Cuộc đua song mã ngành bưu chính vào logistics
Viettel Post và Vietnam Post đang “tổng tấn công” vào thị trường logistics quy mô gần 62 tỷ USD.
Viettel Post nhắm đích số 1 thị trường logistics Việt Nam
Viettel Post gần đây đã dần thoát khỏi cái bóng của một công ty chuyển phát truyền thống, khi đầu tư mạnh cho mảng hậu cần kho vận, thương mại điện tử, công nghệ. Viettel Post đã đặt mục tiêu năm 2025 sẽ trở thành doanh nghiệp logistics số 1 dựa trên nền tảng công nghệ cao.
“Thời gian tới, Viettel Post thực hiện chuyển dịch từ công ty chuyển phát truyền thống sang công ty logistics phục vụ thương mại điện tử dựa trên nền tảng công nghệ cao”, ông Trần Trung Hưng, Tổng giám đốc Viettel Post cho biết.
Theo chia sẻ của ông Hưng, trong năm 2022 và những năm tiếp theo, Viettel Post sẽ tập trung đầu tư các nền tảng kho, phương tiện, hậu cần kho bãi, giao nhận vận chuyển quốc tế. Viettel Post cũng đang hướng tới xây dựng mạng lưới logistics đầu tư vào các hoạt động lưu kho, kết nối, chia chọn. Điểm tạo nên lợi thế của Viettel logistics chính là mạng lưới, hạ tầng nhằm tạo thành hạ tầng quốc gia với hệ thống trung tâm lớn - khu vực - bưu cục trải dài khắp 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Viettel post cũng đầu tư lớn cho công nghệ cao để giải quyết bài toán chuỗi dịch vụ của logistics và coi đây là lợi điểm bán hàng độc nhất đối với dịch vụ logistics.
“Năm 2022, Viettel Post tiếp tục chiến lược đầu tư hệ thống công nghệ để xây dựng trung tâm chia chọn, kho vận thông minh nhằm tiệm cận mô hình kho thông minh của thế giới, nâng tỷ lệ tự động hóa trong kho lên 50 - 60%”, ông Hưng cho biết.
Vietnam Post hướng tới công ty logistics hàng đầu
Trong khi đó, đối thủ lớn nhất của Viettel Post là Vietnam Post cũng đã có những động thái tích cực, tiến quân mạnh mẽ vào thị trường logistics.
Ông Chu Quang Hào, Tổng giám đốc Vietnam Post cho biết: “Để chuẩn bị cho bước đột phá trong thời gian tới, Vietnam Post đã thành lập 2 công ty là Vietnam Post Logistics (VPL) và Vietnam Post Digital. Đây là hai dịch vụ mới, đồng thời là cú hích quan trọng để Vietnam Post hoàn thành mục tiêu chiến lược phát triển giai đoạn tiếp theo. Trong đó, Vietnam Post Logistics chuyên về các dịch vụ kho bãi, vận chuyển quốc tế, xuất nhập khẩu, hải quan…, với mục tiêu đến năm 2025 trở thành công ty logistics hàng đầu Việt Nam, đạt doanh thu tỷ USD. Ngay trong năm 2022, Vietnam Post Logistics sẽ đặt chi nhánh tại các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản…”.
Năm 2022, Vietnam Post Logistics đặt mục tiêu doanh thu tăng hơn 10 lần so với thực hiện năm 2021. Trong đó, xuất nhập khẩu sẽ là dịch vụ phát triển mạnh mẽ nhất, chiếm gần 60% tỷ trọng doanh thu.
Ông Nguyễn Đình Cường, Giám đốc Công ty Vietnam Post Logistics cho biết, thời gian tới, song song với việc đảm bảo vận hành, cải tiến dịch vụ theo hướng tối ưu hóa chi phí cho khách hàng, Công ty sẽ tiếp tục chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng kho bãi, gồm hệ thống kho ngoại quan, kho lạnh gắn với chuỗi cung ứng dành riêng cho logistics nông sản, kho thương mại điện tử tại các vùng kinh tế trọng yếu, hệ thống trung tâm phân phối hàng hóa.
Cùng với đó, Công ty sẽ đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các đối tác xuất nhập khẩu, hoàn thiện các dịch vụ đại lý giao nhận, vận tải chặng đầu, vận chuyển chặng cuối để hoàn thành các mục tiêu đặt ra.
Cơ hội chia đều
Năm 2021 đã chứng kiến cuộc bùng nổ logistics cho thương mại điện tử khi thị trường Việt Nam tăng trưởng đến 16%, đạt mốc 14 tỷ USD. Dự báo, năm 2025, quy mô thương mại điện tử Việt Nam có thể đạt 52 tỷ USD. Đó là cơ hội để các đơn vị như Vietnam Post, Viettel Post bứt phá vươn lên.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), thị trường vận tải và logistics của Việt Nam ước tính đạt 61,83 tỷ USD, với hơn 1.000 doanh nghiệp đang cung ứng dịch vụ logistics, cùng với số lượng lao động khoảng 1,5 triệu người.
Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) nhận xét, với số lượng đơn hàng đặt qua mạng quá lớn, chủng loại mặt hàng đa dạng, địa chỉ giao hàng ở khắp các địa phương, nếu không ứng dụng công nghệ, các doanh nghiệp logistics cho thương mại điện tử sẽ không thể đáp ứng được tốc độ giao hàng.
“Để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại điện tử trong thời gian tới, các doanh nghiệp logistics nên có sự liên kết, chia sẻ một số nguồn lực dùng chung để phát huy tối đa hiệu quả đầu tư hạ tầng”, ông Hải khuyến nghị.
Bà Nguyễn Vũ Hồng Thanh, Vụ trưởng Vụ Bưu chính (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng, bưu chính đang nổi lên là ngành hậu cần cho sự phát triển kinh tế - xã hội, có nhiều cơ hội để phát triển bứt phá, trở thành hạ tầng của nền kinh tế số. Khi các mô hình kinh doanh nền tảng chia sẻ, các mô hình kinh doanh thương mại điện tử và bán lẻ thế hệ mới bùng nổ sẽ cần đến một hạ tầng chuyển phát rộng khắp để đưa hàng hóa đến tận tay người tiêu dùng.
“Đây là lợi thế không phải lĩnh vực nào cũng có được. Thời gian tới, khi các thiết bị thông minh được phổ cập, hạ tầng bưu chính cần trở thành cầu nối hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho hoạt động thương mại điện tử, đặc biệt ở địa bàn nông thôn”, bà Thanh nói.
Còn theo ông Phạm Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chiến lược Phát triển bưu chính đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 đã xác định đẩy mạnh phát triển lĩnh vực thương mại điện tử và logistics với quy mô thị trường lên đến 70 - 80 tỷ USD vào năm 2025 và chuyển đổi ngành bưu chính từ dịch vụ bưu chính truyền thống sang dịch vụ bưu chính số. Theo đó, bưu chính là hạ tầng thiết yếu của quốc gia và của nền kinh tế số, đặc biệt là của thương mại điện tử. Bưu chính sẽ chuyển dịch sang thương mại điện tử và logistics.
Có thể thấy, các doanh nghiệp bưu chính đang đứng trước một cơ hội rất lớn để chiếm lĩnh thị trường hàng chục tỷ USD trong tương lai gần.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận