24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Chính Đức
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Đảm bảo an ninh lương thực, đẩy mạnh xuất khẩu

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào, ngành nông nghiệp luôn chủ động đảm bảo đủ an ninh lương thực và đẩy mạnh xuất

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào, ngành nông nghiệp luôn chủ động đảm bảo đủ an ninh lương thực và đẩy mạnh xuất khẩu.

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chiều 3/10 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, trong bối cảnh thế giới phức tạp, lạm phát tăng cao, đặc biệt là ảnh hưởng căng thẳng Nga – Ukraine, chưa kể tác động về hạn hán, việc thắt chặt xuất khẩu gạo của Ấn Độ… cho thấy nguồn cung lương thực rất quan trọng.

Trong những hoàn cảnh khó khăn, ngành nông nghiệp đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai các giải pháp một cách đồng bộ, quyết liệt, linh hoạt. Nhờ vậy, nông nghiệp vẫn đạt tăng trưởng khá; năng suất, sản lượng nhiều sản phẩm chủ lực tăng, khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, đảm bảo đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, góp phần vào tăng trưởng chung của kinh tế cả nước.

Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng của ngành 9 tháng đạt 2,99% so với cùng kỳ 2021; trong đó, nông nghiệp tăng khoảng 2,43%, lâm nghiệp tăng 5,2% và thủy sản tăng 4,43%.

Điển hình, sản lượng lúa đến nay đạt trên 33,4 triệu tấn, chỉ thấp hơn 0,5% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, năm nay, ngành vẫn sẽ đạt 43 triệu tấn lúa, với 85% là giống lúa mới, 89% là gạo chất lượng cao. Điều này cho thấy, tái cơ cấu trong trồng trọt đã mang lại hiệu quả rất rõ, dịch bệnh trên đồng ruộng rất hạn chế.

Nhờ dịch bệnh trên gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát nên chăn nuôi gia súc, gia cầm đã phục hồi và phát triển trở lại. Sản lượng thịt hơi các loại đạt trên 5,1 triệu tấn, tăng 5,33% so cùng kỳ năm ngoái; trong đó, đàn lợn ước tăng 8,8%, sản lượng thịt lợn hơi ước đạt 3.232,7 nghìn tấn, tăng 5,8%. Đàn gia cầm ước tăng 3,8%; sản lượng thịt ước đạt 1.467,1 nghìn tấn, tăng 4,8%. Trứng ước đạt 13,4 tỷ quả, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Đảm bảo an ninh lương thực, đẩy mạnh xuất khẩu
Sản lượng lúa đến nay đạt trên 33,4 triệu tấn, chỉ thấp hơn 0,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Tổng sản lượng thủy sản ước đạt 6.602,8 nghìn tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước ảnh hưởng của việc giá dầu tăng giá ảnh hưởng tới khai thác thủy sản, Bộ hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương tăng cường kiểm soát tàu cá tại cảng; khuyến cáo ngư dân có tàu cá hiệu quả sản xuất thấp chuyển đổi nghề khai thác; hoặc tranh thủ sửa chữa, bảo dưỡng tàu và ngư lưới cụ, góp phần giảm cường lực khai thác trong ngắn hạn, nguồn lợi thủy sản có thời gian phục hồi.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào, ngành luôn chủ động đảm bảo đủ an ninh lương thực và đẩy mạnh xuất khẩu. Đặc biệt, đảm bảo nhu cầu lương thực, thực phẩm thường tăng cao từ 10-15% vào cuối năm, nhất là dịp Tết Nguyên đán.

Xuất khẩu phấn đấu đạt mục tiêu trên 50 tỷ USD

Trước tình hình khó khăn của thế giới, đơn hàng xuất khẩu giảm nhiều, có dấu hiệu tồn kho, sức mua giảm, nhưng ngành nông nghiệp phấn đấu đạt và vượt mục tiêu Chính phủ giao với mục tiêu tăng trưởng từ 2,8-3% và xuất khẩu đạt trên 50 tỷ USD.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhận định với Báo Dân sinh: “Ngành nông nghiệp và các địa phương đã quyết liệt thực hiện đồng bộ nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn để đạt “mục tiêu kép” là duy trì tăng trưởng trên tất cả lĩnh vực, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô song song với bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm cho thị trường

Với mục tiêu phấn đấu tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2022 đạt trên 50 tỷ USD, Bộ NN-PTNT đã hướng dẫn các địa phương tạo cơ chế khuyến khích sản xuất hữu cơ, sử dụng tài nguyên thiên nhiên để giảm chi phí đầu vào cho sản xuất nông nghiệp.

Từ nay đến cuối năm chi phí vật tư đầu vào còn ở mức cao dẫn đến tăng chi phí sản xuất, ảnh hưởng trực tiếp đến mặt bằng giá nhóm hàng thực phẩm có tỷ trọng tiêu dùng lớn như: Gạo, thịt lợn, rau củ, trái cây...

Đảm bảo an ninh lương thực, đẩy mạnh xuất khẩu
Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương quản lý chặt chẽ giá cả, thị trường những tháng cuối năm 2022.

Mặt khác, thời tiết diễn biến bất thường, hay xảy ra mưa bão, trong khi dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất.

Đề cập đến giải pháp giảm giá thịt lợn ngoài thị trường, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến thừa nhận, thường giá lợn từ cửa trại ra đến bàn ăn chênh nhau khoảng 1,5-1,7 lần. Việc này, nhiều lần Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành điều tiết song việc chuyển biến còn chậm. Nhưng chắc chắn khi giá lợn hơi và nguồn cung ổn định thì giá thịt lợn ở chợ sẽ ổn định theo.

Phân tích về giá thịt lợn trên thị trường giữ ở mức cao, các chuyên gia kinh tế cho rằng, giá thịt lợn tăng dần tại các khâu của chuỗi cung ứng và chi phí qua các công đoạn giết mổ. Như vậy, qua mỗi giai đoạn của chuỗi cung ứng thì giá lợn hơi/thịt lợn thương phẩm sẽ tăng trung bình khoảng 8 - 10%.

Do đó, bảo đảm nguồn cung thịt lợn trong thời gian tới, nhất là dịp cuối năm, Bộ NN-PTNT cần khẩn trương triển khai các giải pháp cụ thể đẩy mạnh tái đàn trong nước và sản xuất con giống, bảo đảm tổng đàn cả nước đáp ứng đủ yêu cầu tiêu dùng.

Đã loại bỏ trên 200 cơ sở sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không đạt yêu cầu

Trả lời câu hỏi về việc quản lý trước tình trạng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng được phát hiện ở nhiều địa phương, đặc biệt tại các tỉnh Tây Nguyên của TTXVN, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, trong những năm gần đây, phân bón giảm, kém chất lượng được kiểm soát và số lượng giảm đi nhiều.

Theo ông Hoàng Trung, Cục Bảo vệ thực vật đã phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra, đồng thời liên tục có các văn bản chỉ đạo hệ thống trồng trọt và bảo vệ thực vật địa phương để kiểm tra, kiểm soát, làm sao phát hiện nhanh chóng nhất đối với phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng.

Năm nay, các tỉnh, thành triển khai đồng loạt việc thanh, kiểm tra. Sau khi kiểm tra, Cục Bảo vệ thực vật cũng yêu cầu những địa phương phát hiện cơ sở phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng bên cạnh việc áp dụng xử phạt hành chính thì chuyển sang cơ quan cảnh sát điều tra những vụ việc cần thiết. Hiện nay, đã có 3 vụ được chuyển sang cơ quan cảnh sát điều tra.

Cục Bảo vệ thực vật đang trong quá trình rà soát toàn bộ các cơ sở sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Vừa qua, Cục Bảo vệ thực vật đã loại bỏ gần 200 nhà máy không đáp ứng được yêu cầu theo quy định.

"Dự kiến cuối năm nay, Cục Bảo vệ thực vật sẽ công bố công khai số lượng phân bón được lưu hành, các nhà máy được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất", ông Hoàng Trung cho biết.

Cùng với thanh, kiểm tra, Cục Bảo vệ thực vật cũng phối hợp với các đơn vị, địa phương hướng dẫn nông dân sản xuất tiết giảm việc sử dụng vật tư đầu vào, tăng sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, nhằm góp phần bình ổn giá, tăng trưởng xanh trong nông nghiệp.

Hương Anh (tổng hợp)
Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả