Cựu chủ tịch HĐQT Saigon Co.op: “Xin HĐXX xem xét bối cảnh hành vi phạm tội”
Cựu Chủ tịch Saigon Co.op nói và cho rằng, nếu không có biện pháp ngăn chặn rủi ro thì thiệt hại có thể sẽ lớn hơn con số 115 tỷ đồng.
Chiều 28/12, TAND TP Hồ Chí Minh tiếp tục phiên sơ thẩm đối với ông Diệp Dũng (SN 1968, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh Saigon Co.op), Nguyễn Thành Nhân (SN 1976, nguyên Tổng giám đốc), Hồ Mỹ Hòa (SN 1979, nguyên Giám đốc tài chính), Võ Thành Trung (SN 1978, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Đô Thị Mới) và Tôn Thất Hào (SN 1967, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Địa ốc Đại Á) bị truy tố về tội "Lạm quyền trong khi thi hành công vụ".
Các cán bộ thuộc cấp của ông Diệp Dũng tại Saigon Co.op là Trần Trung Liệt, Hàng Thanh Dân, Phạm Thị Minh Ngọc và Nguyễn Thị Thùy Trang bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Là người đầu tiên bước lên bục xét hỏi, bị cáo Dũng cho biết, sau khi nghe thông tin chuỗi siêu thị Big C chuyển nhượng, HĐTV Saigon Co.op đã họp bàn về việc huy động vốn và được UBND TP Hồ Chí Minh cho phép thực hiện”. Theo cựu Chủ tịch Saigon Co.op, giai đoạn 1 đơn vị này đã huy động được 3.000 tỷ đồng.
Mục đích mua lại siêu thị Big C nhằm tăng sức mạnh cho Saigon Co.op, nếu thương vụ mua Big C không thành công, số tiền đầu tư sẽ được trả lại cho các nhà đầu tư. Nếu ai không có nhu cầu rút vốn, muốn đồng hành cùng Saigon Co.op, sẽ kết nạp thành viên đưa vốn vào vốn điều lệ của Saigon Co.op.
Khi "thương vụ" mua lại siêu thị Big C không thành công, bị cáo Diệp Dũng đã tự ý dùng số tiền 1.000 tỷ đồng (từ 3.000 tỷ đồng) để đầu tư ra bên ngoài nhưng không thông qua HĐQT.
Cũng theo ông Dũng, bản thân ông là một người làm kinh tế, với mong muốn tạo thêm "một chút" lợi nhuận cho Saigon Co.op, tạo thêm công ăn việc làm, thu nhập cho cán bộ công nhân viên nên sau khi nghe bị cáo Hồ Mỹ Hòa (Giám đốc phòng Tài chính) đề xuất việc đem tiền đi hợp tác, bị cáo thấy hợp lý nên chấp thuận.
Điều kiện mà ông đặt ra đối với các đối tác là phải có tài sản đảm bảo. Lúc đó, ông không biết có đơn vị nào nên khi được phòng tài chính thông báo hai doanh nghiệp là Công ty Đô Thị Mới và Công ty Đại Á, ông đồng ý
Khi được chủ tọa hỏi tại sao muốn mang lại lợi ích kinh tế nhưng lại giảm lãi suất từ 7% xuống còn 0% khiến Saigon Co.op thất thoát số tiền 115 tỷ đồng, bị cáo Dũng nói, sau khi hợp tác đầu tư, cấp dưới báo cáo phía đối tác sử dụng nguồn vốn không có hiệu quả, có nguy cơ thiệt hại nên ông đã có quyết định trên. Lúc đó, ông chỉ nghĩ làm sao để thu hồi vốn một cách nhanh nhất nên quyết định điều chỉnh giảm lợi nhuận.
“Hoàn toàn tôn trọng cáo trạng, tuy nhiên mong HĐXX xem xét hoàn cảnh, bối cảnh để đánh giá động cơ, mục đích của bị cáo trong vụ án!”, cựu Chủ tịch Saigon Co.op nói và cho rằng, nếu không có biện pháp ngăn chặn rủi ro thì thiệt hại có thể sẽ lớn hơn con số 115 tỷ đồng.
Ngoài ra, ông Dũng cho rằng mình làm việc trên là vì nôn nóng, sợ nhà đầu tư bị thiệt hại. Cựu Chủ tịch Saigon Co.op thừa nhận sai phạm khi đã có 2 quyết định trên khi không thông qua HĐQT gây thiệt hại tài sản. Đồng thời, ông Dũng còn xác nhận có vận động gia đình khắc phục hậu quả và gia đình Dũng đã khắc phục một phần.
Cáo trạng xác định, hành vi của ông Dũng tạo điều kiện cho Công ty Đại Á và Công ty Đô Thị Mới không phải thanh toán khoản lợi nhuận cố định 7%năm, là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc Saigon Co.op bị thiệt hại 115,6 tỷ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận