Đạm Phú Mỹ chuyển hướng không đầu tư bất động sản
Dự án trung tâm thương mại Cửu Long không phát huy hiệu quả nên Tổng Công ty chuyển hướng chiến lược không đầu tư bất động sản.
Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ - HoSE: DPM) đã tổ chức cuộc họp ĐHĐCD thường niên năm nay ngày 23/6. Theo biên bản họp đại hội, tại phiên thảo luận, nói về hiệu quả đầu tư vào dự án trung tâm thương mại Cửu Long, đại diện Đạm Phú Mỹ chia sẻ dự án không phát huy hiệu quả và Tổng Công ty chuyển hướng chiến lược không đầu tư vào lĩnh vực bất động sản.
Tổ hợp trung tâm thương mại Cửu Long được Tổng Công ty đầu tư từ năm 2009 theo chiến lược phát triển đa ngành 2008-2015. Dự án này nằm ngay giao lộ của hai con đường trọng yếu nối liền khu công nghiệp Cà Mau với các tỉnh miền Tây Nam Bộ và nằm trong khu đô thị cửa ngõ Đông Bắc tỉnh Cà Mau.
Tổ hợp có tổng diện tích 90.700 m2 gồm các hạng mục công trình là Cửu Long Plaza, khu triển lãm và các tiện ích hạ tầng khác như công viên, cây xanh và các công trình phục vụ phát triển kinh doanh, tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa. Trong đó, Cửu Long Plaza - hạng mục chính của dự án, là trung tâm thương mại và cao ốc văn phòng cao cấp, có tổng diện tích sử dụng là 9.942 m2.
Đạm Phú Mỹ đã hợp tác với đối tác Huỳnh Châu để chuyển đổi mục đích của khu đất 1,23 ha trong dự án sang đất ở. Đơn vị khẳng định, Tổng Công ty không liên quan và không chịu trách nhiệm về sai phạm của đối tác Huỳnh Châu trong quá trình hợp tác.
Bên cạnh đó, với tòa nhà Cửu Long Plaza - hiện là tài sản của Đạm Phú Mỹ, đơn vị sẽ xem xét chuyển nhượng để thu hồi vốn đầu tư.
Về dự án NH3-NPK, ban chủ tọa cho biết việc quyết toán sẽ hoàn thành trong quý III năm nay. Việc chậm tiến độ quyết toán này không ảnh hưởng đến hoạt động khai thác, vận hành công trình. Về tình hình hoạt động, từ khi vận hành thương mại cho đến nay, phần dự án nâng công suất xưởng NH3 đạt hiệu quả cao hơn so với dự án đầu tư (FS). Công suất hoạt động nhà máy NPK tăng dần từ năm 2018 đến nay, năm 2021 đã có lãi, và năm nay hướng tới sản lượng đạt 180.000 tấn.
Về tiến độ chuyển văn phòng trụ sở chính Tổng Công ty từ TP HCM đến nhà máy đạm Phú Mỹ (khu công nghiệp Phú Mỹ 1, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), ban chủ tọa cho biết Tổng Công ty và tư vấn của đề án tái cơ cấu mô hình tổ chức hoạt động sẽ hoàn chỉnh đề án trong năm nay. Theo đó, việc lựa chọn và áp dụng mô hình tổ chức bộ máy văn phòng và nhà máy sẽ được xem xét trong giai đoạn 3 vào năm 2023, 2024. Kết quả cụ thể hơn sẽ được cập nhật vào kỳ ĐHĐCĐ năm tới.
Tại đại hội, cổ đông thông qua mức chi trả cổ tức năm 2021 bằng tiền mặt tỷ lệ 50%, tương đương tổng chi 1.957 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức kế hoạch (10%) đề ra năm trước. Đây là mức chia cổ tức cao nhất trong vòng 7 năm qua. Năm 2014, doanh nghiệp cũng chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 50%.
Phương án chia cổ tức này được đưa ra dựa trên kết quả kinh doanh khởi sắc năm qua. Cụ thể, doanh thu thuần đạt 12.786 tỷ đồng, tăng 65%; lãi sau thuế 3.172 tỷ đồng, gấp 4,5 lần năm 2020 và ghi nhận mức kỷ lục.
Năm nay, Đạm Phú Mỹ đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 17.239 tỷ đồng, lãi sau thuế 3.473 tỷ đồng; tăng lần lượt 31% và 9% so với thực hiện 2021. Theo đó, HĐQT đề xuất mức chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 50% mệnh giá, tương đương mức chia 2021.
Quý I, doanh nghiệp phân bón báo cáo doanh thu 5.885 tỷ đồng, gấp 3 lần; lãi sau thuế 2.126 tỷ đồng, gấp 12 lần cùng kỳ năm trước. Công ty hoàn thành 61% kế hoạch lợi nhuận năm sau quý I.
Nguồn: Đạm Phú Mỹ
Với việc trở thành cổ đông lớn và liên tục tăng sở hữu trong thời gian gần đây lên 24,1 triệu cổ phần (tỷ lệ 6,16%), Dragon đặt ra nhiều câu hỏi cho ban lãnh đạo, trong đó có việc kế hoạch kinh doanh thấp và các năm trước thường dùng toàn bộ lợi nhuận để chia cổ tức.
Ban lãnh đạo cho biết kế hoạch sản xuất kinh doanh được xây dựng trên nhiều cơ sở, dự báo, thực tế. Vào thời điểm xem xét trình ĐHĐCĐ, căn cứ vào tình hình quý I, Tổng công ty đã đề xuất chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận tăng nhiều so với kế hoạch đã lập vào cuối năm 2021. Thị trường còn nhiều bất ổn nên con số lợi nhuận đề ra như báo cáo là phù hợp.
Mức cổ tức đề xuất cho năm 2021 và 2022 được cân nhắc và tính toán phù hợp với nhu cầu đầu tư theo định hướng chiến lược phát triển sắp tới.
Lãnh đạo Đạm Phú Mỹ đánh giá năm 2022 diễn ra trong bối cảnh các yếu tố về thị trường phân bón, giá khí tiếp tục có những khó khăn như đã diễn ra trong năm 2021 cùng với những tác động của đại dịch Covid-19. Đặc biệt, nguồn cung khí thiên nhiên đã chuyển sang thời kỳ khó khăn, các nguồn khí giá rẻ sụt giảm sản lượng.
Do vậy, nhiệm vụ trong năm nay là tìm kiếm nguồn khí ổn định (sản lượng, giá bán) dài hạn cho sản xuất đạm, đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh; tăng cường công tác quản lý chi phí, hạ giá thành sản phẩm; xây dựng hệ thống phân phối phân bón bền vững trong nước và tìm kiếm mở rộng thị trường nước ngoài.
Bên cạnh đó, công ty cũng nghiên cứu đầu tư các dự án mới như sản xuất Melamin, Adblue nhằm nâng cao giá trị gia tăng và vận hành đủ tải xưởng UFC/formaldehyde; sản xuất sô đa từ CO2 và NH3 dư; sản xuất DAP; sản xuất PVC; xây dựng kho cảng hoá chất.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận