menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Hồng Nhung

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa: Cần đánh giá chi phí khi xây dựng luật

Luật sư Trương Trọng Nghĩa đề nghị Quốc hội buộc cơ quan đề xuất xây dựng dự thảo hoặc sửa đổi luật phải đối chiếu, phân tích giữa chi phí và lợi ích.

Thảo luận tại Quốc hội sáng 24/5, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng việc đánh giá chi phí và lợi ích khi xây dựng dự án luật phải được coi là nguyên tắc xuyên suốt công tác lập pháp. Lý do, khi làm mới hoặc bổ sung, sửa đổi một đạo luật tốn rất nhiều chi phí, trải qua nhiều quá trình từ xây dựng đề án, soạn thảo, thông qua đến thực hiện luật.

Chi phí của quá trình thực hiện luật gồm cả việc ban hành, phổ biến, huấn luyện, giáo dục; việc tuân thủ, như luật quy định phải công chứng, bỏ biểu mẫu cũ, làm biểu mẫu mới, tư vấn luật sư để hiểu và làm đúng luật mới. Ngoài ra, còn chi phí khi xử lý tranh chấp, sai phạm phát sinh khi áp dụng luật mới; xử lý chồng chéo, xung đột giữa luật mới với luật hiện hành, cản trở quan hệ kinh tế, xã hội.

"Phí tổn phát sinh dưới nhiều dạng, ở nhiều khu vực, gồm cả ngân sách công, khu vực tư, xã hội, người dân. Tuy nhiên, việc này thường không được quan tâm đầy đủ", ông Nghĩa nói. Ngoài ra, còn kinh phí của ngân sách trung ương và địa phương; bằng tiền và không bằng tiền hoặc không đo được bằng tiền; phí nhìn thấy được và không nhìn thấy được như tâm lý xã hội của người dân, doanh nghiệp cũng gây ra thiệt hại.

Do đó, đại biểu TP HCM đề nghị khi xây dựng dự án luật, các cơ quan cần đánh giá lợi ích cho đất nước, nền kinh tế, quản lý nhà nước, người dân; lợi ích ngắn, trung, dài hạn; lợi ích chuyên ngành và tổng thể; lợi ích kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, an ninh, quốc phòng; tác động trong nước và quốc tế.

Theo ông Nghĩa, có những quy định khiến cho các lợi ích mâu thuẫn, triệt tiêu nhau, được về ngắn hạn nhưng hại về dài hạn; lợi cho quản lý nhà nước nhưng thiệt hại quyền tự do, dân chủ, hiến định của người dân. Vì vậy, Quốc hội cần yêu cầu cơ quan trình sáng kiến lập pháp hoặc dự án luật phải cung cấp thông tin được lượng hóa, đánh giá nhiều chiều khách quan, khoa học. Trên cơ sở này, Thường vụ và Quốc hội sẽ quyết định có đưa dự án luật vào chương trình xây dựng hoặc thông qua dự luật hay không.

"Các cơ quan của Quốc hội cần mời chuyên gia phản biện chuyên môn, nhất là về so sánh phí tổn và lợi ích", ông Nghĩa nói, nêu thực trạng hiện nay khi đề xuất xây dựng luật, phần đánh giá tác động, thông tin về chi phí "thường bị xem nhẹ, rất chung chung, chủ yếu nói đến lợi ích một chiều, rất khó để đại biểu đủ thông tin phản biện".

Có những đạo luật ra đời thuận tiện cho cơ quan quản lý nhà nước, nhưng rất bất tiện cho người dân. Có đạo luật bị rơi vào quên lãng, hoặc chỉ vận hành như một loại chính sách, hay biện pháp hành chính, không phải là đạo luật đúng nghĩa. "Những đạo luật này gây lãng phí công sức, tiền nhà nước, xã hội và nhân dân", ông Nghĩa nói.

Việt Nam phát triển nhất ASEAN, tăng trưởng kinh tế khá cao, xuất khẩu, thu hút đầu tư nhiều, quy mô kinh tế lớn hơn nhiều nước, nhưng dân vẫn nghèo. Theo ông Nghĩa, một trong những nguyên nhân là nhà nước, doanh nghiệp, người dân phải chịu chi phí quá nhiều, trong đó có công tác lập pháp. Vì vậy, việc đánh giá chi phí khi xây dựng luật, vất vả hơn, nhưng chất lượng, hiệu quả cao hơn; người dân, doanh nghiệp trong và ngoài nước hài lòng hơn.

Đại biểu Lê Thanh Vân thì cho rằng thành phần ban soạn thảo luật phải mở rộng hơn, chú trọng đến nhà khoa học, đặc biệt là những nhóm chịu sự điều chỉnh. "Quy định pháp luật tác động đến họ thì phải để họ lên tiếng, chứ không thể để những người nắm giữ công cụ được quyền sửa đổi công cụ, còn người chịu tác động không được lên tiếng", ông Vân nói.

Đại biểu Vân đề nghị các dự luật phải được lấy ý kiến nhân dân rộng rãi. "Luật Trưng cầu dân ý đã có nhưng chưa sử dụng đến. Đối với những đạo luật tác động đến đời sống nhân dân thì cần trưng cầu dân ý chứ không phải hình thức, nhỏ hẹp như vừa qua", ông Vân nói, cho rằng phải tăng cường giám sát việc phát hành các văn bản quy phạm pháp luật, để kiểm tra lại các quy định Quốc hội đã thông qua và việc tổ chức thực hiện.

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết Chính phủ, Thủ tướng nhiệm kỳ này chú trọng công tác xây dựng thể chế, số lượng cuộc họp về công tác này rất nhiều, cách làm cũng có điểm khác, là sự cố gắng lớn của Chính phủ và nhận được sự đồng thuận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại