Cước vận tải biển tiếp tục tăng vọt vì căng thẳng Biển Đỏ leo thang
Cước vận tải biển tăng vọt sau khi nhóm Houthi tấn công một tàu chở hàng của Maersk và hãng tàu này đã phải tạm dừng tuyến vận tải qua Biển Đỏ.
Sau các cuộc tấn công của nhóm Houthi, các hãng tàu đã phải đổi tuyến và đi đường vòng qua châu Phi. Điều này buộc các hãng tàu phải tăng cước vận tải biển để bù đắp chi phí. Dù vậy, cước vận tải biển vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với thời đại dịch COVID-19.
Kênh đào Suez kết nối Biển Đỏ với Biển Địa Trung Hải và là tuyến đường nhanh nhất để vận chuyển nhiên liệu, thực phẩm và hàng tiêu dùng từ châu Á và Trung Đông đến châu Âu. Các chủ hàng sử dụng tuyến đường này để vận chuyển tới 1/3 tổng lượng hàng container toàn cầu, bao gồm đồ chơi, giày tennis, đồ nội thất và thực phẩm đông lạnh.
Các cuộc tấn công của nhóm Houthi đã gây gián đoạn vận chuyển hàng hóa của nhiều công ty lớn trên thế giới, vì kênh Suez thường là tuyến vận chuyển thân quen của IKEA, Walmart và Amazon.
Trong bối cảnh đó, giá cước vận tải container 40ft từ châu Á đến Bắc Âu đã tăng hơn gấp đôi lên hơn 4,000 USD trong tuần này, còn tuyến từ châu Á đến Địa Trung Hải tăng lên 5,175 USD, theo dữ liệu từ nền tảng đặt tàu và thanh toán cước vận tải quốc tế Freightos.
Một số hãng tàu đã ra giá cước hơn 6,000 USD với container 40ft vận chuyển tới Địa Trung Hải và tính thêm phụ phí từ 500 USD đến 2,700 USD mỗi container, Judah Levine, Trưởng bộ phận nghiên cứu tại Freightos, chia sẻ qua email.
Giá cước vận tải biển từ châu Á tới Bờ Đông của Mỹ đã tăng 55% lên 3,900 USD mỗi container. Giá cước đến Bờ Tây của Mỹ tăng 63% lên hơn 2,700 USD.
Hoạt động vận chuyển qua kênh đào Suez giảm mạnh
Tính tới ngày 04/01, hàng trăm con tàu container và các tàu khác đã đổi tuyến sang đi vòng sang Mũi Hảo Vọng ở châu Phi, từ đó làm tăng thời gian vận chuyển thêm 7-20 ngày.
Theo số liệu chính thức do nền tảng trực tuyến PortWatch của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa công bố, khối lượng vận chuyển qua Kênh đào Suez của Ai Cập trong giai đoạn 10 ngày kết thúc vào ngày 02/01/2024 đã giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái.
Báo Arab News của Ả-rập Xê-út dẫn số liệu của PortWatch cho thấy, tình trạng gián đoạn trong hoạt động vận chuyển ở Biển Đỏ đã gia tăng trong những tuần gần đây, gây rủi ro cho các dòng chảy thương mại quan trọng.
Trong khi đó, dữ liệu của PortWatch cũng cho hay hoạt động vận chuyển bằng đường biển qua Mũi Hảo Vọng trong giai đoạn 10 ngày kết thúc vào ngày 2/1/2024 tăng 67% so với cùng kỳ năm trước.
“Với giá cước vận tải biển tăng bất ngờ như thế này, phần chi phí gia tăng sẽ ngấm dần vào chuỗi cung ứng và bắt đầu ảnh hưởng đến người tiêu dùng trong quý 1 năm nay”, Alan Baer, CEO của công ty vận tải biển OL-USA nhận định. Các doanh nghiệp đã có bài học từ giai đoạn khủng hoảng chuỗi cung ứng hồi năm 2021-2022 nên sẽ điều chỉnh giá cả sớm hơn, ông Baer nói thêm.
“Các cuộc tấn công ở Biển Đỏ có thể kết thúc bất kỳ lúc nào nếu chiến tranh ở dải Gaza chấm dứt, nhưng đây vẫn là một lời nhắc nhở rằng Fed không thể tự mãn với cuộc chiến chống lạm phát. Nếu không, họ dễ lặp lại cuộc khủng hoảng lạm phát như hồi thập niên 1970”, Giám đốc đầu tư Peter Boockvar của Bleakly Financial Group nhận định.
Việc chuyển hướng tàu đi qua kênh đào Suez và Biển Đỏ khiến công suất vận tải biển bị ảnh hưởng, vì hải trình đi qua Mũi Hảo Vọng khiến chuyến đi hai chiều kéo dài thêm từ 2-4 tuần, theo công ty Honour Lane Shipping. “Đi qua châu Phi có thể giảm công suất vận tải container đường biển toàn cầu khoảng 10-15%”, báo cáo của công ty này nhận định.
Thời gian vận tải dài hơn sẽ làm chậm những chuyến hàng mùa xuân lẽ ra phải cập cảng Trung Quốc trước dịp Tết Nguyên đán vào tháng 2. Ở Mỹ, những chuyến tàu container lẽ ra phải cập cảng Bờ Đông vào tháng 12 bây giờ mới tới nơi.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận