"Đại gia xăng dầu" Petrolimex cũng "đau đầu" vì lỗ
Petrolimex ghi nhận lỗ trước thuế 1.700 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi gần 1.600 tỷ đồng. LNST của cổ đông công ty mẹ giảm từ 1.200 tỷ xuống -1.893 tỷ đồng.
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam – Petrolimex (PLX) vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý I/2020 với doanh thu giảm gần 3.500 tỷ (-8%) xuống 38.500 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do phải trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho 1.600 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ được hoàn nhập hơn 500 tỷ đồng nên giá vốn hàng bán của Petrolimex không thay đổi nhiều. Do đó lãi gộp sụt giảm tới 88% xuống còn 450 tỷ đồng.
Trừ đi các chi phí, Petrolimex ghi nhận lỗ trước thuế 1.700 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi gần 1.600 tỷ đồng. LNST của cổ đông công ty mẹ giảm từ 1.200 tỷ xuống -1.893 tỷ đồng. Đây cũng là một trong những mức lỗ lớn nhất của mùa báo cáo tài chính quý 1 năm nay.
Với riêng công ty mẹ Petrolimex thì mức lỗ lên đến 2.300 tỷ đồng. Như vậy, mức lỗ thực tế cao gấp 3-4 lần so với con số ước tính 572 tỷ đồng hồi đầu tháng 4 trong báo cáo gửi Ủy bản quản lý vốn Nhà nước.
Trước đó, từ đầu tháng 2/2020, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nhu cầu đi lại, vận tải giảm mạnh, kéo theo nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước giảm khoảng 30 - 40% so với cùng kỳ các năm trước. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các nhà máy lọc dầu cũng như các đơn vị kinh doanh xăng dầu trên toàn quốc.
Petrolimex cho biết, xăng dầu là mặt hàng cần phải có đủ dự trữ tồn kho, vì vậy, giá xăng dầu thế giới “lao dốc” với biên độ lớn (giảm 60%) trong quý I/2020 đã tác động đến giá vốn tồn kho của Tập đoàn. Bên cạnh đó, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, các hãng hàng không tiếp tục tạm dừng các chuyến bay trong nước và quốc tế, nhu cầu vận tải đường thuỷ, đường bộ sụt giảm mạnh khiến dự trữ tồn kho tăng cao, ảnh hưởng nặng nề đến tình hình sản xuất kinh doanh của Petrolimex.
Nếu dịch bệnh kéo dài đến quý IV/2020, dự kiến năm 2020, Petrolimex ước doanh thu giảm 12.517 tỷ đồng và lợi nhuận giảm 1.143 tỷ đồng so với kế hoạch đã đề ra. Trước đó, đầu tháng 3/2020, Petrolimex đặt kế hoạch kinh doanh năm 2020 với doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt khoảng 186.000 tỷ đồng và 5.380 tỷ đồng. Như vậy, nếu kịch bản dịch trên xảy ra, lợi nhuận năm 2020 của Petrolimex sẽ đạt 4.237 tỷ đồng, giảm 25% so với năm 2019.
Theo lý giải, nguyên nhân chính dẫn đến kết quả thua lỗ là do Petrolimex là doanh nghiệp có hệ thống phân phối phủ rộng toàn quốc và xăng dầu là mặt hàng cần phải có đủ dự trữ tồn kho. Trong khi quý I/2020 giá dầu thế giới giảm quá nhanh với biên độ lớn (giảm 60%) đã tác động đến giá vốn tồn kho của Petrolimex.
Trong trường hợp dịch vẫn diễn biến phức tạp, các hãng hàng không trong nước và quốc tế sẽ tiếp tục tạm dừng các chuyến bay trong nước và quốc tế, nhu cầu vận tải đường thuỷ, đường bộ sụt giảm mạnh khiến sản lượng xuất bán xăng dầu thấp, dự trữ tồn kho tăng cao sẽ ảnh hưởng nặng nề hơn nữa đến tình hình sản xuất kinh doanh của Petrolimex.
Hồi đầu tháng 3, Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp đã chấp thuận về nguyên tắc các chỉ tiêu chủ yếu kinh doanh năm 2020 của Petrolimex, gồm doanh thu toàn Tập đoàn 186.000 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 5.380 tỷđồng; nộp ngân sách nhà nước 41.300 tỷđồng; tỷ suất lợi nhuận (sau thuế)/vốn chủ sở hữu là 15%... Như vậy, lợi nhuận năm nay của tập đoàn sẽ giảm mạnh xuốngcòn 4.237 tỉđồng vì ảnh hưởng của dịch bệnh.
Theo MarketWatch, các hợp đồng dầu thô quay đầu giảm mạnh sau thông tin về cuộc họp giữa các nhà sản xuất dầu mỏ OPEC và Nga tạm thời hoãn. Cuộc họp này sẽ giúp đạt thỏa thuận ngưng chiến giá dầu, cắt giảm sản lượng nhằm ổn định thị trường năng lượng đang tồn kho quá lớn, giá lao dốc do nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh do dịch Covid-19.
Để “giải cứu” các tập đoàn, tổng công ty nhà nước lớn, mới đây Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp kiến nghị Bộ Tài Chính, Công Thương xem xét phương án giảm thuế xuất khẩu với mặt hàng xăng dầu sản xuất trong nước để doanh nghiệp có thể xuất khẩu, giảm tồn kho, tăng nguồn vốn lưu động, miễn thuế nhập khẩu và thuế môi trường các sản phẩm xăng dầu trong năm 2020 cho các doanh nghiệp vận tải.
Bên cạnh đó, Uỷ ban kiến nghị Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước xem xét khoanh nợ gốc, kéo dài thời gian khoản vay, không tính lãi phạt trên lãi và gốc chậm trả trong thời gian dịch bệnh, được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và không chuyển nhóm nợ, tiếp tục cho doanh nghiệp vay vốn lưu động… để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp lớn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận