Đại biểu Quốc hội trăn trở vì tài sản công bị lãng phí trầm trọng
Một số đại biểu nêu thực trạng thất thoát, lãng phí tài sản ở khu vực công nhiều và trầm trọng hơn khu vực tư, rõ nhất là các dự án chậm tiến độ.
Sáng 31/10, thảo luận tại Quốc hội, đại biểu Nguyễn thị Việt Nga (Phó đoàn Hải Dương) băn khoăn khi việc tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã được chú trọng, chất lượng từng bước được nâng cao, nhưng lãng phí khu vực công vẫn xảy ra, từ nợ đọng thuế, thất thu thuế đến hàng nghìn dự án chậm tiến độ. Trong nhiều dự án đầu tư công không hiệu quả, có các khu nhà ở, ký túc xá sinh viên.
Nguyên nhân là một bộ phận cán bộ có lối sống ích kỷ, thực dụng, chỉ quan tâm đến quyền lợi vật chất của bản thân, không vì tập thể, không nỗ lực vì lợi ích chung. "Tiết kiệm, chống lãng phí khu vực công đòi hỏi con người phải đặt lợi ích cộng đồng, tập thể, quốc gia lên trên hết để nỗ lực trong việc nhỏ nhất là tiết kiệm thời gian, đến những vấn đề lớn hơn là sử dụng hợp lý mọi tài sản công", bà Nga nói.
Nữ đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo dứt khoát, sớm đưa các dự án chậm tiến độ vào sử dụng để tránh lãng phí. Các cơ quan cũng cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu quả giám sát, kiểm tra, thanh tra, điều tra, xét xử; đồng thời đặc biệt chú ý đến nâng cao đạo đức con người, phát triển văn hóa, bởi đây là gốc của chống lãng phí, nhất là khu vực công.
Tranh luận với bà Nga, đại biểu Nguyễn Việt Thắng (Phó bí thư Huyện ủy An Biên, Kiên Giang) đồng tình tính ích kỷ là một trong những nguyên nhân dẫn đến lãng phí tài sản công. Tuy nhiên, theo ông Thắng nguyên nhân chủ yếu, xuyên suốt là thể chế liên quan đến tài sản công còn nhiều bất cập.
Kết quả giám sát cho thấy việc tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật về định mức kỹ thuật đơn giá, kinh tế kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, chưa đầy đủ, thiếu chặt chẽ, khiến tài sản nhà nước, đất đai, tài nguyên khoáng sản... bị thất thoát lớn.
Năm 2019, các bộ ngành còn nợ 9 văn bản hướng dẫn các luật. Năm 2020, các đơn vị còn nợ 7 nghị định và 30 văn bản quy định chi tiết. Kiểm toán Nhà nước chỉ ra hàng loạt cơ chế, chính sách với nhiều lĩnh vực như đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng về xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT), xây khu đô thị, đất đai, khoáng sản... còn lãng phí.
Vì vậy, ông Thắng kiến nghị nghiên cứu chế tài xử lý tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm, vi phạm quy định về ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Chính phủ cần bổ sung nguồn lực kinh tế xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, chú trọng đội ngũ pháp chế. Các cơ quan cần thực hiện nghiêm luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm khắc phục triệt để tình trạng luật có hiệu lực nhưng chờ văn bản hướng dẫn mới thực hiện được.
Lãng phí trụ sở công
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (Phó đoàn Vĩnh Phúc) đánh giá, giai đoạn 2016-2021, việc rà soát, thu hồi, điều chuyển trụ sở dôi dư có chuyển biến tích cực. Đến giữa năm 2019, bộ ngành, địa phương đã kê khai và đề xuất xử lý 202.600 cơ sở nhà đất với tổng diện tích 7.200 triệu m2 đất và 276 triệu m2 nhà. Các cấp có thẩm quyền đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với trên 150.000 cơ sở.
Tuy nhiên, việc bố trí trụ sở làm việc của đơn vị hành chính sau sáp nhập còn bất cập. Có những địa phương trụ sở làm việc bị phân tán do duy trì hai đến ba nơi làm việc như trước sắp xếp. Có địa phương đã hoàn thành sắp xếp, ổn định trụ sở làm việc thì lại chật chội, không đáp ứng yêu cầu do số lượng cán bộ, công chức mới tăng lên, trong khi đó nhiều trụ sở bị sáp nhập lại bỏ không. Việc thanh lý, bán đấu giá tài sản công, dôi dư sau sắp xếp còn gặp khó khăn do nằm ở khu vực có điều kiện kinh tế kém phát triển.
Dù một số trụ sở bỏ hoang, có cơ quan ngành dọc trung ương đóng ở các tỉnh lại rất nhỏ hẹp, không đủ diện tích, ảnh hưởng đến chất lượng làm việc của cán bộ công chức. Đơn cử như một số chi cục thi hành án dân sự cấp huyện trên đã được xây dựng từ năm 2011, với quy mô cho 4-5 biên chế, nay do công việc nhiều hơn nên đã có 10 biên chế nên không gian làm việc rất chật hẹp. Có đơn vị phải đi thuê kho, trong khi đó là nơi lưu giữ vật chứng phục vụ xét xử, và tạm giữ tài sản thi hành án dân sự.
Ngược lại, có cơ quan ngành dọc ở địa phương sau khi được bố trí trụ sở mới nhưng không bàn giao trụ sở cũ cho địa phương. Nhiều khu đất có vị trí đắc địa, là đất vàng ở các trung tâm đô thị nhưng bị bỏ hoang nhiều năm gây lãng phí nguồn lực.
Phó đoàn Vĩnh Phúc cho rằng nguyên nhân chủ yếu của thực trạng trên là do sự thiếu quyết liệt trong chỉ đạo điều hành của cấp có thẩm quyền. Ông đề nghị Chính phủ chỉ đạo bộ ngành có trụ sở dôi dư nhanh chóng bàn giao cho địa phương để sử dụng, tránh lãng phí nguồn lực; kiên quyết xử lý tổ chức, cá nhân không thực hiện.
Chung ý kiến, đại biểu Nguyễn Tạo (phó đoàn Lâm Đồng) nói nguồn lực về nhà cửa, đất đai đang bị lãng phí rất lớn, không chỉ ảnh hưởng đến nguồn lực phát triển mà còn gây nhiều hệ lụy như tham nhũng, tiêu cực, thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm, lạm dụng chính sách. Các vụ sai phạm của cán bộ gần đây đều có bóng dáng của quản lý nhà đất.
Theo phụ lục báo cáo kết quả giám sát, có 28.000 ha của 900 dự án, công trình chậm, không đưa đất vào sử dụng, nhiều dự án để đất hoang hóa. Trong khi chính sách pháp luật đất đai còn nhiều bất cập, như quy hoạch, quản lý quy hoạch đất đai, tình trạng phân lô bán nền, đầu cơ, sử dụng không đúng mục đích chưa được xử lý kịp thời...
Lấy ví dụ ngay tại Lâm Đồng, ông Tạo nói có hai sân bay và một khách sạn thuộc đất quốc phòng, nằm ngay giữa khu vực trung tâm hai thành phố lớn là Đà Lạt và Bảo Lộc đã bị lấn chiếm sử dụng không đúng mục đích gây lãng phí. Đó là sân bay Cam Ly (TP Đà Lạt) có 53 ha thì bị lấn chiếm khoảng 40 ha. Sân bay phường Lộc Phát (TP Bảo Lộc) có 35 ha thì gần như bị lấn chiếm toàn bộ...
"Những việc trên đã được kiến nghị 5 năm liên tục nhưng chưa được cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý, gây bức xúc trong dư luận xã hội và cử tri", ông Tạo nói.
Chiều nay, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021. Một số Bộ trưởng, trường ngành sẽ giải trình các vấn đề mà đại biểu nêu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận