Cung cấp dịch vụ “chui”, Chứng khoán VISC (VIG) bị phạt "kép"
Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty Cổ phần Chứng khoán Đầu tư tài chính Việt Nam (VISC – mã chứng khoán: VIG).
Theo đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết VISC đã phối hợp với các cá nhân cung cấp dịch vụ cho khách hàng vay tiền giao dịch mua chứng khoán khi chưa báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hoặc khi chưa có ý kiến bằng văn bản của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hoặc chưa có quy định hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Số tiền phạt là 275 triệu đồng.
Ngoài ra, thông báo xử phạt của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng liệt kê hành vi cung cấp dịch vụ ứng trước tiền bán khi đang trong diện cảnh báo, chưa báo cáo hoặc có ý kiến bằng văn bản của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Hình thức xử phạt bổ sung đối với VISC là đình chỉ dịch vụ ứng trước tiền bán chứng khoán có thời hạn hai tháng kể từ ngày 23/8.
Chứng khoán VISC tiền thân là Công ty Cổ phần Chứng khoán Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VICS) với vốn pháp định là 150 tỷ đồng. Công ty niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vào 2009-2010.
Đến năm 2021-2022, Tập đoàn đầu tư Thăng Long đầu tư chiến lược và tái cấu trúc thành công, tham gia quản trị điều hành và đổi tên doanh nghiệp thành Công ty Cổ phần Chứng khoán Đầu tư Tài chính Việt Nam (VISC), tăng vốn lên hơn 450 tỷ đồng.
Trước đó, HNX cho biết duy trì diện cảnh báo của cổ phiếu VIG do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2023 là con số âm.
Giải trình về việc cổ phiếu vào diện cảnh báo, VIG cho biết theo Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 VIG ghi nhận lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm 2023 của công ty là âm gần 134 tỷ đồng. Đây là các khoản lỗ kinh doanh luỹ kế từ năm 2011 và 2012.
Sang đến quý 1/2024, tình hình kinh doanh của công ty có nhiều khả quan, cụ thể tính đến ngày 31/3/2024, lợi nhuận sau thuế ghi nhận trong kỳ là 10,279 tỷ đồng. Theo đó, công ty đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đưa ra khỏi tình trạng cảnh báo theo quyết định số 473/QĐ-UBCK ngày 26/4/2024.
"Công ty đang trong quá trình đăng ký nghiệp vụ bảo lãnh phát hành chứng khoán; đăng ký cung cấp dịch vụ cho khách hàng vay tiền mua chứng khoán, ứng trước tiền bán chứng khoán. Sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận các nghiệp vụ, dịch vụ nêu trên, công ty có thể cung cấp đa dạng các sản phẩm và dịch vụ cho nhà đầu tư, tạo điều kiện gia tăng doanh thu và lợi nhuận trong quá trình kinh doanh sắp tới, giúp cải thiện kết quả hoạt động kinh doanh của công ty", VISC nêu.
Giải trình báo cáo soát xét báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2024, VISC cho biết, lợi nhuận nửa đầu năm nay của VISC lãi và biến động tăng hơn so với năm 2023 do quý 2/2024 doanh thu các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn tăng gần 9 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó, tổng chi phí hoạt động kinh doanh và chi phí quản lý doanh nghiệp tương đương so với cùng kỳ năm ngoái.
Lợi nhuận trước thuế của VISC trong nửa đầu năm 2024 đạt 24,6 tỷ đồng, tăng 30,1% so với 18,9 tỷ đồng ghi nhận trong cùng kỳ năm ngoái. Khấu trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế của VISC đạt 22,3 tỷ đồng, tăng gần 18% so với 18,9 tỷ có được trong cùng kỳ năm 2023.
Theo giới thiệu, VISC hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ môi giới chứng khoán, dịch vụ phân tích đầu tư, dịch vụ ngân hàng đầu tư và dịch vụ tài chính. Trụ sở chính của công ty này đặt tại Tầng 8, Khối B Tòa nhà Sông Đà, đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Thành phố Hà Nội.
Hiện ông Nguyễn Phúc Long giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị; còn chức vụ Tổng giám đốc kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị do ông Dương Quang Trung nắm giữ. Các thành viên Hội đồng quản trị gồm bà Đào Thị Thanh, ông Nguyễn Xuân Biểu và ông Nguyễn Viết Việt.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường