Đại lý phân phối vẫn thiếu xăng, dầu để bán
Chiết khấu cho mỗi lít xăng, dầu đã trở lại mức dương, nhưng nguồn hàng để các đại lý xăng dầu nhập về bán vẫn đang thiếu.
Sau đợt điều chỉnh chiều 21/2, giá xăng trong nước vượt 26.000 đồng một lít với RON 95, lên 26.280 đồng, lập mức đỉnh mới khi vượt qua mốc 26.140 đồng hồi tháng 7/2014.
Ngay sau khi tăng giá, mức chiết khấu (hoa hồng) các doanh nghiệp đầu mối dành cho thương nhân phân phối, hệ thống cửa hàng bán lẻ ghi nhận dương trở lại. Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) áp dụng mức chiết khấu từ chiều 21/2 tại kho Đình Vũ (Hải Phòng) là 500 đồng một lít dầu diesel, xăng E5 RON 92 là 400 đồng một lít, còn RON 95 là 300 đồng.
Mức chiết khấu tại kho được Công ty TNHH Hải Linh, một trong 36 đầu mối kinh doanh xăng dầu, đưa ra từ 22/2 là 350 đồng với mỗi lít xăng RON 95, xăng E5 RON 92 là 550 đồng, và dầu diesel 300 đồng một lít.
So với trước điều chỉnh giá bán lẻ, mức chiết khấu này tăng 200-350 đồng một lít, tuỳ loại. Tuy nhiên, sau khi trừ chi phí vận chuyển (khoảng 300 đồng một lít), các cửa hàng xăng dầu cho biết "vẫn chưa có lãi, nếu trừ chi phí nhân công, hao hụt..., hoặc nếu tính toán chặt chẽ may ra lãi 50 đồng mỗi lít xăng, dầu bán ra cho người tiêu dùng".
Mức hoa hồng tăng vài trăm đồng một lít so với trước khi tăng giá bán lẻ, nhưng lãnh đạo một doanh nghiệp phân phối xăng dầu nói "chưa chắc mức dương này duy trì được lâu, do hiện giá cơ sở xăng dầu đã âm khoảng 150 đồng so với giá thế giới".
Ông cũng cho biết, trong chiều 21/2, ngay sau thời điểm điều chỉnh giá bán lẻ, công ty ông gửi đề nghị cấp hàng tới doanh nghiệp đầu mối, đến tối vẫn chưa thấy phản hồi. "Không có lãi và vẫn đang bù lỗ, nhưng lúc này điều chúng tôi mong muốn nhất là nhập được hàng để bán, tránh chuyện kho cạn xăng, dầu rồi phải treo biển dừng bán", ông nói.
Tương tự, các cửa hàng xăng dầu cho hay, các đầu mối chỉ cấp đúng lượng hàng theo sản lượng đăng ký bình quân 3 tháng gần nhất và chia nhỏ thành nhiều đợt.
Kho chứa gần cạn, chị Hoa, cửa hàng trưởng một cửa hàng xăng dầu tại Thanh Oai (Hà Nội) báo đơn vị đầu mối cấp thêm 100 m3 xăng, dầu từ chiều 21/2, nhưng được thông báo "sáng mai mới có thể cấp nửa yêu cầu, còn lại phải chờ thông báo tiếp".
Phần lớn các doanh nghiệp phân phối, đại lý xăng dầu cho biết "đã mệt mỏi với cảnh bán ra thì lỗ, mà hàng nhập vào lại nhỏ giọt". Tất cả đều đang chờ đợi động thái điều tiết nguồn cung chủ động, quyết liệt hơn từ các cơ quan quản lý.
Theo Bộ Công Thương, việc cắt giảm công suất vì khó khăn tài chính khiến Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, đơn vị chiếm 34% sản lượng xăng dầu tiêu thụ cả nước năm 2021, là khởi nguồn cho hiện tượng khan hiếm xăng dầu cục bộ trên thị trường. Hiện nhà máy này chỉ vận hành ở mức 55-60% công suất, ảnh hưởng trực tiếp tới kế hoạch giao hàng theo hợp đồng cho các doanh nghiệp đầu mối trong tháng 2.
Thực tế, sản lượng giao hàng tháng 2 của Lọc dầu Nghi Sơn giảm 43%, chỉ đạt 390.000 m3, tấn so với mức thông thường 680.000 m3, tấn. Trong đó, giảm cung ứng nhiều nhất là mặt hàng dầu diesel, giảm tới 57%; còn xăng giảm 18%.
Ngay khi nhà máy này sản xuất 100% công suất trở lại, họ vẫn chưa có kế hoạch giao hàng cho các doanh nghiệp đầu mối vào tháng 4 và 5. "Sau tháng 5, chưa rõ khả năng duy trì sản xuất của nhà máy này như thế nào", Vụ thị trường trong nước cho hay.
Tuy nhiên, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) khẳng định, việc thiếu xăng dầu cục bộ sẽ sớm được giải quyết. Cung - cầu xăng dầu cho thị trường trong nước thời gian tới cơ bản ổn định. "Khoảng 10 ngày tới, tình hình cung - cầu thực sẽ về trạng thái cân bằng", ông nói với VnExpress.
Vị này dẫn chứng số liệu báo cáo từ các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu. Theo đó, lượng xăng dầu tồn kho tại các doanh nghiệp đầu mối tháng 2 còn khoảng 1,3 triệu m3 các loại, trong đó xăng là 620.000 m3 và 650.000 m3 dầu diesel. Số tồn kho này chưa gồm lượng tồn kho của các thương nhân phân phối, đại lý.
Lượng mua vào của các doanh nghiệp để cung ứng cho thị trường trong tháng 2 là 2,39 triệu m3, tấn, trong đó hơn 41% nguồn trong nước, còn lại là nhập khẩu. "Với nhu cầu khoảng 1,8-2 triệu m3 xăng dầu các loại một tháng, nguồn cung như trên đáp ứng đủ nhu cầu thị trường trong tháng 2 và dự trữ gối đầu sang tháng 3", lãnh đạo Vụ thị trường trong nước cho biết.
Sang tháng 3, lượng cung xăng dầu cho thị trường từ nguồn trong nước vẫn thấp so với các tháng thông thường, do cung ứng hàng từ sản xuất trong nước giảm mạnh trong tháng 2, đầu tháng 3. Dù vậy, Bộ Công Thương cho hay, tồn kho từ tháng 2 chuyển sang, cùng với việc Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn sẽ đạt công suất 85% từ 15/3 và 100% công suất từ đầu tháng 4 và nguồn hàng nhập khẩu từ các đầu mối... thì "nguồn cung vẫn đảm bảo".
Các doanh nghiệp đầu mối thời gian qua cũng tăng nhập khẩu xăng dầu để bù đắp nguồn cung thiếu hụt từ sản xuất trong nước. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, lượng nhập khẩu xăng dầu trong 15 ngày đầu tháng 2 đã tăng 38% so với các tháng trước, đạt khoảng 803.000 m3, tấn.
Trong quyết định đưa ra cuối tuần trước, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cũng yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp cùng Bộ Tài chính chủ động điều hành giá, bảo đảm nguồn cung cho thị trường. Bộ Công Thương chịu trách nhiệm toàn diện về kết quả điều hành mặt hàng này, cũng như việc kiểm tra xử lý nghiêm, không để xảy ra hành vi trục lợi, đầu cơ xăng dầu.
Bộ Công Thương cho biết đã lập 3 đoàn thanh tra 33 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu về chấp hành pháp luật trong kinh doanh mặt hàng này từ đầu năm 2021 đến 11/2/2022. Bối cảnh thị trường xăng dầu hiện nay, cơ quan này đề nghị các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu, nhất là đơn vị có vốn Nhà nước "nâng cao trách nhiệm, chủ động tìm kiếm nguồn hàng cung cấp cho thị trường nội địa, không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống".
Bộ cũng yêu cầu, các doanh nghiệp phải thực hiện đúng các quy định về dự trữ xăng dầu lưu thông, bán hàng theo thời gian đã đăng ký, không để xảy ra hiện tượng "găm hàng" hay hạn chế bán ra trong hệ thống, gây ảnh hưởng đến nguồn cung cho nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của người dân.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận