn thành và phát huy tác dụng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận