24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Gia Bách
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Đãi cát tìm vàng từ kết quả kinh doanh quý 2/2024, dòng tiền sẽ luân chuyển đến nhóm ngành nào?

Nếu Fed hạ lãi suất thì khả năng cao Ngân hàng Nhà nước sẽ nới lỏng tín dụng và áp lực tỷ giá sẽ hạ nhiệt. Như vậy, nhóm được hưởng lợi đầu tiên chính là ngân hàng và nhóm thứ hai sẽ là nhóm nhạy cảm với cả lãi suất - bất động sản...

Tính đến nay, đã có hơn 565 doanh nghiệp đại diện 36,6% tổng giá trị vốn hóa trên HOSE, HNX và UPCoM đưa ra ước tính kết quả kinh doanh hoặc công bố báo cáo tài chính cho quý 2/2024. Trong đó, tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của 565 doanh nghiệp này đạt 21,6% so với cùng kỳ trong quý 2/2024, cao hơn mức tăng trưởng của quý 1 trước đó 16,7%.

Mức tăng chủ yếu đến từ nhóm doanh nghiệp tài chính cụ thể là nhóm ngân hàng và chứng khoán. Trong khi đó nhóm phi tài chính tăng 8,6% so với cùng kỳ và cho thấy xu hướng đi ngang. Điều cho thấy, xu hướng lợi nhuận của thị trường tuy tăng nhưng rõ ràng có sự phân hóa rất mạnh.

Đãi cát tìm vàng từ kết quả kinh doanh quý 2/2024, dòng tiền sẽ luân chuyển đến nhóm ngành nào?

Về những kỳ vọng vào kết quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết trong quý 2/2024 và những tác động tới thị trường chứng khoán trong nửa cuối năm 2024, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Thông, Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư RTV Việt Nam.

Thị trường đang bước vào giai đoạn cao điểm của mùa báo cáo tài chính quý 2/2024. Ông đánh giá như thế nào về bức tranh lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trong kỳ kinh doanh vừa qua? Liệu đây sẽ là bức tranh “ảm đạm” hay “tươi sáng”?

Đến giờ phút này thì hầu hết các doanh nghiệp niêm yết đều đã công bố kết quả kinh doanh quý 2/2024, lưu ý rằng báo cáo tài chính quý 2 có kiểm toán, nên độ trung thực sẽ cao hơn.

Thêm vào đó, các cơ quan quản lý và Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước yêu cầu nghiêm ngặt trong việc công bố thông tin của doanh nghiệp đại chúng, do đó báo cáo tài chính đều phải ra đúng giờ. Thông thường, những doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính rồi thì thường có hoạt động tốt, ngược lại, những doanh nghiệp trễ hẹn thì thường có vấn đề.

Về bức tranh lợi nhuận quý 2/2024, tôi cho rằng sẽ đan xen cả hai mảng sáng – tối. Mảng sáng sẽ bao gồm những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tích cực so với cùng kỳ bởi tận dụng được các chính sách hỗ trợ, phục hồi kinh tế của Chính phủ và một số điều kiện ổn định vĩ mô.

Nhưng ngược lại thì một số doanh nghiệp cũng có lợi nhuận, doanh thu đi lùi. Bởi vì họ phải chịu tác động của chi phí đầu vào, nguyên - nhiên liệu và chi phí vốn tăng. Do đó, nhìn chung đây là bức tranh phân hóa tương đối mạnh, không thể nói chỉ ảm đạm hay là tươi sáng.

Sự phân hóa theo nhóm ngành là khó tránh khỏi trong bối cảnh kinh tế vĩ mô đang dần phục hồi. Theo ông, ngành nào sẽ dẫn dắt bức tranh về sức khỏe doanh nghiệp nói chung, ngành nào vẫn gặp khó khăn và tăng trưởng kém?

Nhìn vào báo cáo của những doanh nghiệp niêm yết và các động thái kinh tế vĩ mô, có thể thấy những gam màu sáng đang thiên về nhóm ngành sản xuất tiêu dùng không thiết yếu như đồ ăn, đồ uống… do nhu cầu nội địa phục hồi.

Kế đến là nhóm ngành ngân hàng, nhất là ở những nhà băng có nợ xấu kiểm soát ở mức tốt thường đi kèm với mức lợi nhuận cao.

Thứ ba là nhóm xuất khẩu mà có thị trường xuất khẩu ổn định, ví dụ như xuất khẩu đi thị trường Mỹ. Do kinh tế Mỹ trong 6 tháng đầu năm tương đối khả quan, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tại thị trường này cũng đồng thuận tăng. Điều này phản ánh rõ tại nhóm dệt may và một số doanh nghiệp thủy sản.

Bên cạnh đó, có những nhóm ngành vừa có lợi nhuận nhưng cũng đan xen nhiều thách thức là logistics và bất động sản khu công nghiệp. Bởi tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong 6 tháng đầu năm khởi sắc, đặc biệt là do hạ tầng giao thông cải thiện, các doanh nghiệp FDI muốn thuê thêm diện tích để mở rộng sản xuất kinh doanh, từ đó giá thuê cũng được nâng lên.

Ở chiều ngược lại, ngành tăng trưởng kém mà chúng ta dễ nhận thấy là công nghiệp nặng và bất động sản. Mặc dù kỳ vọng là ngày 1/8 tới đây, Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) sẽ có hiệu lực, nhưng với tốc độ như hiện tại thì phải đến quý 3 mới có tác động rõ rệt. Còn hiện nay thì bất động sản vẫn đang rất khó khăn.

Nếu tính nhóm vốn hóa lớn, vừa và nhỏ thì nhóm nào bị ảnh hưởng nặng nề hơn, vì sao?

Nhóm vốn hóa lớn hiển nhiên sẽ là nhóm có sức chịu đựng tốt hơn, bởi vì họ có tích lũy, nguồn vốn và còn khả năng chống chịu tốt hơn. Còn các doanh nghiệp có vốn hóa nhỏ và vừa thì hiện nay rất là khó khăn.

Bởi tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 cùng với sự đứt đoạn chuỗi cung ứng thì tôi cho rằng nhóm doanh nghiệp vốn hóa lớn sẽ có sức chịu đựng tốt hơn nhóm vừa và nhỏ. Tuy nhiên, sẽ có một vài doanh nghiệp cá biệt có sự tăng trưởng bứt phá, nhưng xét trên mặt bằng chung thì nhóm doanh nghiệp vốn hóa lớn sẽ có lợi thế hơn.

Với vai trò là xương sống của nền kinh tế, ông đánh giá như thế nào về kết quả kinh doanh của nhóm ngân hàng trong quý 2 vừa qua? Và triển vọng của nhóm ngành này trong 2 quý còn lại của năm 2024?

Nhìn chung, ngành ngân hàng vẫn là ngành có nhiều ưu thế hơn so với các ngành khác. Tuy nhiên, điều chúng ta có thể nhìn thấy rõ là bức tranh phân hóa khá mạnh sau 6 tháng đầu năm.

Nhiều ngân hàng phải đối mặt với thách thức vô cùng lớn khi nợ xấu liên tục tăng cao, nhưng may mắn là Quốc hội, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã gia hạn Thông tư 02, song tôi cho rằng những nhà băng này vẫn phải tăng cường trích lập dự phòng. Lúc này, nhóm ngân hàng có hệ thống quản trị rủi ro tốt sẽ vượt trội hoàn toàn so với nhóm còn lại.

Về tổng thể, tăng trưởng tín dụng hiện nay vẫn đang còn rất thấp, kế hoạch và mục tiêu đạt được còn rất xa. Đặc biệt là tốc độ tăng trưởng tín dụng 5 tháng đầu năm rất thấp, chỉ có tháng 6 “bứt tốc” mạnh, nhưng đến tháng 7 lại bắt đầu âm trở lại.

Theo đó, tôi cho rằng sự phân hóa nhóm ngành ngân hàng cũng tương đồng với nền kinh tế nói chung, và càng về nửa cuối năm thì càng rõ ràng chứ không phải là cứ ngành ngân hàng là tốt. Và cũng lưu ý rằng, không phải mọi ngân hàng đều hoạt động tốt mà sẽ phụ thuộc vào quản trị của từng ngân hàng này.

Nhận định của ông ra sao về kịch bản VN-Index trong thời gian tới? Đâu là yếu tố sẽ hỗ trợ cho thị trường chứng khoán phục hồi và đâu là những vấn đề nhà đầu tư nên lưu tâm trong những tháng còn lại của năm 2024?

Đối với thị trường chứng khoán hiện tại, chúng ta không nên quá bi quan nhưng cũng không thể lạc quan. Bởi vì chúng ta không thể tính hết được ảnh hưởng từ những yếu tố khách quan.

Tình hình địa chính trị trên thế giới hiện nay rủi ro lớn, rất nhiều sự việc xảy ra mà chúng ta không thể lường hết được. Nếu có những tiêu cực xảy ra đối với các thị trường chính mà chúng ta xuất nhập khẩu thì nó sẽ tác động rất lớn, hy vọng là không phải như vậy.

Với bối cảnh như hiện nay, tôi cho rằng chỉ số VN-Index sẽ dao động trong vùng 1.220 – 1.300 điểm.

Về các yếu trong nước, kỳ vọng rằng Chính phủ sẽ quyết liệt hơn nữa công tác giải ngân vốn đầu tư công. Có như vậy thì một số ngành nghề then chốt sẽ có tác động tích cực như ngân hàng, bất động sản, xuất nhập khẩu, đầu tư công, vật liệu xây dựng, bất động sản.

Ngoài ra, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ ngày 1/8 sẽ góp phần cải thiện cho sự khó khăn chung của ngành bất động sản. Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn phải lưu ý thận trọng đến các yếu tố địa chính trị liên quan đến bầu cử tổng thống Mỹ hoặc là các xung đột nóng trên thế giới.

Khả năng cao, trong quý 3, thị trường chứng khoán sẽ rơi vào vùng trũng và chỉ có thể sáng nước vào cuối quý 4, tức là sau tháng 11 trở đi - khi bầu cử tổng thống Mỹ kết thúc và chúng ta cũng đã có những điều chỉnh về kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công vào ngày 31/10. Lúc đấy, chúng ta mới biết rõ ràng là nên tiếp tục đẩy mạnh hơn hay là phải bổ sung, thay đổi chính sách.

Theo dự báo của ông, nhóm ngành nào sẽ dẫn dắt dòng tiền trong giai đoạn nửa cuối năm 2024?

Liên quan đến việc thay đổi chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong tháng 9 tới đây, nếu Fed hạ lãi suất thì khả năng cao Ngân hàng Nhà nước sẽ nới lỏng tín dụng và áp lực tỷ giá sẽ hạ nhiệt.

Như vậy, nhóm được hưởng lợi đầu tiên chính là ngân hàng và nhóm thứ hai sẽ là nhóm nhạy cảm với cả lãi suất - bất động sản. Tuy nhiên, đó chỉ là những yếu tố chờ đợi, song tôi kỳ vọng nhóm ngân hàng và bất động sản khu công nghiệp sẽ dẫn dắt dòng tiền vì đây là hai nhóm lớn và ít rủi ro nhất.

Bên cạnh đó, nhóm công nghệ và ngành sản xuất tiêu dùng không thiết yếu sẽ có triển vọng tích cực. Dẫu vậy, đây là lại những nhóm ngành có quy mô nhỏ trên thị trường chứng khoán nên khó tác động tích cực lớn đến thị trường chung.

Vậy các nhà đầu tư nên tiếp tục chiến lược như thế nào với thị trường chứng khoán?

Trong thời gian tới, nhà đầu tư nên duy trì tâm lý thận trọng và bám sát liên tục, không nên mạo hiểm lúc này. Đây là giai đoạn phải kiên nhẫn, cho đến khi thị trường đón nhận những tín hiệu rõ ràng hơn về chính sách vĩ mô và các chỉ số kinh tế được cải thiện.

Nhà đầu tư phải cảnh giác cao độ, không gia tăng tỷ trọng cổ phiếu, giữ danh mục ở mức cân bằng; cũng không cần hạ tỷ trọng vì thị trường cũng chưa có tín hiệu phải cắt lỗ hay bán phá.

Xin cảm ơn ông!

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
1,228.10 -0.23 (-0.02%)
221.29 -0.47 (-0.21%)
prev
next

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả