Cục trưởng Cục QLN & TT BĐS: Năm 2020 vì sao giá đất trục đường Hồ Tây – Ba Vì sẽ tăng?
Lý giải về dự báo giá đất nền thị trường bất động sản năm 2020 vẫn tăng, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, sắp tới Hà Nội làm con đường trục Hồ Tây - Ba Vì thì giá bất động sản khu vực hai bên chắc chắn sẽ tăng.
Tại cuộc họp báo quý IV/2019, Bộ Xây dựng đánh giá, thị trường bất động sản năm 2019 phát triển tương đối ổn định kể cả về nguồn cung, số lượng giao dịch, giá cả, dư nợ tín dụng và vốn đầu tư nước ngoài.
Về giá bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết năm 2019 giá nhà chung cư tại Hà Nội và TP HCM có biến động nhưng không lớn. Cụ thể, tại Hà Nội, giá căn hộ chung cư trong quý IV/2019 tăng khoảng 0,54% so với cùng kỳ năm 2018, giá nhà ở riêng lẻ tăng khoảng 3%.
Trên cơ sở đánh giá, dự báo các yếu tố có khả năng ảnh hưởng lớn đến thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng dự báo thị trường bất động sản đến năm 2020 ít có nguy cơ xảy ra “bong bóng bất động sản”.
Tuy nhiên theo Bộ Xây dựng, có thể tiếp tục xảy ra tình trạng tăng giá đất nền tại các khu vực có quy hoạch trở thành các đặc khu, các khu đô thị mới được đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và tình trạng sốt nóng cục bộ tại các dự án nhà ở tại khu vực trung tâm đô thị có tiến độ thi công nhanh, hạ tầng đồng bộ, chủ đầu tư có uy tín và giá cả phù hợp.
Giải thích về dự báo này, ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản lý giải: "Đối với những nơi có điều chỉnh quy hoạch thì việc tăng giá các khu vực xung quanh là hiện tượng không lạ, không chỉ ở nước ta mà các nước đều như thế cả. Tôi lấy ví dụ sắp tới Hà Nội làm con đường trục Hồ Tây - Ba Vì thì khu vực hai bên giá chắc chắn sẽ tăng".
"Trước đây có Luật dự kiến Luật đặc khu hay xây dựng các đặc khu thì nó lại khác nhưng bây giờ không có đặc khu nhưng vẫn có quy hoạch đảo, quy hoạch phát triển thì các bất động sản vẫn tiềm năng", ông Ninh nhấn mạnh.
Được biết, trục đường Hồ Tây - Ba Vì có chiều dài khoảng 25km. Điểm đầu của dự án là Km0+000 - lý trình dự án (ngã ba đường Hoàng Quốc Việt với đường Phạm Văn Đồng). Điểm cuối là Km3+260 - lý trình dự án (gần ngã ba Quốc lộ 32 với đường Văn Tiến Dũng). Phạm vi thực hiện dự án nằm trong ranh giới địa lý hành chính của 3 phường (Mai Dịch - quận Cầu Giấy, phường Phú Diễn và Phúc Diễn - quận Bắc Từ Liêm).
Tổng kinh phí thực hiện dự án là hơn 3.700 tỷ đồng trong đó chi phí xây dựng tuyến đường là hơn 785 tỷ đồng đồng, chi phí giải phóng mặt bằng là gần 2.500 tỷ đồng, chi phí dự phòng là gần 235 tỷ đồng, chi phí lãi vay trong quá trình xây dựng là hơn 162 tỷ đồng, chi phí quản lý dự án, tư vấn và các chi phí khác là khoảng 152 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện dự án là 18 tháng.
Diện tích giải phóng mặt bằng sơ bộ đất thổ cư, nông nghiệp của phường Mai Dịch; Phú Diễn; Phúc Diễn là rất lớn, cụ thể: Diện tích đất nông nghiệp của phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy là 20242,8 m2, thổ cư là 8879,2 m2; phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liên là 24254,2 m2, thổ cư là 27,738,01 m2; Phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm là 7568 m2, thổ cư là 5151,045 m2.
Liên quan đến tuyến đường này, mới đây thành phố đã dừng triển khai dự án tuyến đường nghìn tỷ Hồ Tây – Ba Vì đoạn qua quận Bắc Từ Liêm. Đồng thời, sẽ báo cáo Thủ tướng để xin ý kiến điều chỉnh trục đường này. Nguyên nhân bởi hiện nay đang có nhiều bất cập xung quanh quy hoạch trục đường này.
Cụ thể, dự án nghìn tỷ này được cho là sẽ đi qua các khu dân cư đang sinh sống ổn định, khu tái định cư Phú Diễn. Tuyến đường này cũng sẽ cắt qua Học viện Tư Pháp có 3 tòa nhà từ 9 – 11 tầng; Trường Trung cấp In Hà Nội có 2 tòa nhà 5 và 9 tầng; Trường THCS Phú Diễn, Nhà máy sơn Hà Nội.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận