24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hà Minh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Đại biểu Quốc hội lo dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam "đội vốn", chậm tiến độ

Từ các dự án đường sắt đô thị chậm tiến độ, đội vốn, các đại biểu lo ngại tình trạng tương tự có thể tái diễn với dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Ngày 13-11, thảo luận tại tổ về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, các đại biểu Quốc hội đoàn TP Hà Nội đồng tình với sự cần thiết đầu tư xây dựng tuyến đường sắt này.

Với đặc thù địa hình Việt Nam trải dài từ Bắc vào Nam, đại biểu Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, cho rằng dự án đường sắt tốc độ cao sẽ tạo ra sự kết nối, lan tỏa trong phát triển kinh tế - xã hội, tránh tình trạng như hiện nay chỉ tập trung vào một số tỉnh, thành phố lớn theo chiều dọc đất nước.

Đại biểu Quốc hội lo dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam "đội vốn", chậm tiến độ

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường

Bên cạnh đó, nút thắt về logistics sẽ được tháo gỡ khi dự án này hoàn thành. Đại biểu Hoàng Văn Cường cũng đề nghị trong Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án này, cần nêu rõ dự án đường sắt này sẽ vận chuyển hành khách, vận chuyển hàng hoá.

Về phương thức đầu tư, đại biểu Cường dẫn trường hợp các dự án đường sắt đô thị như Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - Ga Hà Nội, Bến Thành - Suối Tiên chậm tiến độ nhiều năm, đội vốn để bày tỏ lo ngại.

Theo ông Hoàng Văn Cường, điểm cốt lõi là cần chuyển giao công nghệ, chúng ta cần làm chủ quá trình đầu tư, tránh việc phục thuộc vào công nghệ từ thời điểm đầu tư cho đến khi vận hành, khai thác.

"Chúng ta hợp tác với nước nào không quan trọng, nhưng cần chuyển giao công nghệ cho Việt Nam. Nếu như vậy thì mới đảm bảo dự án triển khai đúng tiến độ. Còn không thực hiện được việc này, từ đầu tư đến vận hành, sữa chữa, bảo hành về sau sẽ phải phụ thuộc, có thể trở thành "món nợ" về sau"- đại biểu Hoàng Văn Cường nêu rõ.

Vị đại biểu đoàn Hà Nội cũng lưu ý dự án đường sắt tốc độ cao này cần tính toán đến nhu cầu thực tế của các địa phương hiện chưa có sân bay, bởi đây sẽ là phương thức bổ trợ cho hàng không.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường (đoàn TP Hà Nội) nhìn nhận đây là thời điểm chín muồi để thực hiện đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Theo ông Thường, dự án với tổng mức đầu tư hơn 67 tỉ USD, mỗi năm phân bổ hơn 6 tỉ USD, là con số rất lớn. Song đây được xác định là dự án mang tính biểu tượng, động lực phát triển cho đất nước trong giai đoạn mới

"Nếu dự án triển khai tốt, sẽ phát huy vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Nếu như triển khai có những rủi ro, thì hệ lụy là chúng ta sẽ phải xử lý trong tương lai"- đại biểu Nguyễn Phi Thường nêu rõ.

Đại biểu Quốc hội lo dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam "đội vốn", chậm tiến độ

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phi Thường băn khoăn về vấn đề chuyển giao công nghệ, lo ngại đội vốn

Ông Nguyễn Phi Thường cũng đồng tình với đại biểu Hoàng Văn Cường về việc cần chuyển giao công nghệ. Ông cũng nhắc đến các dự án đường sắt đô thị hiện nay như Nhổn - Ga Hà Nội, Cát Linh - Hà Đông, Bến Thành - Suối Tiên chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật chung, mỗi dự án là công nghệ của một nước. Vấn đề chuyển giao ở các dự án này hiện chỉ dừng lại ở mức khai thác, vận hành tuyến. Trong trường hợp phải thay thế các hạng mục kỹ thuật phải phụ thuộc nhà sản xuất nước ngoài.

Về vấn đề đội vốn, đại biểu Nguyễn Phi Thường cho biết ngay cả ở Mỹ, dự án đường sắt cũng đội vốn gấp 2,2 lần so với ban đầu. Ở trong nước, theo ông Thường, các dự án đường sắt đô thị đều đội vốn. "Do đó, việc đưa ra tổng mức đầu tư hơn 67 tỉ USD cần có nhiều giải pháp đi kèm"- ông Thường nêu quan điểm.

Theo đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, dự án rất cần thiết, lợi ích lan tỏa xã hội lớn. Tuy nhiên, ông cũng lo ngại về năng lực quản trị của dự án, nhân lực vận hành, chuyển giao công nghệ và làm chủ công nghệ ra sao, để Việt Nam có thể tự lực tự cường xây dựng nền công nghiệp đường sắt do người Việt Nam vận hành và tự xử lý các vấn đề.

Đại biểu Hùng nhấn mạnh dự án vô cùng lớn nên người dân rất lo lắng. Ông cũng dẫn chứng dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông khởi công chính thức năm 2011 dự kiến hoàn thành 2015, nhưng sau 12 lần lỡ hẹn mới chạy chính thức. Dự kiến nguồn vốn ban đầu dự án là 553 triệu USD nhưng sau đó lên 868 triệu USD. Dự án Nhổn - ga Hà Nội cũng 14 lần lỡ hẹn, khởi công năm 2006 dự kiến hoàn thành 2010, nhưng tới nay chưa vận hành toàn tuyến.

"Cả hai dự án đường sắt đô thị nội đô dù không thể so với đường sắt tốc độ cao nhưng đều kéo dài thời gian và đội vốn. Do đó, cần sự chuẩn bị rất kỹ để hoàn thành dự án đường sắt tốc độ cao"- đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng băn khoăn.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng nhìn nhận hồ sơ Bộ Giao thông vận tải trình và đánh giá rất lạc quan, màu hồng. Tuy nhiên, cần đánh giá những rủi ro có thể gặp phải trong quá trình triển khai dự án về vốn, nhân lực, giải phóng mặt bằng, tái định cư, công nghệ.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả