Đã đến lúc 'nói không' với FDI kém chất lượng, mở đường cho doanh nghiệp Việt vươn lên?
Sau hơn 3 thập kỷ mở cửa, có lẽ đã đến lúc Việt Nam cần chủ động hơn trong việc lựa chọn dự án FDI, nói "không" với những dự án không phù hợp để tạo không gian phát triển cho doanh nghiệp nội địa.
Tại hội thảo khoa học tổ chức mới đây về tư duy tiếp cận và định hướng phát triển mới đối với khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, các chuyên gia cho rằng, không thể phủ nhận những kết quả mà khu vực FDI mang lại cho Việt Nam. Tuy nhiên, đã đến lúc nhìn nhận thực tế rằng thu hút và sử dụng FDI hiện nay bộc lộ một số vấn đề như doanh nghiệp FDI gây ô nhiễm môi trường, chuyển giá; trốn thuế, lãi thật, lỗ giả; công nghệ trung bình, thậm chí lạc hậu; tranh chấp lao động, đầu tư lướt sóng; kết nối giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp Việt còn hạn chế…
Cảnh báo 'bẫy giá trị gia tăng thấp'
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến 30/9, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt 24,78 tỷ USD, tăng 11,6%; vốn FDI thực hiện đạt 17,3 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Doanh nghiệp nước ngoài đã đầu tư vào 18/21 ngành kinh tế quốc dân; công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với 15,64 tỷ USD, chiếm 63,1% tổng vốn đăng ký, kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với 4,38 tỷ USD, chiếm 17,7%, sản xuất, phân phối điện đạt 1,12 tỷ USD và bán buôn bán lẻ đạt 920 triệu USD.
Dẫn chứng số liệu cho thấy vốn đầu tư FDI đang chiếm 16% vốn đầu tư cả nước, đóng góp 20% vào GDP, hơn 70% vào xuất khẩu; số lượng doanh nghiệp FDI chiếm 3%, trong đó 86% là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, bà Nguyễn Thị Xuân Thuý, chuyên gia chính sách công nghiệp, trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN phân tích: “Nhìn theo hướng tích cực, có thể thấy rằng vai trò của FDI với nền kinh tế Việt Nam là rất lớn, nhưng qua đó cũng thể hiện chúng ta đang phụ thuộc quá nhiều vào FDI”.
Trong khi đó, có thực trạng là nhiều doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam chủ yếu vì muốn tránh ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
“Các nghiên cứu chỉ ra rằng các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam chủ yếu là các doanh nghiệp chế xuất. Họ tận dụng các FTA (hiệp định thương mại tự do) để nhập khẩu nguyên vật liệu và xuất khẩu. Như vậy cơ hội để các doanh nghiệp trong nước nhận được chuyển giao công nghệ hay lợi ích là rất ít”.
Bà Thuý cảnh báo Việt Nam có thể rơi vào bẫy giá trị gia tăng thấp, thực trạng này đã xảy ra ở Mexico và các nước Nam Mỹ. Những quốc gia mà có nguy cơ mắc bẫy giá trị gia tăng thấp là khi thu hút được FDI nhưng không hình thành được các mối liên kết với nền kinh tế trong nước, không tạo ra được hiệu ứng lan tỏa, tạo ra hiện tượng ‘hai nền kinh tế trong một nền kinh tế'.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết các chuyên gia kinh tế thế giới đã chỉ ra vấn đề này từ nhiều năm trước, lo rằng Việt Nam “bị công nghiệp hoá quá sớm” trong khi chưa có nền công nghiệp do con người Việt Nam làm chủ.
“Công nghiệp hoá nhưng không tạo được giá trị gia tăng nhiều, cơ bản vẫn làm gia công, lắp ráp. Chúng ta hay nói khu vực FDI đóng góp 70% vào xuất khẩu nhưng tới 65% nhập khẩu cũng là khu vực FDI. Vậy doanh nghiệp FDI vào đây cơ bản vẫn là thụ hưởng, nhập khẩu từ bên ngoài vào. Thậm chí doanh nghiệp FDI nhập phần đầu vào nguyên nhiên vật liệu trong nước cũng từ các FDI khác… Dẫn đến tình trạng rất đáng lo ngại là '2 nền kinh tế trong 1'. Khu vực đầu tư nước ngoài phát triển nhanh, thị trường ngày càng lớn, đóng góp lớn trong khi khu vực kinh tế trong nước 'teo dần' về tỷ trọng”, bà Lan nhìn nhận.
Đã đến lúc nói "không"
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.
Theo chuyên gia kinh tế, các chính sách thu hút, ưu đãi với khu vực FDI không hợp lý, tình trạng ưu đãi tràn lan, không tập trung vào những ngành trọng điểm hoặc không trúng vào các “khâu” tạo nên giá trị gia tăng cao mà Việt Nam muốn thu hút đầu tư.
“Đã đến lúc Việt Nam có quyền lựa chọn, có quyền nói "không" với những dự án không đạt yêu cầu không phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”, theo bà Lan, đây cũng là cách để tạo không gian phát triển cho doanh nghiệp trong nước. Khi không còn phải cạnh tranh với những "ông lớn" nước ngoài có nhiều ưu đãi, doanh nghiệp Việt sẽ có cơ hội phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế.
Bên cạnh rất nhiều dự án FDI tốt, thực sự mang lại sức sống cho nền kinh tế thì cũng có vô vàn những dự án nhỏ, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có khả năng nhưng vì không có những ưu đãi như của doanh nghiệp FDI nên không làm được.
Các chuyên gia kinh tế kiến nghị, khi xây dựng các chính sách ưu đãi nên tập trung vào những dự án, công trình, khu vực Việt Nam muốn đầu tư phát triển thay vì ưu đãi theo thành phần kinh tế; tạo môi trường kinh doanh thực sự bình đẳng giữa khu vực FDI, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân. Bởi lẽ, “Trong khi trên thế giới, người ta còn phải mong doanh nghiệp nước ngoài được đối xử như doanh nghiệp trong nước. Chúng ta thì ngược lại, trọng đãi người nước ngoài hơn trong nước".
Bà Nguyễn Thị Xuân Thuý kiến nghị, cần thay đổi chiến lược thu hút đầu tư từ “ưu đãi trước đầu tư” sang “ưu đãi sau đầu tư” để tăng quyền đàm phán với các DN FDI. Bên cạnh đó, cần đa dạng hoá nhà đầu tư, tránh phụ thuộc quá mức vào một vài nhà đầu tư lớn; cải thiện môi trường đầu tư, tăng tính chống chịu, bền vững; chuyển từ lợi thế chi phí thấp sang lợi thế về kỹ năng, môi trường chính sách; liên kết DN FDI với doanh nghiệp trong nước; xây dựng môi trường chính sách minh bạch, dài hạn, dễ dự báo...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận