Dân buôn hàng xách tay ồ ạt… nghỉ bán!
Sau khi Nghị định 98 của Chính phủ về tăng chế tài xử phạt đối với vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm có hiệu lực, dân buôn hàng xách tay trên các trang mạng xã hội ồ ạt xả hàng, nghỉ bán!
Các nhóm buôn bán hàng xách tay trên mạng xã hội bỗng trở nên sôi động với hàng loạt bài đăng có nội dung “xả hàng, nghỉ bán” mỗi ngày. Dạo một vòng “chợ mạng”, có thể thấy mọi mặt hàng từ mỹ phẩm, quần áo, đồ gia dụng… được đăng bán với giá khuyến mãi lên tới 30%, thậm chí một số mặt hàng còn được rao bán với lời mời gọi giảm giá tới 75%. Các nhóm này có hàng trăm nghìn thành viên, đã hoạt động được nhiều năm nay nên mỗi bài đăng đều nhận được nhiều phản hồi, hoạt động mua bán trở nên sôi nổi hơn hẳn mọi khi.
Do có người thân làm ở nước ngoài, chị Nguyễn Minh Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) tranh thủ nhập hàng xách tay là mỹ phẩm, túi xách về bán đã được 2 năm. Theo chị Minh Anh, do tránh được thuế VAT và phí vận chuyển thấp nên hàng xách tay sẽ có giá thấp hơn, không có hóa đơn, chứng từ nên bán hàng chủ yếu dựa vào “niềm tin” của người mua. Thế nhưng, thời gian gần đây do biết về quy định mới, chị Minh Anh cho biết đã đăng bài xả hết số hàng còn lại. “Mình giảm giá từ 10% - 20% đối với mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, nếu lấy nhiều sẽ giảm thêm. Đây vốn là nghề tay trái để kiếm thêm thu nhập, nhưng nếu bị phạt cao nhất lên tới 200 triệu đồng thì mình sẽ nghỉ bán”, chị chia sẻ.
Không chỉ riêng chị Minh Anh, nhiều người bán hàng xách tay lâu năm trên mạng xã hội cũng cho biết sẽ xả hàng tồn sau đó tính toán lại việc buôn bán hàng xách tay.
Hồng Anh - một du học sinh tại Hàn Quốc, cũng chia sẻ, trước kia mỗi lần có bạn bè về hoặc về thăm nhà đều có thể vận chuyển mỹ phẩm chính hãng về Việt Nam để bán, tiền lãi có thể lên tới vài triệu đồng mỗi lần do săn được hàng giảm giá và chi phí vận chuyển thấp. Thế nhưng, với quy định mới, Hồng Anh cho biết sẽ không buôn bán mỹ phẩm xách tay nữa mà chỉ mang về để gia đình sử dụng.
Trước kia, vẫn có nhiều cách để “qua mặt” các cơ quan chức năng, nhưng nay do quy định mới nên sẽ khó khăn hơn, chế tài xử phạt cũng mạnh hơn nhiều nên sẽ khó mà buôn bán - một dân buôn hàng xách tay cho biết.
Hàng xách tay vốn không còn là khái niệm xa lạ với người tiêu dùng Việt trong những năm gần đây. Việc buôn bán hàng xách tay vẫn diễn ra thường xuyên dù mập mờ về hóa đơn chứng từ. Tại con phố Nguyễn Sơn - nơi được mệnh danh là “thủ phủ” hàng xách tay ở Hà Nội, nhiều người bán hàng vẫn tỏ ra thờ ơ khi được hỏi về Nghị định mới. “Vẫn còn nhiều cách khác như bán nhỏ lẻ, nếu được hỏi thì bảo mua hộ. Hoặc đóng cửa hàng, chuyển qua bán tại nhà, kinh doanh online” - một tiểu thương cho biết.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú đánh giá, hầu hết hàng hóa gắn mác “hàng xách tay” đến 70% là hàng nhập lậu, cùng với đó là nhiều hàng giả, hàng nhái lợi dụng để trà trộn. Theo ông Phú, Nghị quyết mới đã thể hiện quyết tâm của cơ quan chức năng trong việc xiết chặt thị trường hàng xách tay vốn “bát nháo” trong nhiều năm gần đây.
Tuy nhiên, trong cơn bão “xả hàng, giảm giá khủng” hàng xách tay trên mạng xã hội, theo nhiều người buôn hàng xách tay lâu năm, người tiêu dùng nên cẩn thận kẻo mua phải hàng “rởm”. “Dù có xả hàng thì cũng không có giá ưu đãi lên tới 75% như quảng cáo. Nhiều người lợi dụng tâm lý muốn mua hàng xách tay giá rẻ nên trà trộn bán hàng giả, hàng nhái. Các loại hàng nhái trên thị trường rất nhiều, hình dáng làm tinh vi khó phân biệt hàng giả, hàng thật nên phải lựa chọn chỗ mua uy tín” - một dân buôn hàng xách tay cho biết.
Bên cạnh hoạt động xả hàng diễn ra tấp nập, nhiều shop buôn bán hàng xách tay trên mạng xã hội cũng bắt đầu đăng bài khẳng định hàng của mình có hóa đơn, chứng từ đầy đủ nếu người mua cần hay muốn kiểm tra. Tuy nhiên theo các chuyên gia, giấy tờ, hóa đơn cũng có thể làm giả nên không thể khẳng định được chất lượng của những loại hàng xách tay đang trôi nổi trên thị trường.
Trước đó, để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng và hạn chế tình trạng nhập lậu hàng hóa, Chính phủ đã ban hành Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm. Nghị định 98/2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10. Điều 15 Nghị định này quy định hành vi kinh doanh hàng nhập lậu sẽ bị phạt tiền tương ứng với giá trị hàng hóa nhập lậu. Đối với hàng hóa nhập lậu có giá trị dưới 3 triệu đồng có thể bị phạt 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Đối với hàng hóa có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên, có thể bị phạt từ 40 triệu đến 50 triệu đồng.
Mức xử phạt sẽ tăng lên gấp đôi, tối đa 100 triệu đồng với cá nhân và 200 triệu đồng với tổ chức nếu người vi phạm trực tiếp nhập lậu hàng thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, trang thiết bị y tế, thuốc phòng bệnh và thuốc... có giá trị dưới 100 triệu đồng hoặc từ 100 triệu đồng mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận