menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Quang Minh

Đà phục hồi kinh tế toàn cầu phát tín hiệu SOS

Các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đang tập trung quá mức cho cuộc chiến chống lạm phát trong khi bỏ quên nền kinh tế đang hồi phục sau đại dịch Covid-19.

Trong bối cảnh các nhà hoạch định chính sách toàn cầu “chạy đua” thắt chặt chính sách tiền tệ và tài khóa, nhận định kinh tế toàn cầu có một tương lai tươi sáng chỉ có thể thuộc về những người lạc quan quá mức. Khi mọi sự chú ý đều đổ dồn vào mục tiêu kéo giảm lạm phát, một số dấu hiệu suy yếu của kinh tế thế giới dường như bị ngó lơ.

Nhiều quan chức ngân hàng trung ương trên toàn thế giới khẳng định cách tốt nhất để bảo vệ nền kinh tế là phải nhanh chóng chặn đứng đà tăng giá cả. Họ thực hiện điều này bằng nhiều bước tăng lãi suất lớn và lấy trường hợp chính sách lãi suất được nới lỏng quá sớm khiến lạm phát trở nên cố kết từng xảy ra vào những năm 70 của thế kỷ trước làm bài học nhãn tiền. Điều đó đồng nghĩa với thực tế tăng trưởng không còn là ưu tiên số một.

Bức tranh kinh tế toàn cầu gần đây mang nhiều gam màu xám. Tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc chậm lại trong tháng 8 trong khi nhập khẩu tăng trưởng chưa tới 1%. Trong khi nhiều người đổ lỗi cho chiến lược zero-Covid cứng nhắc, chúng ta cần phải nhìn nhận thẳng thắn rằng thương mại vẫn là một điểm sáng trong kinh tế Trung Quốc trong một vài tháng trước khi nhiều trung tâm đô thị lớn, trong đó có Thượng Hải, bị phong tỏa. Đứng giữa làn sóng thắt chặt chính sách tiền tệ toàn cầu, Trung Quốc khó tránh khỏi những tác động lan tỏa. Đó mới chính là điểm mấu chốt.

-5252-1663479746.jpg data-natural-width640

Tăng trưởng xuất, nhập khẩu của Trung Quộc chậm lại trong tháng 8. Ảnh: Bloomberg.

Tăng trưởng toàn cầu suy yếu cũng đang ảnh hưởng tiêu cực tới những điểm sáng kinh tế thế giới khác. Một số nền kinh tế hùng mạnh tại châu Á cũng đang phát đi những tín hiệu đáng quan ngại. Chỉ số Quản lý thu mua (PMI) tại Hàn Quốc và Nhật Bản cho thấy hoạt động sản xuất tại các quốc gia này đang trong xu hướng suy giảm hoặc tăng trưởng chậm lại.

Tình hình khó khăn có thể cảm nhận rõ nhất tại châu Âu khi cuộc chiến chống lạm phát tại đây có thể khiến cho mục tiêu tăng trưởng, dù đã cắt giảm, của Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) khó lòng được hiện thực hóa.

Theo ECB, tổng sản phẩm quốc nội của khu vực này có thể giảm 0,9% trong năm 2023 và rủi ro một cuộc khủng hoảng năng lượng trong mùa đông sắp tới khiến cho xác suất xảy ra viễn cảnh đó không ngừng tăng cao. Tuy nhiên, điều đó là chưa đủ để khiến ECB từ bỏ những bước tăng lãi suất lớn trong thời gian tới, đặc biệt sau khi cơ quan này tăng lãi suất 0,75% trong cuộc họp trong vừa qua. “Lạm phát hiện đang quá cao”, Chủ tịch ECB Christine Lagarde thừa nhận.

Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cũng “mắc kẹt” trong tư tưởng siết chặt chính sách khi khẳng định Ngân hàng trong ương Mỹ cần phải hành động “mạnh mẽ và dứt khoát” trong cuộc chiến chống lạm phát. Phát biểu của ông trong vài tuần gần đây không chỉ củng cố khả năng Fed tăng lãi suất thêm 0,75% trong kỳ họp tuần tới mà thậm chí khiến cho thị trường lo lắng hơn về một khả năng mới có thể xảy ra: bước tăng lãi suất 1%.

Liệu đã có ai lên tiếng cảnh báo về thực trạng tăng trưởng đang bị ngó lơ? Có, và người đó không hề xa lạ với ông Powell.

Phó Chủ tịch Fed Lael Brainard, trong bài phát biểu của mình vài ngày trước, khẳng định lãi suất cần được tăng tới ngưỡng giới hạn để kéo giảm đà tăng giá cả. Tuy nhiên, bà thừa nhận rằng quá trình siết chặt chính sách tiền tệ là “một con dao hai lưỡi”. “Việc siết chặt chính sách một cách quá vội vã trong khi tác động từ quá trình này tới nhu cầu thị trường thường có độ trễ nhất định vô tình hình thành rủi ro chúng ta thực hiện quá trình này một cách quá mức”, bà chia sẻ trong một cuộc họp tổ chức tại New York. Brainard có lẽ là thành viên mang tư tưởng toàn cầu nhất trong đội ngũ lãnh đạo Fed. Bà từng là lãnh đạo cao nhất phụ trách vấn đề ngoại giao của Bộ Tài chính và luôn nỗ lực đưa Fed đi theo hướng tôn trọng nhiều hơn các vấn đề xảy ra bên ngoài nước Mỹ.

Khi làm Chủ tịch Fed, bà Janet Yellen từng lên tiếng nhận xét “tăng trưởng kinh tế đã chết” sau khi Fed tăng lãi suất lần đầu tiên trong gần một thập kỷ vào năm 2015. Người tiền nhiệm của bà Ben Bernanke thậm chí châm biếm các ngân hàng trung ương đã “giết chết tăng trưởng”. Và liệu đà hồi phục của kinh tế toàn cầu tính tới thời điểm hiện tại có “chết yểu”?

Trung Quốc đã thoát khỏi khủng hoảng dịch bệnh trong năm 2020 sớm hơn nhiều quốc gia khác và có một năm bùng nổ sau đó. Tuy nhiên, “phép màu” đó dần mất đi tác dụng và các nhà hoạch định chính sách toàn cầu cần mang tư tưởng thận trọng hơn, để quá trình thắt chặt chính sách dừng lại ở ngưỡng kéo chậm nền kinh tế nhằm mục tiêu hạ nhiệt giá cả. Trong khi tương lai của quá trình siết chính sách vẫn mang nhiều bất định, đà hồi phục của nền kinh tế toàn cầu đã phát đi những tín hiệu SOS đầu tiên.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Yêu thích
1 Bình luận
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại