Đại biểu Quốc hội: 'Nhanh chóng sửa Nghị định 24 về quản lý kinh doanh vàng'
Sáng 23/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận tại tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2024.
Đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai. Ảnh: quochoi.vn
Cho ý kiến tại tổ, đại biểu Nguyễn Như So - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh đánh giá, năm 2024, để thực hiện mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP từ 6-6,5% đòi hỏi phải triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp.
Ưu tiên hàng đầu là phải thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm vực dậy, bồi dưỡng và nuôi lớn các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nội địa, doanh nghiệp lõi của chiến lược an ninh lương thực, thực phẩm.
Muốn thế, bên cạnh những giải pháp về phát triển thị trường, tập trung đất đai, xây dựng thương hiệu, Chính phủ cần tập trung giải quyết triệt để bài toán thiếu vốn và lành mạnh hóa môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp.
Đại biểu đề xuất, cần giảm thêm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp nội địa sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, chế biến, có đơn hàng xuất khẩu, các doanh nghiệp áp dụng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, tín chỉ carbon và xây dựng nhà ở xã hội.
Cùng với đó, Chính phủ cần tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư minh bạch, tạo niềm tin cho doanh nghiệp.
"Các giải pháp về vốn, thuế, phí chỉ mang tính thời điểm, về dài hạn, giải pháp căn cơ, then chốt vẫn phải là tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, khơi thông nguồn lực cho doanh nghiệp yên tâm đầu tư. Đây mới là sự hỗ trợ ít tốn kém nhất, có tác động lan tỏa nhất," đại biểu Bắc Ninh nêu quan điểm.
Đại biểu Nguyễn Như So - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: quochoi.vn
Nêu ý kiến về quản lý thị trường vàng, đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội nhấn mạnh, cần đặc biệt lưu tâm đến giá vàng tăng bất thường càng ngày càng chênh lệch cao so với giá vàng thế giới và phải có biện pháp điều tiết đưa giá vàng ngang bằng với thế giới một cách linh hoạt.
Theo đại biểu, vừa qua, Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng để tăng nguồn cung cho thị trường nhưng lại xảy ra nghịch lý cứ sau đấu thầu giá vàng lại tăng, vì giá sàn cao nên doanh nghiệp trúng thầu phải bán giá cao hơn.
Do vậy, sắp tới có thể áp dụng đấu thầu ngược như đơn vị nào mua vàng xong bán sát giá tham chiếu nhất sẽ trúng thầu. Đặc biệt, về dài hạn phải sửa Nghị định 24/NĐ-CP, đại biểu Hoàng Văn Cường kiến nghị.
Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội
Cũng quan tâm đến nội dung này, đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai nói rằng, cần nghiên cứu, tính toán lại việc độc quyền vàng miếng theo thương hiệu hiện nay, nhằm tránh tình trạng buôn lậu, tránh tình trạng phụ thuộc vào một vài nhà phân phối.
Theo đại biểu, giải pháp căn cơ nhất là cần đánh giá rất kỹ và nhanh chóng sửa Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. "Phải xem xét việc độc quyền vàng miếng. Việc đấu giá để đưa giá vàng đi xuống cũng không phải là giải pháp tốt," đại biểu đặt vấn đề.
Cũng theo đại biểu Đồng Nai, không nên dùng từ "thị trường vàng" vì nhu cầu, tâm lý của một nhóm nhỏ trong xã hội khi muốn tích trữ, kinh doanh vàng, tìm lợi từ vàng miếng mà đưa ra những hành động có tính chất phi thị trường. Đặc biệt, không nên cổ súy việc biến vàng miếng trở thành một loại hàng hóa.
Theo đại biểu Trịnh Xuân An, nên hiểu đây là một loại hình kinh doanh có điều kiện và vàng là một đối tượng đặc biệt. Do vậy, phải tính toán hết sức kỹ lưỡng cách thức vận hành và phải quản lý bài bản, phù hợp, có lộ trình vàng miếng trong điều kiện hiện nay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận