menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Thúy Hạnh

Đà Nẵng: Doanh nghiệp "đuối sức" do Covid-19

Dịch Covid – 19 kéo dài liên tục từ tháng 5/2021 đến nay đã gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp tại TP. Đà Nẵng, thể hiện rõ nét qua việc các chỉ số kinh tế tháng 8/2021 đều giảm mạnh so với tháng trước và cùng kỳ 2020. Ngoài nỗ lực tự thân, doanh nghiệp

Nhiều khó khăn

Theo Cục thống kê TP. Đà Nẵng, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) thành phố trong tháng 8/2021 đã giảm tới 21,7% so với tháng trước và giảm 17,1% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là mức tụt giảm rất mạnh nếu so với cùng thời điểm tháng 8/2020 TP. Đà Nẵng cũng đang là tâm dịch Covid – 19 của cả nước. Tính chung 8 tháng, IIP tăng 0,4% so với cùng kỳ 2020.

Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong tháng 8/2021 tiếp đà giảm 19,2% so với tháng trước và giảm 15,3% so với cùng kỳ 2020. Chỉ số tồn kho giảm nhưng không phải do sức tiêu thụ tăng mà do doanh nghiệp chủ động điều chỉnh giảm sản xuất hoặc bị động phải giảm sản xuất để phù hợp với phòng chống dịch Covid – 19. Cùng với đó, chỉ số sử dụng lao động trong lĩnh vực công nghiệp cũng tiếp đà giảm do doanh nghiệp thực hiện giảm, giãn ca làm việc theo yêu cầu của thành phố để chống dịch.

Trước tác động tiêu cục của dịch Covid – 19, hoạt động của doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thương mại dịch vụ, vận tải bưu chính trong tháng 8 cũng giảm so với tháng trước.

8 tháng năm 2021, TP. Đà Nẵng có 2.608 doanh nghiệp mới được thành lập với tổng vốn đăng ký 13.078 tỷ đồng, giảm cả về số lượng và số vốn đăng ký. Trong khi đó, tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, doanh nghiệp tạm dừng hoạt động lại tăng mạnh. Cụ thể có tới 2.225 doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, tăng 39,6%; và 538 doanh nghiệp giải thể tăng 1,5%.

Khảo sát do Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam – Chi nhánh Đà Nẵng (VCCI Đà Nẵng) thực hiện hồi cuối tháng 8, đầu tháng 9/2021 về tác động của dịch Covid – 19 đợt 4 (từ tháng 5/2021 đến nay) đối với doanh nghiệp hội viên cho thấy có đến 98,56% doanh nghiệp trả lời khảo sát cho biết dịch Covid – 19 tác động tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp; 73,38% trong số đó đánh giá tác động của dịch bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng và rất nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất – kinh doanh. Ngành bị ảnh hưởng tiêu cực nhất là dịch vụ; công nghiệp chế biến chế tạo; xây dựng bất động sản.

41,73% doanh nghiệp hội viên cho biết phải tạm dừng hoạt động (nửa tháng, một tháng hoặc nhiều hơn, đặc biệt là trong thời gian từ 16/8 – 5/9, thời điểm nếu doanh nghiệp sản xuất muốn hoạt động phải thực hiện “3 tại chỗ”).

Những khó khăn cơ bản các doanh nghiệp (chủ yếu là doanh nghiệp sản xuất) đang gặp phải là vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu bị chậm do các biện pháp chống dịch; chi phí vận chuyển, logistics tăng cao; khó khăn về tài chính trong đó có áp lực chi phí gia tăng do phải áp dụng các biện pháp chống dịch (như chi phí thực hiện “3 tại chỗ”). Phần lớn các doanh nghiệp sản xuất dự kiến doanh thu của năm 2021 sẽ không đạt mục tiêu đặt ra (chiếm 88,6% doanh nghiệp trả lời khảo sát)

Hiện các doanh nghiệp sản xuất đang cố gắng duy trì lượng khách hàng truyền thống thông qua hoàn thành đơn hàng, bên cạnh đó, đảm bảo được lựa lượng lao động sẵn sàng tăng tốc trở lại khi thành phố trở lại trạng thái bình thường mới.

Doanh nghiệp mong muốn sẽ được ưu tiên tiêm phủ vaccine ngừa Covid - 19 cho người lao động để giảm đến mức thấp nhất gián đoạn sản xuất, chuỗi cung ứng do dịch Covid - 19

Doanh nghiệp mong muốn sớm “phủ” vaccine cho người lao động

Khảo sát từ VCCI Đà Nẵng cho thấy có tới 74,1% doanh nghiệp đề xuất thành phố nhanh chóng hoàn thành việc tiêm “phủ vaccine” ngừa Covid – 19 cho người lao động tại các doanh nghiệp.

Ghi nhận của báo Công Thương, mặc dù người lao động, nhất là công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp và khu công nghệ cao thành phố là một trong những đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine, tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại mới có rất ít doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp và khu công nghệ cao người lao động được tiêm đủ 2 mũi vaccine.

Ông Trần Văn Lĩnh – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thương mại & Thủy sản Thuận Phước cho biết, doanh nghiệp đang chịu áp lực rất lớn về chi phí thực hiện “3 tại chỗ” để duy trì sản xuất. "Chúng tôi mong muốn thành phố sẽ ưu tiên hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu có tham gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu, doanh nghiệp có lực lượng lao động lớn, có doanh thu cao bằng cách ưu tiên người lao động được tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa Covid – 19 để giảm tỷ lệ bị gián đoạn sản xuất do có ca mắc Covid – 19”, ông Lĩnh nói.

Cùng ý kiến trên, nhiều doanh nghiệp mong muốn thành phố sẽ hỗ trợ ưu tiên bảo vệ chuỗi cung ứng, người lao động trong các doanh nghiệp ngành then chốt, lực lượng lao động chủ chốt của doanh nghiệp. Trong đó, chú ý nhóm dịch vụ logistics, vận chuyển, nhân viên thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu.

Đại diện Hội Doanh nhân Trẻ TP. Đà Nẵng đề xuất TP. Đà Nẵng sẽ nới lỏng các biện pháp, hỗ trợ doanh nghiệp quay lại hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian tới; cùng với đó trong thẩm quyền của mình, TP. Đà Nẵng xem xét gia hạn nộp thuế từ 12 – 18 tháng, miễn giảm các khoản thuế, phí thuê đất, sử dụng hạ tầng khu công nghiệp.

Ngoài ra, Hội cũng đề nghị TP. Đà Nẵng sẽ góp “tiếng nói” kiến nghị Trung ương hỗ trợ doanh nghiệp thành phố giảm lãi vay, tiếp cận các nguồn vốn, có chính sách tạm dừng, giảm mức đóng bảo hiểm xã hội…

Điểm sáng nhất của kinh tế Đà Nẵng 8 tháng đầu năm 2021 là kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tiếp tục duy trì đà tăng trưởng. Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 8/2021 ước đạt 242,8 triệu USD, tăng 7,1% so với năm 2020.

Ước 8 tháng năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt hơn 2 tỷ USD, tăng tới gần 18% so với năm 2020. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,154 tỷ USD, tăng 20,3% và kim ngạch nhập khẩu ước đạt 875,1 triệu USD ước tăng gần 15% so với cùng kỳ 2020, thặng dư thương mại ước đạt 279,2 triệu USD, cao nhất so với cùng kỳ giai đoạn 2015 – 2020.

Dự kiến ngày 24/9, TP. Đà Nẵng sẽ tổ chức Hội nghị “Đối thoại doanh nghiệp 2021” theo hình thức trực tuyến. Trong đó, sáng 24/9 sẽ diễn ra phiên đối thoại với hội, hiệp doanh, doanh nghiệp trong nước; chiều cùng ngày sẽ đối thoại với hội, hiệp hội, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Hội nghị nhằm lắng nghe những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Đồng thời, tiếp nhận các ý kiến kiến nghị, đề xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phục hồi, góp phần phát triển kinh tế - xã hội thành phố trong thời gian đến.

Dự kiến sẽ có khoảng 500 – 1.000 đại biểu tham dự chương trình này.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại