Cựu Chủ tịch Asanzo Phạm Văn Tam: Từ bán hàng điện tử tới đầu tư cho startup, phân bón
Quảng bá là thương thiệu “xuất xứ Việt Nam”, các sản phẩm điện tử của Asanzo từng một thời xuất hiện ở hầu hết gia đình Việt. Sau lùm xùm xuất xứ cách đây 5 năm, khiến nhà sáng lập Phạm Văn Tam, khi đó nổi tiếng là “Tam Asanzo” bị Sharktank mùa ba gạch tên khỏi chương trình. Liên tiếp những vụ việc về trốn thuế, ông Tam xoay chuyển cục diện kinh doanh của mình bằng việc lấn sân sang mảng tư vấn đầu tư startup rồi tới kinh doanh phân bón.
Ngày 23/06, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TPHCM đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Phạm Văn Tam (nguyên Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Asanzo) và ông Phạm Xuân Tình (Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Asanzo) về hành vi trốn thuế.
Theo Vietnamnet đưa tin, Cơ quan Công an cho biết trong thời gian làm Chủ tịch Tập đoàn Asanzo, ông Tam chỉ đạo ông Tình ký hợp đồng nguyên tác với nhiều doanh nghiệp để mua linh kiện, phụ kiện của điều hòa nhiệt độ để mang về nhà máy lắp ráp hoàn chỉnh, sau đó bán lại cho Công ty TNHH Điện lạnh Asanzo rồi đưa ra thị trường tiêu thụ với thương hiệu Asanzo. Trong quá trình mua bán này, cả 2 người chỉ đạo nhân viên không xuất hóa đơn và để ngoài sổ sách kế toán, sử dụng hóa đơn không hợp pháp để hạch toán trong quá trình phát sinh nghĩa vụ thuế và theo đó trốn thuế hơn 15.7 tỷ đồng (gồm thuế GTGT và TTĐB).
Ngày 24/01 năm nay, Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư - Cục Hải quan TPHCM ban hành quyết định cưỡng chế bằng biện pháp dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của CTCP Tập đoàn Asanzo. Lý do Asanzo nợ thuế quá 90 ngày số tiền hơn 48 tỷ đồng, thời gian thi hành trong một năm. Cuối năm 2022, Cục Hải quan TPHCM đã dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu của Công ty này do nợ hơn 47 tỷ đồng tiền thuế.
Ông Phạm Văn Tam
Ông Tam đã rút khỏi hầu hết doanh nghiệp có tên “Asanzo”
Tháng 01/2017, chức vụ của ông Tam chuyển cho bà Trịnh Ngọc Yên. Tháng 06/2017, Công ty Truyền thông Asanzo thoái hết vốn, một tháng sau ông Tình giữ chức Tổng Giám đốc kiêm đại diện pháp luật. Giữa năm 2018, cơ cấu cổ đông cho thấy các cổ đông sáng lập như ông Tam chỉ còn nắm 1%, hai cổ đông tổ chức cũng thoái sạch vốn, chỉ còn bà The và ông Tình giữ 2% như cũ. Từ đó tới nay, Doanh nghiệp không cập nhật thêm về cơ cấu vốn điều lệ.
Ngoài các pháp nhân trên, hệ sinh thái mang tên Asanzo còn có CTCP Đầu tư Asanzo thành lập tháng 10/2017 với ngành sản xuất điện tử. Vốn điều lệ 5.9 tỷ đồng, cổ đông sáng lập gồm Tập đoàn Asanzo nắm 90%, ông Huỳnh Tấn Thương và bà Trịnh Ngọc Yên mỗi người 5%.
Như vậy chỉ trong thời gian ngắn, ông Tam đều thoái hết vốn cũng như không còn nắm giữ các chức vụ quan trọng trong các doanh nghiệp gắn với thương hiệu Asanzo.
Lập ra Winsan Group
Chia tay với phần lớn doanh nghiệp trong hệ sinh thái Asanzo, vị doanh nhân sinh năm 1980 lập ra CTCP Đầu tư Tập đoàn Winsan (Winsan Group), lấy ý tưởng thuật ngữ win-win để thể hiện kỳ vọng mang lại thắng lợi cho cả hai bên cùng hợp tác, với mục tiêu hỗ trợ cho các startup, doanh nghiệp nhỏ và vừa, sản phẩm phục vụ cho phần đông người tiêu dùng bình dân, người lao động thu nhập thấp.
Winsan Group ra đời vào tháng 05/2020 với ngành nghề chính là tư vấn đầu tư. Vốn điều lệ 300 tỷ đồng, cổ đông sáng lập gồm ông Tam (giữ chức Giám đốc kiêm đại diện pháp luật) nắm 95%, bà Nguyễn Thị Hiền 0.5%, ông Phùng Đông Hưng 0.5%. Tháng 10/2020, chức vụ của ông Tam chuyển cho ông Hưng đảm nhiệm.
Ra mắt Winsan Group, ông Tam nói rất nhiều về khởi nghiệp và mong muốn mọi người gọi mình là “Tam Winsan”, quên “Tam Asanzo” đi với kỳ vọng thúc đẩy phát triển hệ sinh thái startup của Việt Nam và tuyên bố sẵn sàng đầu tư “trọn gói” cho startup, đặc biệt những startup có năng lực về công nghệ. Quá trình hoạt động, Winsam Group cũng tuyên bố rót 5 tỷ đồng cho một startup về kênh bán hàng tự động.
Đầu tư 2,000 tỷ đồng cho dự án phân bón hữu cơ?
Năm 2021, ông Tam nhảy sang một lĩnh vực không hề “công nghệ”, đó là chăn nuôi, phân bón bằng việc ra mắt trang trại sinh thái và thương hiệu phân bón hữu cơ Ba Con Bò, được điều hành bởi CTCP Phân bón T&T 159 Miền Nam. Doanh nghiệp thành lập tháng 12/2020 với ngành nghề chính bán buôn phân bón, thuốc trừ sâu và hóa chất khác sử dụng trong nông nghiệp. Vốn điều lệ 2 tỷ đồng, trong đó Winsan Group nắm 40% cùng hai cá nhân khác. Tháng 07/2021, Công ty nâng vốn lên 20 tỷ đồng và giữ nguyên cho đến nay.
Tại ngày ra mắt trang trại, ông Tam tuyên bố Công ty T&T 159 Miền Nam đã nghiên cứu và xây dựng quy trình sản xuất phân bón hữu cơ khép kín đầu tiên tại Việt Nam mang thương hiệu Ba Con Bò. Đánh giá phân hữu cơ sẽ là sản phẩm xu thế, ông Tam cho biết số vốn ban đầu của ông cùng nhóm nhà đầu tư đã rót 2,000 tỷ đồng cho 5 trang trại tại Hoà Bình, Nghệ An, Sơn La và kỳ vọng thương hiệu sẽ đạt mức tăng trưởng tới 500% ngay trong năm đầu ra mắt. Tuy nhiên thực hư khoản tiền khổng lồ này vẫn là thắc mắc lớn bởi phía CTCP T&T 159 sau đó lên tiếng cho hay chưa nhận được bất kỳ khoản đầu tư nào của nhóm ông Tam, vai trò của nhóm này chỉ là phân phối độc quyền phân bón Ba Con Bò vào thị trường miền Nam do T&T 159 sản xuất.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận