Đại gia nước giải khát trả giá đắt cho 'cuộc chơi' bất động sản
Từ khi lấn sân sang lĩnh vực bất động sản, các lãnh đạo cấp cao của Tân Hiệp Phát liên tục vướng các lùm xùm pháp lý và kết cục là 3 cha con ông Trần Quí Thanh đều bị khởi tố.
Lợi nhuận tỷ USD từ nước giải khát
Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Tân Hiệp Phát được thành lập từ năm 1994, tiền thân là nhà máy bia Bến Thành. Người sáng lập công ty – ông Trần Quí Thanh sinh năm 1953, tốt nghiệp Đại học Bách Khoa, chuyên ngành kỹ sư cơ khí chế tạo máy. Sau này, ông nhận bằng Tiến sĩ Quản trị Kinh doanh của Southern California University (Mỹ).
Những sản phẩm ban đầu của doanh nghiệp là bia chai, bia hơi, bia tươi, sữa đậu nành. Đến năm 2001, công ty cho ra mắt sản phẩm nước tăng lực Number 1, về sau trở thành dòng sản phẩm chủ lực. Sau này, Tân Hiệp Phát liên tục mở rộng thị trường kinh doanh, đưa ra nhiều sản phẩm vào thị trường nước giải khát Việt Nam và tạo ra sự nổi bật, như Trà xanh Không Độ, Trà thanh nhiệt Dr Thanh…
Theo thông tin đăng ký doanh nghiệp, Tân Hiệp Phát có vốn điều lệ 276 tỷ đồng. Trong đó, bà Phạm Thị Nụ (vợ ông Trần Quí Thanh) góp 150,4 tỷ đồng, chiếm 54,493% vốn điều lệ. Số vốn còn lại do 2 con gái của vợ chồng ông Thanh đứng tên. Bà Trần Uyên Phương góp 81,1 tỷ đồng, chiếm 29,384%. Bà Trần Ngọc Bích góp 44,5 tỷ đồng, chiếm 16,123%. Người đại diện theo pháp luật của công ty này là Tổng giám đốc Trần Quí Thanh và Phó giám đốc Riddle David Charles.
Năm 2018, bà Trần Uyên Phương - con gái ông Thanh ra mắt cuốn sách "Competing with Giants" (tạm dịch là Vượt lên người khổng lồ), được viết chung với nhà báo Jackie Horne (người Anh) và chuyên gia kinh tế John Kador (người Mỹ), được ForbesBook xuất bản.
Trong cuốn sách, bà Phương tiết lộ thông tin: Năm 2012, sau nhiều tháng đàm phán, Coca-Cola đã đưa ra lời đề nghị mua lại Tân Hiệp Phát với giá 2,5 tỷ USD. Tính theo tỷ giá lúc bấy giờ, mức giá ấy tương đương khoảng 50.000 tỷ đồng tiền Việt.
Bà Phương cho biết vào thời điểm ấy, Việt Nam chưa có tỷ phú đô la. Nếu như đồng ý, cha của bà có thể trở thành tỷ phú đầu tiên của Việt Nam thay vì Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng (ông Vượng là tỷ phú đô la từ năm 2013).
Chương trình The Successors do kênh truyền hình Channel NewsAsia thực hiện năm 2018 tiết lộ, Tân Hiệp Phát có khoảng 4.000 công nhân viên và thu về khoảng 500 triệu USD doanh thu mỗi năm, hướng đến doanh thu 1 tỷ USD trong vài năm tới. Ông Thanh đặt mục tiêu doanh thu đến 3 tỷ USD vào năm 2030.
Vì không phải công ty đại chúng nên các số liệu tài chính của Tân Hiệp Phát không được cập nhật thường xuyên. Theo những lần tiết lộ của doanh nghiệp này thì doanh thu giai đoạn 2014 - 2017 đạt khoảng gần 7.000 tỷ đồng/năm, sau đó tăng lên 8.300 tỷ đồng vào năm 2018 và tăng tiếp lên 9.200 tỷ đồng năm 2019.
Về lợi nhuận, Tân Hiệp Phát báo lãi khoảng trên dưới 1.000 tỷ đồng giai đoạn 2014 - 2016, sau đó tăng lên 2.000 tỷ đồng năm 2018 và 3.300 tỷ đồng năm 2019. Mức doanh thu của Tân Hiệp Phát tương đương Coca-Cola và bằng 1/2 so với Pepsi, tuy nhiên lợi nhuận lại bỏ xa cả hai đối thủ này nhờ tỷ suất sinh lời vượt trội.
Lùm xùm về bất động sản
Ông Trần Quí Thanh bắt đầu gia nhập ngành địa ốc vào tháng 6/2017 khi tham gia vào HĐQT của Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn. Năm 2018, lần đầu tiên Chủ tịch Tân Hiệp Phát hé lộ về việc mở thêm hướng đầu tư vào lĩnh vực bất động sản. Cũng năm này, ông Thanh trở thành thành viên trong ban chấp hành Câu lạc bộ Bất động sản TP HCM với cương vị Phó Chủ tịch.
Khi đó, ông Trần Quí Thanh tiết lộ, sẽ chọn TP HCM và Bình Dương là 2 nơi để phát triển các dòng sản phẩm bất động sản. Tân Hiệp Phát không hạn chế phân khúc sản phẩm và vai trò doanh nghiệp trong lĩnh vực này mà tất cả là theo nhu cầu và cơ hội của thị trường.
Ông Thanh tự tin, nguồn vốn và quỹ đất là 2 lợi thế lớn nhất mà Tân Hiệp Phát nắm giữ. Còn kinh nghiệm và kiến thức ở lĩnh vực này đang được ông tích lũy dần, đợi thời cơ chín muồi.
Trong năm 2018, Tân Hiệp Phát ồ ạt thành lập hơn 20 doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, với tổng vốn điều lệ 20.000 tỷ đồng. Tuy nhiên chỉ được một thời gian ngắn, vào tháng 8 – 9/2019, 10 công ty trong số này đã đột ngột công bố giải thể. Lý do được đưa ra cùng là "không có dự án để đầu tư, phát triển và về việc duy trì hoạt động của doanh nghiệp không có hiệu quả".
Tuy nhiên các dự án của Tân Hiệp Phát chưa từng ra mắt mà các lùm xùm kiện cáo đã liên tục xuất hiện. Tháng 10/2020, Bộ Công an nhận đơn của ông Lê Văn Lâm (người đại diện pháp luật của CTCP Đầu tư và Phát triển Kim Oanh Đồng Nai) tố cáo ông Trần Quí Thanh cùng một số cá nhân khác có hành vi lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản, khiến ông Lâm thiệt hại trên 1.000 tỷ đồng.
Tháng 11/2022, do hết hạn điều tra, cần làm rõ giám định thiệt hại liên quan đến những vấn đề tố cáo, Bộ Công an đã tạm đình chỉ vụ án liên quan này.
Một vụ việc khác, vào tháng 11/2020, ông Nguyễn Văn Chung (Tổng giám đốc Công ty TNHH Đo đạc, Tư vấn, Thiết kế, Xây dựng DCB) gửi đơn tố cáo bà Trần Uyên Phương cùng một số người đã cấu kết, lừa đảo chiếm đoạt hai khu đất của ông Chung tại TP HCM. Tuy nhiên khi đang thu thập xác minh bằng chứng, ông Chung đã bị Công an TP HCM khởi tố, bắt giam về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản do liên quan một vụ án khác.
Trước việc nhiều cá nhân, doanh nghiệp tố cáo người trong gia đình ông Trần Quí Thanh cho họ vay tiền với lãi suất cao rồi lấy luôn tài sản thế chấp của người vay, tháng 12/2020, Bộ Công an từng đề nghị UBND TP HCM ngăn chặn mọi biến động (giao dịch chuyển nhượng, mua, bán, cho, tặng, cầm cố, thế chấp...); yêu cầu cung cấp toàn bộ hồ sơ, pháp lý liên quan tới 33 thửa đất tại quận Bình Tân và TP Thủ Đức đều do bà Trần Uyên Phương đứng tên.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận