Cứu bất động sản: ‘Nắn dòng chảy’ vốn ngân hàng vào phân khúc nhà ở xã hội
Để thị trường bất động sản không đổ vỡ, lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần bơm vốn cho nền kinh tế. Một trong những giải pháp quan trọng là rót vốn tín dụng cho phân khúc nhà ở phù hợp về giá và nhu cầu thực.
Tạm ngắt phân khúc đầu cơ
Trao đổi với PV Tiền Phong, một chuyên gia xây dựng nhìn nhận, trước hết, cần thấy những khó khăn của thị trường bất động sản hiện nay đến từ nhiều lí do khác nhau. Nhưng nổi bật vẫn là vướng về thủ tục pháp lý, mất cân đối trong phát triển cung cầu, đặc biệt thị trường nghiêng về phân khúc đầu cơ một thời gian quá dài.
Về huy động vốn, theo chuyên gia, hiện nguồn vốn cho các dự án bất động sản không chỉ từ từ tổ chức tín dụng mà còn từ nguồn vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp, phát hành trái phiếu và một phần không nhỏ được hình thành từ vốn góp của các khách hàng.
"Điểm mấu chốt hiện nay là do không thể huy động trên thị trường trái phiếu nữa, nên các doanh nghiệp bất động sản buộc phải lệ thuộc nhiều và trông ngóng nhiều hơn nguồn vốn tín dụng ngân hàng...", vị chuyên gia nói.
Theo ông, để xử lý được rốt ráo vấn đề TPDN, các bộ, ngành cần có cuộc họp kỹ về trái phiếu, vốn để thúc đẩy thị trường bất động sản, "qua đó thúc đẩy tiêu dùng, sản xuất để nền kinh tế tăng trưởng lành mạnh”.
Cùng đó, vị chuyên gia cho rằng, để dòng vốn vào bất động sản không bị tắc, hay chính xác được khơi thông, ngay lúc này, NHNN nên xem xét phân loại dự án, chủ đầu tư để ổn định thị trường cũng như tâm lý người mua nhà.
"Phân khúc nhà ở thương mại, mang tính đầu cơ nhiều khó cần tạm thời đặt sang một bên đã đành. Quan trọng nữa, phân khúc cần được quan tâm gỡ khó cho thị trường là nhà ở xã hộ- một sản phẩmi phù hợp với khả năng "túi tiền" chi trả của người dân. Đặc biệt các địa phương vào cuộc sớm, trong đó có Hà Nội, TPHCM. Phân khúc này cần vốn tín dụng để giải quyết vấn đề bức xúc của người dân trong vấn đề nhà ở", chuyên gia khẳng định.
Vốn cần bơm cho những phân khúc bất động sản phù hợp với tài chính của nhiều gia đình. |
Cho vay để DN làm nhà ở xã hội hồi sinh
Theo nhận định của ông Nguyễn Văn Đính - Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, các dự án đang triển khai trên thị trường đang buộc phải dừng, giãn, hoãn vì không có vốn thanh toán cho nhà thầu, trả lương cho công nhân.
Tình trạng chậm thanh toán của chủ đầu tư cũng là nguyên nhân khiến hàng loạt doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, nhà máy, công xưởng của hơn 40 ngành nghề liên quan phải ngưng hoạt động, hàng triệu lao động thất nghiệp, làm gia tăng bất ổn xã hội.
Thêm vào đó, người vay mua nhà, bao gồm cả dự án nhà ở giá phù hợp, nhà ở xã hội cũng bị hạn chế tiếp cận tín dụng khiến sức mua giảm sút, nên doanh nghiệp thiếu tiền mặt, âm dòng tiền, bị thiếu thanh khoản nghiêm trọng.
Theo ông Đính, việc tắc nghẽn dòng vốn tín dụng ảnh hưởng đến nhiều nhóm đối tượng. Thứ nhất là người dân có nhu cầu mua bất động sản. Giấc mơ an cư ngày càng xa vời bởi chính sách tín dụng từ các ngân hàng ngày càng ngặt nghèo hơn, điều kiện giải ngân khó hơn ngay cả với cả dự án nhà ở giá phù hợp, nhà ở xã hội. Nếu không tiếp cận được các dòng tín dụng cho vay mua nhà thì đầu ra thị trường sẽ càng đi xuống.
Để thị trường bất động sản không đổ vỡ, lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần bơm vốn cho nền kinh tế. Trong đó có hoạt động phát triển và kinh doanh bất động sản để các dự án được triển khai liền mạch, giảm sức ép lên thị trường.
“Dòng tiền bơm vào thị trường cần kiểm soát tốt để hướng vào các phân khúc sản phẩm phù hợp, đưa mức giá bất động sản nhà ở xuống mức dễ chịu hơn với những hộ gia đình có nhu cầu thực”, ông Đính cho hay.
Ông Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách - phân tích, hiện nay doanh nghiệp bất động sản không tiếp cận được với vòng quay tín dụng được do nợ xấu. Nợ xấu có yếu tố bắt nguồn từ chấn chỉnh thị trường của cơ quan Nhà nước về trái phiếu, phá những vụ liên quan đến trái phiếu và chỉ đạo rà soát khoản cho vay bất động sản liên quan đến trái phiếu.
Bản thân doanh nghiệp loay hoay đảo nợ để có nguồn tiền mới. “Theo tôi cần có cơ chế, khoanh, giãn nợ khoản nợ cũ với dự án cũ cho doanh nghiệp. Nếu dự án mới khác có pháp lý cùng chủ đầu tư, ngân hàng nên nới cho doanh nghiệp vay để từ đó hồi sinh doanh nghiệp”, ông Việt nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận