Cuộc chiến giá vé: Hãng bay liên tục “mất máu”, có nguy cơ phá sản
Với việc đề xuất áp dụng giá tối thiểu trong khung giá vé máy bay, nhiều người bày tỏ lo ngại sẽ không còn mua được vé máy bay giá rẻ. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, áp giá tối thiểu sẽ giúp hãng hàng không phát triển bền vững trước các cuộc khủng hoảng, đặc biệt là dịch Covid-19 đang diễn ra và có tác động lâu dài tới ngành hàng không.
Không để giẫm đạp lên nhau cùng chết chìm
Tại thị trường Việt Nam hiện có 6 hãng hàng không cùng khai thác. Vì vậy, tính cạnh tranh về giá vé, đường bay, tần suất khai thác giữa các hãng là rất cao.
Hiện nay, khung giá vé máy bay nội địa hạng phổ thông cơ bản được ban hành từ năm 2015, quy định giá trần theo cự ly của từng đường bay. Giá vé áp dụng cho 5 nhóm đường bay với mức giá vé 1,6-3,75 triệu đồng/vé/chiều (tùy cự ly), chưa bao gồm các khoản phí và phụ thu khác. Các hãng hàng không xây dựng dải giá với nhiều mức (thông thường có 10-15 mức), tương ứng với các điều kiện, giai đoạn khai thác khác nhau.
Trong thời gian vừa qua, phương án đề xuất áp giá tối thiểu theo 2 cách tính bao gồm: cách 1 đề xuất áp bằng chi phí biến đổi của hàng không giá rẻ giai đoạn 2019 và cách 2 là giá tối thiểu bằng 35% giá trần.
Cơ sở áp giá tối thiểu là bài toán để hãng hàng không vượt qua khó khăn trong giai đoạn Covid-19, giảm bớt cạnh tranh giữa các hãng, không phá giá, giẫm đạp lên nhau để cùng chết chìm.
Trên thực tế, dịch Covid-19 khiến thị trường hàng không chứng kiến mặt bằng giá vé máy bay rẻ chưa từng có trong năm 2020. Thậm chí Tết Nguyên đán 2021, các hãng giảm giá vé máy bay chạm đáy, ngay cả Vietnam Airlines cũng đưa ra mức giá vé 98.000 đồng cho nhiều chặng bay.
Để hút thị trường nội địa khi quốc tế đóng băng, hơn một năm qua, các hãng liên tục mở mới, đổ tải vào các đường bay với cuộc đua giá rẻ, thấp hơn giá thành, dẫn tới dù lượng vé bán ra tăng lên song doanh thu phục hồi chậm.
Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Thái – Phó trưởng Khoa Vận tải – Kinh tế, Đại học Giao thông Vận tải (GTVT), trong ngắn hạn một số bộ phận người tiêu dùng có thể được lợi khi giá vé giảm. Nhưng trong dài hạn, nếu diễn ra tình trạng độc quyền dù chỉ ở một vài phân khúc, các doanh nghiệp sẽ phải tăng mạnh giá bán để bù đắp tổn thất và tới lúc đó, người tiêu dùng sẽ lại là người chịu thiệt thòi.
“Chính sách quy định mức giá tối thiểu đối với giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa được cân nhắc trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người tiêu dùng, các hãng hàng không và Nhà nước. Giải pháp mang tính chất tình huống, chỉ áp dụng trong thời gian ngắn trong bối cảnh chịu tác động lớn của dịch Covid-19 theo tôi phù hợp với tình thế hiện nay”, ông Thái nói.
Tuy nhiên về mức giá sàn và giá trần cần được chỉ rõ căn cứ xác đáng và cần đánh giá tác động thực tế của chính sách đối với hoạt động của các hãng hàng không vì nhiều ý kiến cho rằng việc đặt ra quy định về mức giá tối thiểu có thể gây cản trở cho nỗ lực kích cầu của các hãng hàng không, theo ông Thái.
Các nước trên thế giới kiểm soát giá vé như Indonesia đang áp dụng giá tối thiểu. Ấn Độ áp dụng giá tối đa/tối thiểu theo 7 nhóm đường bay trong giai đoạn từ tháng 5-2020 đến tháng 3-2021 nhằm bảo vệ người tiêu dùng trong đại dịch Covid-19. Hay như ngành hàng hải quy định khung giá tối thiểu-tối đa đối với dịch vụ bốc dỡ container nhằm bình ổn giá dịch vụ bốc dỡ này.
PGS. TS Nguyễn Hồng Thái cũng nhìn nhận: “Trong tình hình này, việc Nhà nước thể hiện rõ những vai trò của mình sẽ bảo đảm được sự tồn tại của các hãng hàng không và lợi ích của khách hàng, tạo tiền đề cho ngành hàng không phục hồi trong tương lai. Việc phân bổ, tập trung nguồn lực hỗ trợ ngành hàng không là cần thiết, trong bối cảnh nền kinh tế quay trở lại hoạt động với công suất bình thường thì ngành hàng không sẽ đóng vai trò đặc biệt quan trọng, bởi tính lan tỏa về lợi ích kinh tế đến các ngành thương mại, dịch vụ và đặc biệt là ngành du lịch rất lớn”.
Theo GS. Trần Thọ Đạt, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, về nguyên tắc, việc áp khung giá vé máy bay có đúng hay không cần dẫn chiếu Luật Cạnh tranh và Nghị định chống bán phá giá. Nếu không quy định giá sàn, sẽ có lo ngại các hãng hàng không đua nhau giảm giá tranh khách và thị phần, dẫn tới có hãng hàng không có thể phá sản. Tuy nhiên, trên thực tế các hãng hàng không cũng không thể áp dụng biện pháp phá giá (nếu có) lâu dài được, hơn nữa họ có thể vi phạm Nghị định chống bán phá giá.
Đánh giá, trong bối cảnh đặc biệt, những điều kiện “bất thường” của thị trường, Chính phủ có thể áp dụng những biện pháp đặc thù trên cơ sở đánh giá lợi ích xã hội ròng. Việc áp dụng chính sách quy định mức giá tối thiểu đối với giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa có thể là giải pháp được cân nhắc trên cơ sở tình huống đặc thù để tránh nguy cơ phá sản của các hãng hàng không mà nếu xảy ra thì chi phí xã hội và giá phải trả của việc cho phá sản là quá lớn.
Vì vậy, GS. Trần Thọ Đạt cho rằng, đây là bài toán không chỉ là của riêng các hãng hàng không mà là liên quan đến chi phí và lợi ích xã hội. Do vậy, giải pháp áp giá sàn được đề xuất là mang tính chất tình huống, chỉ có hiệu lực trong thời gian nhất định khi ngành hàng không đang chịu tác động rất lớn của đại dịch Covid-19 là phù hợp với tình thế hiện nay. Đã là giải pháp mang tính chất tình huống thì cũng cần chỉ rõ điều kiện áp dụng và ngay khi các điều kiện này hết hiệu lực, cần gỡ bỏ khung giá vé, để giá cả phản ánh đúng các tín hiệu của thị trường theo quy luật cung cầu và nhu cầu của hành khách.
Cách tính nếu áp giá tối thiểu sẽ ra sao để hài hòa?
Hiện nay, khung giá đang được áp dụng chung cho cả hãng bay giá rẻ và hãng truyền thống dịch vụ đầy đủ. Trong khung giá cho phép, các hãng được tự do quyết định giá cả và cung cấp sản phẩm phù hợp để đảm bảo cạnh tranh. Ví dụ, với mức giá tối đa, các hãng truyền thống phải tự điều chỉnh dịch vụ cung cấp để đảm bảo hiệu quả hay với mức giá tối thiểu chung, các hãng giá rẻ có thể tăng cường chất lượng dịch vụ để tăng khả năng cạnh tranh.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế cho rằng việc áp sàn giá vé máy bay là điều cần thiết, đúng đắn trong bối cảnh đặc thù hiện nay nhằm chấm dứt cuộc đua giảm giá vô tội vạ, giẫm đạp lên nhau tự làm yếu mình, làm méo mó thị trường, khiến mọi doanh thu từ vé bán dưới giá thành để thu hút khách hàng và loại trừ đối thủ, trái với lợi ích doanh nghiệp và quốc gia.
“Bộ giá tối thiểu phù hợp và minh bạch sẽ nhận được sự đồng thuận xã hội cao khi và chỉ khi được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu xác định được các chi phí hợp lý tối thiểu cho các hoạt động và điều kiện vận chuyển cùng loại của các hãng hàng không khác nhau. Nói cách khác, không thể lập giá tối thiểu duy ý chí hay cào bằng mọi sàn giá cho tất cả các dạng hoạt động hàng không, lại càng không thể quy định giá tối thiểu chỉ dựa vào giá đề nghị của doanh nghiệp có chất lượng dịch vụ kém, hoặc có chi phí sản xuất lạc hậu, bộ máy cồng kềnh, lãng phí các nguồn lực và quản lý không hiệu quả các hoạt động kinh doanh…”, ông Phong nhận xét.
Các chuyên gia cho rằng, sau khi đại dịch kết thúc, các hãng cơ bản đã phục hồi, Nhà nước có thể gỡ bỏ khung giá vé máy bay, để thị trường tự vận động theo cơ chế thị trường tự do. Về lâu dài, bãi bỏ tất cả các khung giá, tự do hóa giá cả là con đường hướng tới của các hãng bay phải hoạt động theo cơ chế thị trường, theo quy luật cung cầu và theo nhu cầu hành khách. Khi đó giá vé sẽ đi theo chất lượng dịch vụ tương ứng.
Về vấn đề này, Bộ GTVT đã lập Tổ công tác để triển khai, làm việc với các hãng hàng không về chấp hành quy định của pháp luật về Luật Cạnh tranh, Luật Giá đối với giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa.
Tổ công tác có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, nội dung và làm việc với các hãng hàng không Việt Nam và kịp thời chấn chỉnh, xử lý vi phạm hoặc đề xuất xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật; báo cáo kết quả làm việc về Bộ GTVT, trong đó làm rõ việc chấp hành các quy định của pháp luật về Luật Cạnh tranh, Luật Giá, đối với giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa của các hãng hàng không Việt Nam; kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền về phương án xử lý những tồn tại, vướng mắc (nếu có).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận