Đặc sản vải thiều Hải Dương bán trên sàn Lazada có giá 150.000 đồng/kg
Từ ngày 14/5/2021, vải thiều Thanh Hà của Hải Dương được mở bán trên nền tảng Lazada với giá niêm yết là 150.000 đồng/kg. Đây cũng là năm đầu tiên tỉnh Hải Dương triển khai tiêu thụ vải thông qua sàn thương mại điện tử.
Để đưa loại quả đặc sản nức tiếng ở Hải Dương này lên sàn thương mại điện tử (TMĐT) Lazada, Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Rồng Đỏ (Công ty Rồng Đỏ) vừa là đầu mối thu mua, vừa trực tiếp hỗ trợ khâu đóng gói, vận chuyển, kho lạnh, đảm bảo quy cách để đưa sản phẩm tươi đến tay người tiêu dùng với chất lượng tốt nhất.
Giá vải thiều Hải Dương đang được bán trực tuyến trên sàn Lazada với giá niêm yết 150.000 đồng/kg.
Phía Lazada là đơn vị đầu tiên chính thức đưa vải thiều Thanh Hà lên nền tảng TMĐT.
Theo đó, Lazada dự kiến sẽ phân phối vải thiều Thanh Hà với hình thức giao hàng nhanh trong 4 giờ đến tận tay người tiêu dùng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh để đảm bảo tối đa sự tươi ngon và hương vị đặc trưng của loại đặc sản này.
Bên cạnh đó, Lazada cũng sẽ triển khai các hoạt động quảng bá sản phẩm tới hàng triệu người tiêu dùng.
Việc đưa đặc sản vài thiều Thanh Hà lên sàn TMĐT Lazada đã được Cục Xúc tiến thương mại (XTTM) – Bộ Công Thương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Công Thương tỉnh Hải Dương, Công ty Rồng Đỏ và nền tảng TMĐT Lazada Việt Nam triển khai.
Theo đó, từ đầu tháng 4/2021, Cục XTTM đã làm việc và hỗ trợ các sàn TMĐT kết nối với các đơn vị sản xuất tại Hải Dương, liên kết với những doanh nghiệp thu mua với cơ sở vật chất đảm bảo cho hoạt động quản lý chất lượng.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, việc đưa sản phẩm nông sản lên sàn TMĐT là một nỗ lực lớn của các bên. Trên thực tế, Cục XTTM đã phối hợp với các sàn TMĐT kết nối với các chuỗi cung ứng, đảm bảo hệ thống kho bãi đáp ứng yêu cầu kinh doanh trên TMĐT.
Việc đưa nông sản lên sàn TMĐT tạo thêm một kênh phân phối bền vững cho sản phẩm tiềm năng của các địa phương. Bên cạnh đó, hoạt động này sẽ góp phần nâng cao năng lực chuyển đổi số cho các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và đặc biệt khuyến khích tinh thần “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Ngoài ra, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp và các hợp tác xã, Cục XTTM đã mở các gian hàng trong khuôn khổ chương trình cấp quốc gia về XTTM nhằm hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn các đơn vị lên sàn TMĐT thành công thông qua gian hàng chung này.
Đặc biệt, từ những thành công trên gian hàng chung, các hoạt động hướng dẫn, đào tạo sẽ được triển khai đồng bộ, từng bước hướng dẫn DN và hợp tác xã tự vận hành gian hàng của mình hiệu quả.
Đóng gói, dán tem vải thiều Thanh Hà.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp kiểm soát chất lượng, theo dõi nhật ký sản xuất, chống hàng giả hàng nhái và kém chất lượng trên sàn TMĐT, Cục XTTM đã phát triển hệ thống xúc tiến thương mại.
Hệ thống này cũng nhằm hỗ trợ người tiêu dùng có đầy đủ thông tin minh bạch về sản phẩm từ nguồn nguyên liệu, sản xuất, chế biến…
Với sản phẩm vải thiều Thanh Hà và một số sản phẩm tiêu biểu của Hải Dương, các cán bộ của Cục XTTM đã tập huấn, hướng dẫn thực địa và trực tiếp hỗ trợ các đơn vị sản xuất của Hải dương nhập dữ liệu từ nhiều tháng nay.
Việc áp dụng xúc tiến thương mại cho sản phẩm nông sản của Hải Dương cũng đã dược triển khai cho các nông sản khác như bắp cải, su hào, cà rốt trong thời gian hỗ trợ Hải Dương thời gian diễn ra cách ly do dịch bệnh, tiêu thụ sản phẩm vụ Thu - Đông vừa qua.
Trong nỗ lực đưa sản phẩm vải thiều Thanh Hà và một số sản phẩm tiêu biểu khác của Hải Dương lên sàn TMĐT, Cục XTTM hỗ trợ toàn bộ các khâu tư vấn kỹ thuật, hướng dẫn nhập liệu và tem nhãn cho sản phẩm.
Quét mã QR code xác minh nguồn gốc vải bán trên sàn Lazada.
Mới đây, theo báo cáo của huyện Thanh Hà, năm 2021, sản lượng vải của huyện Thanh Hà dự kiến đạt 40.000 tấn, trong đó có có 25.000 tấn vải sớm; 15.000 tấn vải chính vụ, tăng khoảng 12.000 tấn so với cùng kỳ năm 2020.
Hiện nay, huyện Thanh Hà đang duy trì 17 vùng vải với diện tích 155,2 ha đã được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu đến các nước Mỹ, Úc, Nhật Bản... và tiếp tục xây dựng 17 vùng với diện tích 244.8 ha. Trong đó, huyện lựa chọn 5 vùng (diện tích 51 ha) để thực hiện sản xuất vải theo tiêu chuẩn GlobalGAP.
Dự kiến năm nay, trà vải sớm (vải U trứng) của huyện cho thu hoạch từ 5/5-10/5; trà vải nhỡ (vải U hồng, vải U thâm) cho thu hoạch từ 20/5, rộ từ 25/5; trà vải Tàu lai cho thu hoạch từ 01/6, rộ từ 5/6; trà vải chính vụ (vải thiều) cho thu từ 05/6, rộ từ 10/6.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận