Cuộc đua lãi suất huy động dài hạn chưa có điểm dừng
Dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phát đi thông điệp khi hạ một loạt lãi suất điều hành, nhưng cuộc cạnh tranh huy động vốn dài hạn vẫn rất nóng với lãi suất chưa hạ.
Hiện mức lãi suất cao nhất với kỳ hạn 12 tháng là 8,5%/năm tại ABBank, và điều này đã gây chú ý bởi Abank là ngân hàng duy nhất tăng trưởng dư nợ cho vay âm 5% sau 6 tháng, dù kế hoạch cả năm 2019 là tăng 17%.
Một số ngân hàng quy mô nhỏ khác như OCB, BacA Bank hiện áp lãi suất huy động cao nhất ở mức ở 8,1%/năm cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
Dừng ở mức 8%/năm kỳ hạn 12 tháng là NCB, BaoViet Bank, Bản Việt. SHB, nhưng hầu hết đều có khuyến mại tăng thêm lãi suất theo số dư tiền gửi, tiết kiệm online, hoặc kỳ hạn dài hơn…
Với Nam A Bank, lãi suất 12 tháng là 8,3%/năm nhưng nếu gửi 24 tháng, khách hàng sẽ được hưởng mức lãi 8,45%/năm, hoặc được cộng thêm mức 1%/năm nếu gửi tiết kiệm online.
Nhưng cao nhất có lẽ thuộc về Ngân hàng Bản Việt với lãi suất huy động với 10,2%/năm cho kỳ hạn 60 tháng. Với các kỳ hạn khác 24-48 tháng, lãi suất áp dụng của ngân hàng này là 9,5-10%/năm.
Việc các ngân hàng nhỏ đẩy lãi suất lên cao, dù là cạnh tranh huy động vốn hay tái cấu trúc nguồn tiền gửi luôn là nguyên nhân chính khiến chênh lệch lãi suất cho vay - huy động ở các ngân hàng này thấp hơn đáng kể so với ngân hàng quy mô lớn. Đồng nghĩa với việc các chỉ tiêu hiệu quả như ROE, ROA cũng ở mức đáy thị trường.
Thực tế diễn biến thị trường hiện nay, do thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn tốt nên yếu tố cạnh tranh huy động là thứ yếu, cả hệ thống ngân hàng đang phải nỗ lực huy động vốn tiết kiệm dài hạn để thỏa mãn tỷ lệ yêu cầu của NHNN.
Đây cũng là lý do tại sao, các ngân hàng lớn hơn cũng để mức chênh lệch huy động khá lớn giữa lãi suất kỳ hạn ngắn và dài. Tại MBBank, lãi suất 12 tháng hiện ở 7,5%/năm, hay như VietinBank, BIDV, tiếp tục giữ lãi suất lên 7%/năm…
Diễn biến lãi suất huy động dài hạn theo chiều hướng tăng là ngược với “thông điệp” của NHNN khi mới đây cơ quan này đã đồng loạt giảm 25 điểm phần trăm cho các loại lãi suất điều hành.
Dù tính chất của việc tăng lãi suất này có “tính kỹ thuật” nhiều hơn chứ không phải lý do thanh khoản, nhưng về dài hạn, việc duy trì lãi suất cao sẽ khiến mặt bằng lãi suất chung thị trường khó giảm, chi phí vốn cao của các ngân hàng cũng đồng nghĩa với kỳ vọng của các doanh nghiệp vay vốn về khả năng được hưởng mức lãi vay thấp hơn chậm xảy ra.
Lãi suất luôn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu chi phí các doanh nghiệp, do mức độ thâm dụng tín dụng trong hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam cao hơn so với các doanh nghiệp ở cùng khu vực.
Do thị trường vốn mà cụ thể là thị trường chứng khoán và trái phiếu vẫn có trình độ phát triển thấp nên vay ngân hàng vẫn là kênh gọi vốn chủ yếu của doanh nghiệp.
Ông Phạm Hồng Hải, Thành viên của Hội đồng Thành viên Ngân hàng HSBC Việt Nam cho biết, với nguồn dự trữ ngoại tệ của Việt Nam dồi dào và việc Fed giảm lãi suất sẽ tác động tích cực lên tỷ giá.
Tuy nhiên, áp lực lên mặt bằng lãi suất tiền đồng chưa hết. Các ngân hàng nhỏ hiện nay đang khát vốn nên đã tăng lãi suất huy động lên cao.
Điều này cũng tác động lên mặt bằng lãi suất chung của thị trường và các ngân hàng lớn cũng khó có thể giữ nguyên mặt bằng lãi suất. Tuy nhiên, theo quan điểm của ông Hải, việc điều hành lãi suất vẫn theo tín hiệu cung - cầu của thị trường.
Nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá, lực tăng lãi suất huy động vẫn cao trong giai đoạn cuối năm 2019 khi Dự thảo thay thế Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định giảm tỷ lệ tối đa cho vay trung và dài hạn từ nguồn vốn ngắn hạn xuống 35% hoặc 37% vào ngày 1/7/2020 từ mức 40% hiện nay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận