Đà tăng của VN-Index có thể không như kỳ vọng?
Thị trường chứng khoán chưa có quá nhiều tín hiệu tích cực khiến tâm lý e dè, giằng co kéo dài thời gian qua. Trong khi đó, kết quả kinh doanh quý II và 6 tháng đầu năm nay trước đó được đánh giá sẽ mang tới sức bật cho VN-Index lại được dự báo là không như kỳ vọng, gây cản trở cho chỉ số chính.
Chị Thùy Linh (45 tuổi, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) - một nhà đầu tư lâu năm cho biết, chị vẫn “đứng ngoài” thị trường trong thời gian qua và quyết định chưa vội vào trong thời gian tới, bởi lẽ thị trường đang thực sự khó đoán, không biết đường nào mà “đánh”
Nhà đầu tư e dè, thanh khoản thu hẹp
“Trước mắt phải bảo toàn tài sản, quan sát diễn biến các cổ phiếu đang nắm giữ, nếu thấy “có biến” thì tôi sẽ hạ tỷ trọng xuống", chị Linh nói.
Chung suy nghĩ, chị Lan Hương (48 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) quyết định "đứng ngoài" chờ khi thị trường chưa có dấu hiệu tăng trưởng nào rõ rệt.
Dạo quanh một vòng các hội nhóm chứng khoán, tinh thần của các “chứng sĩ” hầu hết vẫn ở thế phòng thủ. Một số khác tận dụng cơ hội để "gom" những cổ phiếu tiềm năng nhưng vẫn tỏ ra thận trọng.
“Tôi vẫn tranh thủ cơ hội thị trường điều chỉnh để mua vào những cổ phiếu có tiềm năng. Mặc dù tính toán để phân loại cổ phiếu nào để đầu tư dài hạn, cổ phiếu nào để “trading” ngắn hạn nhằm "lướt sóng", nhưng tôi vẫn cảm thấy chưa thực sự yên tâm và luôn có tâm thế thận trọng nếu thị trường có chuyển biến xấu bất ngờ”, anh Mạnh Hòa (42 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) cho biết.
Nhìn lại tuần giao dịch trước, đà tăng từ nhóm vốn hóa lớn giúp VN-Index duy trì sắc xanh trong cả 5 phiên giao dịch với mức tăng tổng cộng 37,7 điểm, tương đương 3,03%, lên mốc 1.283 điểm.
Tuy nhiên, thanh khoản thị trường lại có phần thu hẹp, cho thấy sự thận trọng của nhà đầu tư khi giá trị khớp lệnh trung bình trên sàn HoSE chỉ còn chưa tới 13.200 tỷ đồng/phiên, mức thấp chưa từng thấy kể từ tuần cuối cùng của năm 2023.
Cho tới phiên 10/7, VN-Index quay đầu giảm về mốc dưới 1.290 điểm sau chuỗi tăng 7 phiên liên tiếp cho thấy tâm lý dè chừng của giới đầu tư. Sang phiên 11/7, diễn biến thị trường tiếp tục ảm đạm với dòng tiền yếu đẩy VN-Index kết phiên trong “sắc đỏ”.
Theo giới phân tích, thị trường chưa có quá nhiều tín hiệu tích cực khiến tâm lý e dè, giằng co kéo dài thời gian qua. Nhà đầu tư cần thận trọng khi giao dịch trong thời điểm này. Hiện, các nhà đầu tư đang hướng sự quan tâm tới mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II và 6 tháng đầu năm nay dần được các doanh nghiệp công bố.
"Bức tranh lợi nhuận quý II" đặt ra một trở ngại đáng kể
Trong báo cáo chiến lược mới công bố gần đây, Chứng khoán Mirae Asset (MASVN) nhận xét, hiện tại, VN-Index đang giao dịch dưới tỷ lệ P/E trung bình 10 năm tạo thêm dư địa cho đà tăng ở nửa cuối 2024. Dù vậy, thị trường sẽ cần có những câu chuyện mới để hiện thực hóa vùng giá mục tiêu trên.
Thêm vào đó, đội ngũ phân tích cho rằng động lực thúc đẩy tăng trưởng sẽ có phần kém mạnh mẽ hơn với hành động giá có khả năng dao động trong biên độ lớn, dẫn tới một chu kỳ đi ngang và tích lũy. Xu hướng này được dự báo sẽ kéo dài tới giữa tháng 7, khi thị trường bước vào giai đoạn vùng trống thông tin và tâm lý giao dịch chung sẽ có phần thận trọng trước mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II.
Mặt khác, việc thị trường thiếu đi những nhịp tăng điểm mạnh mẽ phần lớn có thể do chịu ảnh hưởng từ diễn biến giao dịch của các cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc nhóm Ngân hàng và Bất động sản. Các nhóm ngành khác có thể ghi nhận triển vọng tích cực hơn song tác động tổng thể vẫn còn hạn chế so với tỷ trọng vốn hóa thị trường lên đến 51% của 2 nhóm này.
Cụ thể, đối với ngành Ngân hàng, mặc dù ghi nhận tăng trưởng tín dụng tăng tốc trong nửa đầu tháng 6 lên 3,79% từ cuối năm 2023 (cải thiện từ mức 2,41% vào cuối tháng 5), nhưng diễn biến này sẽ khó được phản ánh trong lợi nhuận quý II.
Báo cáo cũng cho biết các tin tức tích cực đến từ bức tranh lợi nhuận của quý I/2024 đã được chiết khấu vào giá, trong khi triển vọng cho quý II/2024 có phần ảm đạm hơn. Vì thế, có khả năng gây áp lực lên lợi nhuận của ngành ngân hàng trong quý II, từ đó hạn chế sự tăng trưởng lợi nhuận tổng thể của VN-Index.
Ngoài ra, triển vọng đối với ngành Bất động sản vẫn chưa thực sự khởi sắc trong khi chờ đợi thông tin rõ ràng hơn về việc áp dụng sớm 3 luật quan trọng: Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh Bất động sản 2023.
“Bức tranh lợi nhuận quý II đặt ra một trở ngại đáng kể cho VN-Index trong 2 tháng tới”, báo cáo của Chứng khoán Mirae Asset nêu.
Tương tự, Chứng khoán KBSV hạ dự báo tăng trưởng EPS bình quân các doanh nghiệp niêm yết xuống 14% (từ mức 19% đưa ra trong báo cáo gần nhất) sau khi số liệu quý I công bố không lạc quan như kỳ vọng. Việc giảm dự phóng này cũng phản ánh quan điểm thận trọng hơn về 2 ngành vốn hoá lớn là Ngân hàng, Bất động sản trước xu hướng tăng trở lại của mặt bằng lãi suất và sự phục hồi chậm chạp của thị trường bất động sản.
Bên cạnh đó, xu hướng tăng trở lại của mặt bằng lãi suất trước áp lực tỷ giá cũng là yếu tố tác động đến thị trường .
KBSV cho rằng với dữ liệu kinh tế hiện nay của nền kinh tế Mỹ, FED hoàn toàn có thể trì hoãn giảm lãi suất đến thời điểm sau tháng 9 năm nay. Thêm vào đó, kỳ vọng lần giảm lãi đầu tiên với 25 điểm cơ bản không quá lớn, đồng nghĩa với việc lãi suất vẫn còn ở mức tương đối cao. Theo đó, đồng USD duy trì sức mạnh kết hợp cùng mức chênh lệch lãi suất giữa USD-VND còn gây căng thẳng lên tỷ giá.
"Mặt bằng lãi suất thấp nhiều khả phải tăng lên để giảm bớt áp lực. Điều này sẽ ảnh hưởng tương đối kém tích cực đối với diễn biến của thị trường chứng khoán trong nước. Ngoài ra, tâm lý nhà đầu tư trông chờ vào đợt giảm lãi suất sớm của FED trong năm nay bị ảnh hưởng khi không đạt kỳ vọng có thể gây ra áp lực bán trong ngắn hạn", theo KBSV.
Do đó, đối với triển vọng thị trường trong năm 2024, KBSV giảm mức điểm kỳ vọng của chỉ số VN-Index thời điểm cuối năm xuống 1.320 điểm (từ mức 1.360 điểm trong báo cáo gần nhất).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận