Cực tăng trưởng mới từ khu, cụm công nghiệp ven biển
Những năm gần đây, các tỉnh Nam Định, Thái Bình huy động các nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, bảo đảm tính kết nối trọng các khu, cụm công nghiệp ven biển..., tạo khởi sắc trong cơ cấu kinh tế những tỉnh thuần nông phía nam đồng bằng sông Hồng.
Tuy nhiên, một số điểm nghẽn cần tiếp tục được tháo gỡ để khu, cụm công nghiệp ven biển của các tỉnh này trở thành cực tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.
Nhận thức tiềm năng, lợi thế, tầm quan trọng của vùng ven biển, tỉnh Thái Bình và tỉnh Nam Định xác định nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng đầu trong cả nhiệm kỳ 2020-2025 và các nhiệm kỳ tiếp theo là tập trung xây dựng, phát triển khu kinh tế ven biển, nhất là phát triển các khu, cụm công nghiệp để tạo động lực thu hút đầu tư vào tỉnh.
Phát triển hạ tầng kết nối khu công nghiệp
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng cho biết, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa 20, nhiệm kỳ 2020-2025 đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về xây dựng, phát triển vùng kinh tế ven biển tỉnh Nam Định giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo, với mục tiêu khai thác tiềm năng, thế mạnh vùng kinh tế biển trở thành vùng kinh tế động lực phía nam của tỉnh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng trọng tâm là công nghiệp, đô thị, thương mại-dịch vụ-du lịch, kết hợp các ngành nông nghiệp, thủy sản. Đây là lần đầu tiên Nam Định có một nghị quyết chuyên đề riêng về phát triển kinh tế biển, với quyết tâm chính trị cao và kỳ vọng vùng kinh tế này sẽ tạo đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế và thu ngân sách của tỉnh.
Tỉnh tập trung nguồn vốn đầu tư cải tạo, nâng cấp nhiều tuyến giao thông huyết mạch quan trọng kết nối trung tâm vùng, trung tâm kinh tế các huyện vùng ven biển. Cuối năm 2017, tỉnh Nam Định khởi công Dự án đầu tư xây dựng đường trục phát triển vùng kinh tế biển Nam Định với cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình, đến nay đã hoàn thành giai đoạn 1. Tỉnh đã báo cáo và đề xuất với Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành trung ương cho phép tỉnh thực hiện tuyến cao tốc Ninh Bình-Hải Phòng-Quảng Ninh, đoạn qua Nam Định) từ nguồn vốn đầu tư công của gói kích thích kinh tế của Chính phủ với chiều dài tuyến khoảng 29 km, tổng mức đầu tư khoảng 8.800 tỷ đồng; phối hợp Bộ Giao thông vận tải triển khai, sớm hoàn thành và khai thác hiệu quả cụm công trình kênh nối Đáy-Ninh Cơ tạo hành lang giao thông thủy nội địa với các tỉnh trong khu vực. Tháng 9/2020, tuyến đường bộ ven biển đoạn qua Nam Định đã được khởi công tại khu vực xã Giao An, huyện Giao Thủy. Dự án có tổng mức đầu tư 2.655 tỷ đồng, tổng chiều dài toàn tuyến là 65,58 km, đi qua 24 xã, thị trấn thuộc ba huyện ven biển Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng. Trục giao thông này khi hoàn thành sẽ kết nối thuận tiện với các địa phương trong và ngoài tỉnh bằng tuyến đường bộ mới Nam Định-Lạc Quần-Đường bộ ven biển (dự án đã được tỉnh đồng ý chủ trương đầu tư). Tận dụng lợi thế giao thông, huyện Giao Thủy đã quy hoạch 2 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 1.500 ha; 10 cụm công nghiệp với diện tích từ 50 đến 75 ha mỗi cụm, trong đó có 6 cụm công nghiệp dọc theo tuyến đường ven biển.
Tỉnh Thái Bình cũng xác định nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng đầu trong cả nhiệm kỳ 2020-2025 và các nhiệm kỳ tiếp theo là tập trung xây dựng, phát triển Khu kinh tế Thái Bình, nằm trên địa bàn hai huyện ven biển Tiền Hải, Thái Thụy trở thành động lực phát triển kinh tế của tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận cho biết: Trước hết, tỉnh tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng Khu kinh tế Thái Bình, khu công nghiệp phục vụ nông nghiệp, các khu công nghiệp trong khu kinh tế, cảng Diêm Điền, cảng Ba Lạt... để tạo động lực thu hút đầu tư vào tỉnh.
Hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp tốt đã tạo điều kiện cho các địa phương thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp ven biển. Khu công nghiệp Liên Hà Thái nằm tại huyện Thái Thụy, sau chín tháng được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư, đến nay đã hoàn thành giải phóng mặt bằng khoảng 400 ha, thực hiện đồng thời vừa giải phóng mặt bằng, vừa đầu tư xây dựng hạ tầng, vừa xúc tiến thu hút nhà đầu tư thứ cấp vào khu công nghiệp. Hiện tại, khu công nghiệp này thu hút được 4 dự án thứ cấp, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 400 triệu USD. Tại huyện ven biển Tiền Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Bùi Tuấn Anh cho biết, khu công nghiệp Tiền Hải với diện tích 466 ha hiện đã có 70 dự án của 45 doanh nghiệp đầu tư với tổng vốn đăng ký 13.188,83 tỷ đồng (trong đó có 5 dự án FDI). Trước đó, huyện đã xây dựng 5 cụm công nghiệp: An Ninh, Tây An, Trà Lý, Nam Hà và Cửa Lân với tỷ lệ lấp đầy khoảng 52%. Các dự án đã đi vào sản xuất chủ yếu là lĩnh vực dệt may, thu hút hàng nghìn lao động địa phương. Năm 2021, giá trị sản xuất ngành công nghiệp và xây dựng đạt hơn 11 nghìn tỷ đồng, tăng 15,5% và chiếm tỷ lệ 53,6% trong cơ cấu kinh tế của huyện Tiền Hải.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Bình Vũ Kim Cứ cho biết, năm 2021, Khu kinh tế Thái Bình và các khu công nghiệp trong tỉnh có 33 dự án được cấp mới và dự án điều chỉnh chủ trương đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký tăng thêm 16.673 tỷ đồng, gấp hơn 10 lần so với cùng kỳ năm 2020. Cũng trong năm 2021, Nam Định thu hút được 59 dự án trong nước và 16 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đăng ký đầu tư gần 74.000 tỷ đồng và hơn 62 triệu USD, đạt hơn 90% mục tiêu về tổng số vốn thu hút đầu tư của cả giai đoạn 2021-2025.
Tiếp tục tháo gỡ những điểm nghẽn
Cùng với nỗ lực thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, thúc đẩy sản xuất-kinh doanh, các tỉnh Thái Bình, Nam Định đang triển khai nhiều giải pháp để tiếp tục tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông mọi nguồn lực đầu tư, phát triển các khu kinh tế và các khu, cụm công nghiệp ven biển. Bảy điểm nghẽn đã được nhận diện, như: Giải phóng mặt bằng nhiều dự án chậm; hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; cơ chế, chính sách của các tỉnh trong phát triển kinh tế thiếu đồng bộ; công tác quy hoạch còn bất cập; hiệu quả xúc tiến, thu hút đầu tư những dự án có quy mô lớn, công nghệ tiên tiến, giá trị gia tăng cao còn hạn chế; cải cách hành chính chưa đáp ứng được yêu cầu, nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế...
Để tháo gỡ bất cập về công tác giải phóng mặt bằng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình đã ban hành Chỉ thị số 08-CT/TU ngày 5/7/2021 tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án đầu tư; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tổ chức phong trào thi đua đẩy mạnh tiến độ thực hiện giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án. Nhờ đó, đến nay, công tác giải phóng mặt bằng có nhiều chuyển biến tích cực, tiêu biểu như Khu công nghiệp Liên Hà Thái đang được đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để các dự án triển khai kịp tiến độ. Đồng thời, tỉnh có các chính sách ưu đãi doanh nghiệp khi đầu tư vào Khu kinh tế Thái Bình, như trong giai đoạn 2021-2025, ưu tiên phát triển các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lĩnh vực ngành nghề mang tính trụ cột, đột phá như: công nghiệp năng lượng, công nghiệp đóng tàu, các ngành công nghiệp hỗ trợ...
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng cho biết, để thực hiện tốt mục tiêu phát triển công nghiệp ven biển, tỉnh Nam Định ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm có tính kết nối, lan tỏa thúc đẩy kinh tế-xã hội. Đồng thời, triển khai các thủ tục xây dựng đề án thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ; từng bước xây dựng không gian kinh tế liên kết khu vực biển các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng. Bên cạnh đó, tỉnh chủ động xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, gắn với định hướng phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; hướng tới các nhà đầu tư có vốn lớn, công nghệ cao và lĩnh vực sản xuất có giá trị gia tăng lớn, thân thiện với môi trường. Nam Định đặt mục tiêu đến năm 2030, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn ba huyện ven biển chiếm tỷ trọng hơn 45% trong giá trị sản xuất của toàn tỉnh; tổng thu ngân sách nhà nước của ba huyện đạt khoảng 8.000-9.000 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 200 triệu đồng/người/năm. “Với quyết tâm cao và các giải pháp đồng bộ, tỉnh Nam Định kỳ vọng khu vực ven biển sẽ trở thành cực tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa 20 cũng như mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Nam Định trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước”, đồng chí Trần Anh Dũng nhấn mạnh
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận